Thông tin được rất nhiều doanh nghiệp (DN), người dân quan tâm là những ngày cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% (nới room) cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thông tin được rất nhiều doanh nghiệp (DN), người dân quan tâm là những ngày cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% (nới room) cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Động thái này có tác động khá tích cực đến thị trường - vốn đang chật vật vì “khát vốn” mấy tháng qua, song ít DN vay được tiền vì hết room tín dụng. Quan sát diễn biến thị trường tín dụng vừa qua, có thể thấy nhu cầu vốn đang dồn hết lên “vai” khối ngân hàng và kênh tín dụng, bởi các kênh huy động khác như trái phiếu DN, chứng khoán đều đang gặp khó. Bất động sản “hạ nhiệt”, “đóng băng”, thanh khoản kém cũng dồn áp lực lên tín dụng, trong khi nhu cầu vay vốn của DN dịp cuối năm tăng mạnh. Lãi suất cũng theo đó “leo thang” do ngân hàng “khát vốn”, nên đẩy lãi suất huy động lên cao, dẫn đến lãi cho vay tăng theo. Có những món vay cá nhân đã chạm mức lãi suất 16-17% năm.
Theo báo cáo, tín dụng hệ thống ngân hàng đã tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2012 và tăng 11,5% so với đầu năm tính đến hết tháng 10-2022, cao hơn mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái (tăng 8,8% so với đầu năm). Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 2% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 10 (6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,44% so với đầu năm) cho thấy tốc độ tăng chậm lại một cách rõ rệt, trong khi càng về cuối năm, nhu cầu vay vốn, đáo hạn, giải ngân càng lớn.
Chưa có đánh giá chính thức về cơ cấu cho vay của toàn hệ thống ngân hàng, song sự tăng trưởng tín dụng nhanh chóng trong thời gian cuối năm 2021 và nửa đầu 2022 được cho là “nghiêng” hẳn về bất động sản, trong khi thị trường này càng lúc càng “nguội” dần và thậm chí đóng băng. Đã trót cho vay bất động sản khá nhiều nên từ nửa cuối năm 2022, nhiều ngân hàng chật vật vì hết room, DN cũng khó khăn theo khi muốn vay vốn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Trước thực tế tín dụng “lúc lỏng quá, lúc chặt quá” vừa qua, Chính phủ đã có động thái chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có sự linh hoạt trong điều hành chỉ tiêu tín dụng, do đó, đơn vị này ra quyết định nới thêm 1-2%. Ngày 6-12, kết luận phiên họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, trong bối cảnh nhiều thời cơ và thách thức đan xen, dứt khoát không điều hành giật cục, không chuyển đổi trạng thái đột ngột, tránh tình trạng "lúc này quá chặt chẽ, lúc khác quá lỏng lẻo, lúc này quá đơn giản, lúc khác quá cầu kỳ, lúc này quá cầu toàn, lúc khác quá nóng vội", bảo đảm cân bằng giữa an toàn và phát triển. Ngoài ra, tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả cho các DN, tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, tập trung tín dụng cho đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Bởi chỉ khi tín dụng ưu tiên cho sản xuất, tiêu dùng thay vì chỉ ưu tiên cho đầu cơ bất động sản, “lướt sóng” chứng khoán… thì nền kinh tế mới phát triển bền vững.
Vi Lâm