Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp vẫn chờ vốn dù đã nới room tín dụng

07:12, 21/12/2022

Kể từ ngày 5-12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) trên toàn hệ thống, nâng mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2022 lên 15,5-16% so với mục tiêu đầu năm là 14%.

Kể từ ngày 5-12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) trên toàn hệ thống, nâng mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2022 lên 15,5-16% so với mục tiêu đầu năm là 14%.

Bổ sung vốn vào nền kinh tế là rất cần thiết để doanh nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ảnh: V.Gia
Bổ sung vốn vào nền kinh tế là rất cần thiết để doanh nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ảnh: V.Gia

Hậu nới room tín dụng, các doanh nghiệp (DN) rất mong muốn được tiếp cận, bổ sung thêm nguồn vốn song cũng không dễ dàng.

* Cuối năm cần vốn để xoay vòng

Động thái nới room tín dụng nói trên được cho là cần thiết khi sẽ có thêm khoảng 200 ngàn tỷ đồng vốn cho nền kinh tế. Đây là chính sách được kỳ vọng giúp các tổ chức tín dụng có thêm dư địa cho vay, các DN được tiếp thêm vốn cho sản xuất, kinh doanh thời điểm cuối năm.

Đây cũng là điều hợp lý khi áp lực lãi suất, tỷ giá đã giảm, thanh khoản hệ thống ổn định hơn, trong khi nhu cầu vốn của người dân, DN giai đoạn cuối năm rất lớn. Việc điều hành linh hoạt theo diễn biến thực tế sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ DN duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) Nguyễn Trí Minh cho hay, giai đoạn này DN đang tập trung sản xuất để cung ứng sản phẩm cho các đối tác dịp cận Tết. Sau những khó khăn của thị trường, công ty đã chủ động để đa dạng hóa sản phẩm, nhất là bao bì cho ngành thực phẩm. Đây là mặt hàng mà đối tác sử dụng nhiều trong năm qua. Đối với việc nới room tín dụng, ông Minh cho rằng rất cần thiết, vì có thể giúp DN tiếp cận nguồn vốn để xoay vòng.

“Chúng tôi và nhiều đối tác thời gian này cần nguồn vốn để sản xuất. Đặc biệt, khó khăn về nguồn vốn, thị trường đã gây khó khăn cho các đối tác sản xuất, xuất khẩu nên một số đang nợ tiền chưa thanh toán được. Điều này cũng kéo theo thanh khoản của các nhà cung cấp những mặt hàng phụ trợ bị rối. Nếu được bổ sung nguồn vốn vay một cách hợp lý sẽ giúp nhiều DN trong thời gian khó khăn” - ông Minh chia sẻ.

Tương tự, một DN trong ngành cơ khí, chế tạo lĩnh vực xây dựng (H.Long Thành) cho hay, chỉ còn 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán, thời gian này, những công trình nhà ở đang gấp rút được hoàn thiện để phục vụ khách hàng. DN đang tích cực tăng ca sản xuất cửa nhôm cho các công trình xây dựng. Nếu so với mặt bằng khó khăn chung thì nhiều người lao động và chủ DN này phấn khởi. Tuy nhiên, khó khăn về dòng tiền cũng là điều mà chủ DN lo lắng. Vì công nợ của DN chưa thanh khoản nên việc xoay xở vốn cũng khá chật vật.

* Chờ đợi, nhưng không quá kỳ vọng

Việc nới room tín dụng được thực hiện khi đã sắp hết năm. Các DN nhận định rằng, nguồn vốn bổ sung vào nền kinh tế sẽ chỉ hỗ trợ cho những hồ sơ đã làm sẵn thủ tục và chỉ chờ nới room để giải ngân. Các hồ sơ khác, nhất là nhu cầu vay vốn mới rất khó chạm tới, chưa kể phải chịu cảnh “mua bia kèm lạc” vẫn còn.

Bà Bùi Thị Tuyết, chủ đầu tư một hệ thống nhà nghỉ, khách sạn mini cho hay, nhận định trong năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát và khu vực Suối Tiên (TP.HCM) sẽ sôi động hơn khi các dự án bến xe mới, bệnh viện đi vào hoạt động nên bà đã gom vốn, vay mượn để đầu tư. Tuy nhiên, tình hình thực tế từ đầu năm đến nay không như định liệu. Doanh số kinh doanh thấp, nhà đầu tư thậm chí có những tháng phải bù lỗ. Trước đó, bà đã bỏ ra một số vốn lớn để xây dựng cơ sở vật chất nên phải chờ thời gian dài để thu hồi.

“Vừa rồi, tôi muốn vay 1 tỷ đồng để xoay xở trong thời gian trước mắt nhưng làm việc với ngân hàng thì họ nói chỉ có thể cấp được 700 triệu đồng, nhưng lại phải chi hàng chục triệu đồng thì mới có thể vay được” - bà Tuyết cho biết.

Theo các DN, mong chờ là điều đương nhiên song họ cũng không quá lạc quan. Bởi lẽ, việc bổ sung thêm hạn mức tín dụng sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại. Dù nguồn tiền được bổ sung vào thị trường tín dụng song vấn đề là các tiêu chí giải ngân vẫn làm khó DN, chỉ khi nào nới lỏng thêm, DN mới dễ thở. Hơn nữa, mức bổ sung cho cả nền kinh tế cũng khá khiêm tốn, khả năng sẽ không có nhiều DN tiếp cận được và mức vay không cao.

Một số DN cũng cho rằng, đã gần hết năm, thời điểm này ưu tiên của họ là cầm cự để có thể vượt qua khó khăn, chờ cơ hội phát triển. Với những DN không quá bức bí về tài chính sẽ chờ sang năm 2023 để vay vốn vì đã sắp có room tín dụng cho năm mới. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay duy trì ở mức cao cũng sẽ làm giảm động lực vay vốn mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Do vậy, ngoài nới room tín dụng, ngành ngân hàng cũng cần xem xét hạ lãi suất vay nhằm tạo thuận lợi cho người vay để đồng vốn thực sự được hấp thụ vào nền kinh tế.

Văn Gia

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích