Trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhiều địa phương của tỉnh đang vướng tiêu chí môi trường, một trong những tiêu chí khó và quan trọng. Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng nguồn rác hữu cơ làm phân bón là một trong những giải pháp giúp giải quyết bài toán khó về tiêu chí môi trường nên được nhiều địa phương tích cực triển khai.
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhiều địa phương của tỉnh đang vướng tiêu chí môi trường, một trong những tiêu chí khó và quan trọng. Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng nguồn rác hữu cơ làm phân bón là một trong những giải pháp giúp giải quyết bài toán khó về tiêu chí môi trường nên được nhiều địa phương tích cực triển khai.
Bà Nguyễn Thị Vỹ, nông dân tại xã Phú Hòa (H.Định Quán) giới thiệu mô hình phân loại rác tại nguồn trong khu dân cư kiểu mẫu. Ảnh: B.Nguyên |
Trong đó, các khu dân cư kiểu mẫu (KDCKM) đang đi đầu trong thực hiện việc phân loại rác tại nguồn với sự tích cực tham gia của người dân.
* Xây dựng khu dân cư sạch, đẹp
Tính đến hết quý III-2022, toàn tỉnh có 15 KDCKM được công nhận. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang phấn đấu có thêm 10 KDCKM hoàn thành và được công nhận vào quý IV-2022. Điểm nổi bật của các KDCKM là thực hiện rất tốt các tiêu chí môi trường, nhất là được chọn làm thí điểm phân loại rác tại nguồn.
Trong đó, H.Vĩnh Cửu là địa phương thuộc tốp đầu của tỉnh có nhiều KDCKM và thực hiện tốt chương trình phân loại rác tại nguồn gắn với xây dựng NTM. Theo báo cáo của UBND H.Vĩnh Cửu, năm 2021, huyện có 2 KDCKM đạt chuẩn và được công nhận. Tính đến quý III-2022, huyện có thêm 3 khu dân cư đạt chuẩn kiểu mẫu. Các KDCKM này đều tích cực triển khai hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn gắn với tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM kiểu mẫu.
Cụ thể, từ năm 2020, H.Vĩnh Cửu đã thực hiện mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn và tận dụng nguồn rác hữu cơ sau phân loại để làm phân bón hữu cơ bằng phương pháp xử lý IMO tại KDCKM của 3 xã Tân Bình, Hiếu Liêm và Vĩnh Tân. Sau đó, mô hình này tiếp tục được nhân rộng ra các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện với nhiều mô hình hiệu quả.
Đến nay, toàn huyện có 434 hộ dân tham gia phân loại rác tại nguồn, sử dụng rác hữu cơ, phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng cho 206ha cây trồng các loại. Ngoài ra, mô hình phân loại rác tại nguồn kết hợp sử dụng men vi sinh còn được ứng dụng để khử mùi nhà vệ sinh và xử lý rác thải hữu cơ để tạo ra phân bón hữu cơ chăm sóc hoa, cây cảnh tại các trường học trên địa bàn huyện; ứng dụng để xử lý mùi hôi trong chăn nuôi, tại các điểm tập kết rác tạm…
* Phát huy vai trò của phụ nữ
Mô hình phân loại rác tại nguồn được tích cực triển khai thí điểm rộng rãi tại các KDCKM trên địa bàn tỉnh thu hút người dân tích cực tham gia; đặc biệt là phát huy được vai trò của người phụ nữ trong gia đình.
Bà Cao Thị Hồng, Trưởng ấp 1, xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) cho biết, KDCKM của ấp đang tích cực thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn. Mô hình này được người dân ủng hộ vì không chỉ góp phần giữ gìn khu dân cư luôn sạch đẹp, giảm hẳn tỷ lệ rác thải ra môi trường mà người dân còn tận dụng nguồn rác thải hữu cơ sau phân loại làm nguyên liệu tự chế phân bón hữu cơ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp để giảm chi phí đầu vào.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Vỹ, nông dân tại xã Phú Hòa (H.Định Quán) chia sẻ: “Khu dân cư tôi ở đang phấn đấu đạt KDCKM nên người dân rất tích cực hoàn thành các tiêu chí về môi trường như: Làm tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp; tham gia nạo vét để mương thoát nước luôn thông thoáng; mỗi hộ gia đình trong khu dân cư, nhất là chị em phụ nữ rất tích cực tham gia, có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, đảm bảo sạch đẹp từ nhà ra ngõ và toàn bộ khu dân cư”.
Chính quyền địa phương vận động và tổ chức lớp tập huấn cho người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, tận dụng nguồn rác hữu cơ để làm phân bón. Mô hình này được người dân rất ủng hộ, nhiều hộ không làm nông nghiệp cũng tham gia phân loại rác tại nguồn, tự ủ phân hữu cơ để tưới cho hoa, cây cảnh được trồng trong nhà và trên các tuyến đường trong khu dân cư.
Trong đó, người phụ nữ trong gia đình có vai trò quyết định để triển khai thực hiện 3 sạch là: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ cũng như trong phong trào trồng hoa, cây xanh và giữ gìn vệ sinh chung để các tuyến đường ngõ, xóm luôn sáng - xanh - sạch - đẹp.
Theo Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bùi Thị Hạnh, trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến hội viên phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã đổi mới nội dung, phương thức thực hiện thông qua việc đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường gắn với các phong trào thi đua, đề án, cuộc vận động lớn của Hội. Đặc biệt là cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường. Hội đặc biệt quan tâm tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, trang bị các kiến thức, kỹ năng phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho các hội viên.
Theo Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh BÙI THỊ HẠNH, toàn tỉnh hiện có gần 414,2 ngàn hộ đạt gia đình 5 không, 3 sạch. Các cấp Hội đã đăng ký với cấp ủy quản lý 283 tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn với tổng chiều dài trên 200km. Hội cũng đăng ký thực hiện trên 2,1 ngàn công trình, phần việc như: làm đường, cống thoát nước, lắp đèn chiếu sáng, trồng cây… với tổng kinh phí vận động đóng góp hơn 25 tỷ đồng; góp phần thay đổi diện mạo các vùng nông thôn. |
Bình Nguyên