Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

08:12, 29/12/2022

Do tác động kép của cuộc xung đột chính trị Nga - Ukraine và tình trạng lạm phát ở châu Âu, Bắc Mỹ đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) nhóm ngành dệt may, da giày, đồ gỗ… phải giảm quy mô sản xuất, giảm nhân sự, thậm chí tạm ngưng hoạt động.

Do tác động kép của cuộc xung đột chính trị Nga - Ukraine và tình trạng lạm phát ở châu Âu, Bắc Mỹ đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) nhóm ngành dệt may, da giày, đồ gỗ… phải giảm quy mô sản xuất, giảm nhân sự, thậm chí tạm ngưng hoạt động.

Sản xuất giày da tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu), một trong những nhóm ngành gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn này. Ảnh: B.Mai
Sản xuất giày da tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu), một trong những nhóm ngành gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn này. Ảnh: B.Mai

DN đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ban, ngành sớm có chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.

* Cần giảm tiền điện, nước, thuế

Tại hội nghị giao ban các khu công nghiệp (KCN) 6 tháng cuối năm 2022, đại diện Công ty TNHH Cibao (TP.Long Khánh) cho biết, DN lẫn người lao động đang gặp nhiều khó khăn. Về phía DN, tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, xuất hàng đi không được dẫn đến doanh thu, lợi nhuận giảm buộc phải giảm quy mô sản xuất. Về phía người lao động, thay vì được tăng ca liên tục để có thêm khoản thu nhập cuối năm như trước thì nay bị giảm giờ làm, giảm ngày làm, thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân hết hợp đồng.

“Chúng tôi kiến nghị các cấp chính quyền hỗ trợ gấp cho những lao động bị mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng. Việc này sẽ giảm được một phần gánh nặng chi trả lương cho DN vốn đang chịu nhiều áp lực. Cùng với đó có chính sách giảm tiền điện, tiền nước, tiền thuê đất cho các DN” - đại diện Công ty TNHH Cibao chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có thêm chính sách hỗ trợ DN trong năm 2023. Đó có thể là giảm tiền dịch vụ như: điện, nước, thuế đất, phí hạ tầng; miễn bớt các khoản đóng góp bắt buộc; cắt giảm các thủ tục hành chính… giúp các DN giảm bớt khó khăn, có điều kiện phục hồi và phát triển; tạo dựng môi trường thông thoáng thu hút nhà đầu tư mới khi khó khăn qua đi.

Công ty TNHH Nội thất gỗ Denta (TP.Long Khánh) là đơn vị xuất khẩu 100% sản phẩm. Thời gian qua, giá cả nhiên liệu tăng cao và lạm phát làm cho nhu cầu tiêu dùng sản phẩm gỗ giảm mạnh, hoạt động xuất khẩu gần như ngưng trệ. Công ty kiến nghị các cơ quan, ban, ngành xem xét giảm hoặc giãn thời gian đóng tiền thuê đất làm nhiều lần, có cơ chế giảm tiền điện, tiền nước trong năm 2023. Cùng với đó, miễn một số khoản thu bắt buộc như: Quỹ Phòng chống thiên tai, Công đoàn phí… trong giai đoạn này.

Đại diện một DN may mặc tại KCN Long Thành cho rằng, năm 2021, các DN cũng khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng không nhiều đơn vị được hưởng chính sách này vì các điều kiện, thủ tục liên quan.

“Chúng tôi thực sự khó khăn mới đề xuất Nhà nước hỗ trợ. Mà đã hỗ trợ cần kịp thời, thủ tục thông thoáng thì mới giúp DN bảo toàn được lực lượng, có điều kiện phục hồi sản xuất. Thủ tục nhiều và phức tạp buộc nhà đầu tư phải cân nhắc việc giữ nhà máy, giữ việc làm cho công nhân” - đại diện một DN dệt may cho hay.

Trong báo cáo gửi UBND tỉnh mới đây, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, trong số 317 DN phản hồi phiếu khảo sát bằng văn bản, có 260 DN đã thực hiện giảm quy mô sản xuất, giảm lao động. Dự kiến đầu năm tới, sẽ có 87 DN tiếp tục phải cắt giảm nhân sự do không có nguồn chi; 36 DN tạm ngưng sản xuất do thiếu nguyên liệu sản xuất, không có đơn hàng.

Các DN đề xuất xem xét kéo dài thời gian áp dụng các chính sách hỗ trợ đã ban hành ít nhất đến hết năm 2023 nhưng với điều kiện thủ tục đơn giản hơn. Đồng thời, xét ban hành thêm chính sách hỗ trợ giảm tiền điện, nước, phí sử dụng hạ tầng, thuế thu nhập nhằm giảm áp lực cho DN. Song song với đó, dùng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ công nhân và miễn đóng một số loại quỹ bắt buộc đối với DN trong năm 2023.

* Sự hỗ trợ cần thiết

Do các khó khăn nêu trên, từ quý III-2022 đến nay, nhiều DN phải thỏa thuận cho công nhân nghỉ phép năm, giảm thời gian làm việc không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động. Đáng chú ý, trong số này có những DN có hàng chục ngàn công nhân như: TKG Taekwang Vina, Changshin, Hwaseung Vina, Pouchen Việt Nam… Số DN khác thì thỏa thuận cho người lao động nghỉ Tết dài ngày để giảm bớt các khoản chi như: lương, phụ cấp, ăn trưa, điện, nước…

Bà Dương Thị Xuân Nương, Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho rằng, những tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN tương đối khả quan, nhưng từ tháng 7 trở đi khó khăn ngày càng nhiều. Nguyên nhân do xung đột Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa; tình trạng lạm phát tại châu Âu và Bắc Mỹ buộc người dân phải thắt chặt tiêu dùng. Các nhóm ngành dệt may, da giày, đồ gỗ bị ảnh hưởng nhiều do chủ yếu gia công xuất khẩu.

Ban Quản lý các KCN đã thông qua phiếu khảo sát bằng văn bản, thông qua hội nghị giao ban các DN để nắm bắt tình hình; đồng thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ và kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tháo gỡ cho các DN. “Một số khoản hỗ trợ cấp bách tỉnh có thể ban hành quyết định, nghị quyết hoặc đề nghị đơn vị kinh doanh xem xét hỗ trợ khách hàng sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, liên quan đến giảm tiền điện, thuế và miễn một số khoản đóng góp phải kiến nghị Trung ương” - bà Nương cho hay.

Ông Cao Duy Thái, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Chính sách lao động (Sở LĐ-TBXH) chia sẻ, để giảm áp lực cho các DN đồng thời hỗ trợ người lao động bớt khó khăn trong giai đoạn này, Sở đã chủ trì và phối hợp với các sở, ngành xây dựng dự thảo nghị quyết chính sách hỗ trợ người lao động trình UBND tỉnh. Dự thảo đề xuất hỗ trợ một lần, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người cho 2 nhóm đối tượng: nhóm lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1-7-2022 đến 30-6-2023 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và nhóm lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên trong cùng thời gian trên.

Ông Bùi Văn Khang, Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Nhật Khang (TP.Biên Hòa) cho rằng, bên cạnh việc ban hành chính sách hỗ trợ về tài chính, cần tinh giản đến mức tối thiểu các thủ tục hành chính về hải quan, thuế để DN có thể tiếp nhận nguồn nguyên vật liệu nhanh nhất và xuất khẩu thuận lợi nhất.       

Ban Mai

Tin xem nhiều