Báo Đồng Nai điện tử
En

Kết nối nông hộ nuôi heo VietGAHP vào chuỗi siêu thị

06:12, 26/12/2022

MM Mega Market Việt Nam và Công ty TNHH Anh Hoàng Thy (TP.Biên Hòa) vừa khánh thành trạm trung chuyển thịt heo tại xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu. Trạm trung chuyển có năng lực cung cấp sản phẩm thịt heo sạch, an toàn cho hệ thống phân phối của MM Mega Market tại toàn bộ khu vực miền Trung và miền Nam.

MM Mega Market Việt Nam và Công ty TNHH Anh Hoàng Thy (TP.Biên Hòa) vừa khánh thành trạm trung chuyển thịt heo tại xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu. Trạm trung chuyển có năng lực cung cấp sản phẩm thịt heo sạch, an toàn cho hệ thống phân phối của MM Mega Market tại toàn bộ khu vực miền Trung và miền Nam.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (bìa phải) tham quan mô hình trạm trung chuyển thịt heo tại H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (bìa phải) tham quan mô hình trạm trung chuyển thịt heo tại H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên

Việc đưa trạm trung chuyển thịt heo vào hoạt động đã thể hiện rõ cam kết của MM Mega Market Việt Nam trong hỗ trợ nông hộ và HTX ứng dụng quy trình đảm bảo chất lượng nghiêm ngặt vào chăn nuôi và chế biến.

* Nguồn cung heo sạch cho nhiều thị trường lớn

Trạm trung chuyển, kết nối chuỗi tiêu thụ thịt heo giữa MM Mega Market Việt Nam và Công ty TNHH Anh Hoàng Thy đi vào hoạt động góp phần đưa nông hộ tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng thịt heo 100% đạt chuẩn VietGAHP.

Trạm trung chuyển thịt heo có tổng diện tích 5 ngàn m2, đạt chuẩn ISO 22000:2018 cung cấp sản phẩm thịt heo sạch, an toàn cho hệ thống phân phối của MM Mega Market tại TP.HCM, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, và Nam Trung bộ. Trạm trung chuyển được vận hành với sự kiểm soát nghiêm ngặt, theo quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

Trạm trung chuyển sở hữu khu vực giết mổ riêng biệt, được khử trùng thường xuyên; trang bị công nghệ đóng gói Oxy Fresh giúp tối ưu dinh dưỡng và độ tươi ngon của sản phẩm. Quá trình vận chuyển thịt heo với tổng cộng 12 xe lạnh chuyên dụng có gắn thiết bị theo dõi nhiệt độ suốt hành trình để đảm bảo sản phẩm thịt được vận chuyển trong điều kiện dưới 40C. Bên cạnh đó, thịt thành phẩm được đóng gói hoàn chỉnh theo từng đơn vị với tem truy xuất nguồn gốc (QR code) đến tận nông hộ/trại.

Giám đốc Khối vận hành của MM Mega Market Việt Nam Nguyễn Đức Toàn cho biết: “Với sự hỗ trợ của các ban, ngành, đối tác và nông hộ tại Đồng Nai, MM Mega Market Việt Nam tích cực tham gia vào việc phát triển chuỗi cung ứng thịt heo an toàn của địa phương và khu vực phụ cận. Chúng tôi kỳ vọng mô hình là bước tiến vượt bậc trong cung cấp nguồn thực phẩm thịt heo đến tay người tiêu dùng thông qua ứng dụng công nghệ và quy trình kiểm soát nghiêm ngặt vào quá trình chăn nuôi”.

Cũng theo ông Toàn, MM Mega Market Việt Nam là thương hiệu chiến lược thuộc Tập đoàn đa quốc gia BJC/TCC, là doanh nghiệp tiên phong phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn với hơn 4 ngàn nhân viên, 2 ngàn nhà cung cấp và hàng trăm hộ nông dân đối tác trên toàn quốc. Việc chọn xây dựng trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai, một trong những vùng chăn nuôi trọng điểm, lớn nhất cả nước với mục tiêu nâng cao năng lực và quy mô sản xuất để cung ứng thịt heo sạch cho thị trường lớn TP.HCM, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, và Nam Trung bộ. Trong đó, các vấn đề về chất lượng, bình ổn giá cả được chú trọng.

* Đảm bảo đầu ra cho nông dân vào chuỗi liên kết

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 150 trang trại và 7 tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAHP. Tổng sản lượng thịt đạt chuẩn VietGAHP cung ứng ra thị trường khoảng 165 ngàn tấn thịt/năm.

Trong đó, tổng sản lượng thịt heo VietGAHP khoảng 110 ngàn tấn/năm và tổng sản lượng thịt gà khoảng 55 ngàn tấn/năm. Toàn tỉnh cũng duy trì 7 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện. Đồng Nai đang phối hợp với Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) khảo sát và xây dựng 3 vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng tiêu chuẩn OIE (Tổ chức Thú y thế giới) phục vụ xuất khẩu.

Bà Mai Anh, Tổ trưởng Tổ hợp tác VietGAHP Xuân Trường (H.Xuân Lộc) cho biết, hiện trại của bà đang nuôi khoảng 200 heo thịt. Nhiều thành viên khác trong tổ hợp tác cũng có quy mô chăn nuôi vài trăm con/hộ. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên phải thực hiện quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn VietGAHP, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Cũng theo bà Mai Anh, sau giai đoạn bùng phát dịch tả heo châu Phi, chăn nuôi nông hộ gặp rất nhiều khó khăn, rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải bỏ nghề vì heo rớt giá, đầu ra gặp khó khăn. Tuy nhiên, các thành viên trong tổ hợp tác vẫn giữ được nghề, có lợi nhuận nhờ tham gia vào chuỗi liên kết, sản phẩm chăn nuôi được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn mặt bằng chung thị trường.

Phó giám đốc Công ty Anh Hoàng Thy Đặng Văn Cường cho biết, doanh nghiệp có 20 năm kinh nghiệm trong ngành chăn nuôi và liên kết sản xuất với bà con nông dân chăn nuôi heo tại tỉnh Đồng Nai. Đưa vào vận hành trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nông dân chăn nuôi theo chuỗi sản xuất, hỗ trợ đầu ra ổn định.

Tham dự lễ khánh thành trạm trung chuyển thịt heo tại H.Vĩnh Cửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa trong điều kiện đang chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán 2023. Thời gian này, tỉnh cũng đang triển khai việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân đón Tết đầm ấm, đầy đủ. Đồng Nai là tỉnh có tỷ trọng chăn nuôi rất lớn nên việc tổ chức giết mổ, lưu thông, phân phối để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi; giảm các khâu trung gian trong lưu thông, phân phối nhằm giảm tối đa chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất là nội dung tỉnh đặc biệt quan tâm.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều