Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) vừa, nhỏ và siêu nhỏ đang đối mặt với những thách thức lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động bởi đại dịch Covid-19. Mức độ chuyển đổi số (CĐS) tại nhiều DN chưa đúng như kỳ vọng, đặc biệt là các DN sản xuất.
Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) vừa, nhỏ và siêu nhỏ đang đối mặt với những thách thức lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động bởi đại dịch Covid-19. Mức độ chuyển đổi số (CĐS) tại nhiều DN chưa đúng như kỳ vọng, đặc biệt là các DN sản xuất.
Người dân, doanh nghiệp tham quan các gian trưng bày, giới thiệu về các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới bên lề hội thảo Chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022 của TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Hà |
Đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người buộc các nhà sản xuất và người tiêu dùng phải thay đổi và thích ứng.
* Hơn 70% DN nhỏ và vừa chưa biết CĐS
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), các DN công thương, đặc biệt là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ đang đối mặt với những thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay. DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam đang chiếm phần đa số, ước tính chiếm khoảng 97% tổng số DN, nhưng thực trạng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ để CĐS còn chưa cao. Khoảng hơn 90% DN trong số này chưa thực sự hiểu biết về CĐS và tầm quan trọng của CĐS; hơn 70% số DN chưa biết bắt đầu từ đâu.
Còn theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, năm 2020, tại Việt Nam hơn 92% DN đã có sự quan tâm đến ứng dụng CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Tuy nhiên, chưa đến 10% trong số này nhận định việc CĐS đã thành công và có thể mang lại giá trị trọng yếu cho DN.
Đối với các DN ngành Công thương, kết quả điều tra, khảo sát đánh giá mức độ sẵn sàng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư do Bộ Công thương phối hợp với Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam cho thấy, mức độ CĐS tại DN còn rất thấp, đặc biệt DN sản xuất.
Tại diễn đàn Kết nối DN đồng hành CĐS công thương năm 2022 diễn ra vào giữa tháng 12-2022, Trưởng phòng Kinh tế số, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) Nguyễn Thúy Anh chia sẻ, hiện nay, những hạn chế, khó khăn DN còn gặp phải trong quá trình CĐS như: về nhận thức, nhân lực triển khai CĐS; về thông tin các giải pháp CĐS trên thị trường; về tiếp cận các nguồn tài chính nhằm triển khai CĐS; hạn chế trong việc xây dựng hệ sinh thái tổng thể nhằm thúc đẩy CĐS bao gồm: chính sách, nhân lực, logistics, phương thức thanh toán cũng như hạ tầng kết nối…
* Cần thêm các kênh hỗ trợ CĐS
Để tạo thêm một kênh hỗ trợ cho DN ngành Công thương trong thúc đẩy quá trình CĐS, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cùng một số đơn vị xây dựng hệ sinh thái CĐS công thương. Dự kiến hệ sinh thái sẽ được ra mắt vào quý III-2023.
Trao đổi tại diễn đàn Kết nối DN đồng hành CĐS công thương năm 2022, bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho rằng, cần có giải pháp kết nối các đơn vị cung cấp giải pháp CĐS uy tín để đồng hành, hỗ trợ quá trình CĐS của DN. Trong đó, xây dựng hệ sinh thái CĐS công thương sẽ tạo thêm một kênh hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho DN ngành Công thương trong thúc đẩy quá trình CĐS. Qua đó, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua khó khăn thách thức, hướng tới phát triển DN bền vững trên nền tảng số…
Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND về phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đề ra các mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Về phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số của Đồng Nai đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt 2%...
Bên cạnh đó, tỉnh còn thúc đẩy DN ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất đến tường bước CĐS, hình thành cộng đồng DN số. Với mục tiêu đổi mới công nghệ cho DN, Chương trình đổi mới công nghệ Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025 số lượng DN thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình hàng năm 5% và đến năm 2030 tăng 10% mỗi năm.
Nhiều địa phương trong tỉnh cũng ngày càng quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động, hội thảo kết nối, hỗ trợ DN, nhất là đối với DN nhỏ và vừa tiếp cận với các nền tảng công nghệ mới, thúc đẩy quá trình CĐS trong DN. Đơn cử, cuối tháng 11 vừa qua, UBND TP.Biên Hòa đã tổ chức hội thảo CĐS DN năm 2022 với nhiều nội dung liên quan đến tổng quan về CĐS DN; xây dựng kênh bán hàng trên môi trường số; bài toán quản trị DN; các ứng dụng về nền tảng CĐS toàn diện, ứng dụng hợp đồng điện tử trong CĐS DN…
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối, hội thảo về CĐS cho cộng đồng DN trên địa bàn nhằm thúc đẩy mạnh hơn các nội dung trong lĩnh vực kinh tế số, phát huy tối đa thế mạnh của cộng đồng DN công nghệ số, huy động nguồn lực tổng hợp của các DN trên địa bàn thành phố để hỗ trợ nhau thực hiện tốt các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của từng DN. Đồng thời, góp phần mang lại lợi ích chung cho chính quyền, người dân và DN trên địa bàn.
Hệ sinh thái CĐS công thương được kỳ vọng sẽ góp phần giúp thay đổi tư duy, nhận thức quản trị của DN trong công cuộc CĐS, đồng thời tiếp cận công cụ CĐS từ bước tư vấn thực trạng DN, khả năng CĐS đến các “combo” giải pháp công nghệ… |
Hải Quân