Qua 3 năm triển khai, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh đã khơi dậy phong trào khởi nghiệp cho nhiều HTX, nông dân. Không chỉ hỗ trợ trong sản xuất, chế biến, ngành Nông nghiệp tỉnh rất quan tâm hỗ trợ các HTX, nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ cho các nông sản đạt chứng nhận OCOP.
Qua 3 năm triển khai, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh đã khơi dậy phong trào khởi nghiệp cho nhiều HTX, nông dân. Không chỉ hỗ trợ trong sản xuất, chế biến, ngành Nông nghiệp tỉnh rất quan tâm hỗ trợ các HTX, nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ cho các nông sản đạt chứng nhận OCOP.
Vùng nguyên liệu ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, đơn vị có sản phẩm OCOP đang xuất khẩu tốt. Ảnh: B.Nguyên |
Đến nay, chương trình OCOP đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận; đặc biệt là đã hình thành nhiều chuỗi giá trị sản phẩm OCOP từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, tham gia tốt thị trường xuất khẩu.
* Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp
Chương trình OCOP được Đồng Nai xác định là một trong những động lực khuyến khích DN, HTX, cơ sở sản xuất khai thác tiềm năng của các đặc sản, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc trưng.
Ngay từ giai đoạn đầu triển khai, phong trào khởi nghiệp gắn với sản phẩm OCOP đã thu hút nhiều DN, HTX, nông dân tham gia. Kết quả, đến nay toàn tỉnh có 111 sản phẩm OCOP, gồm 41 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 69 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đa số là các sản phẩm nông sản, nhất là những món quê dân dã được nâng cấp lên tầm đặc sản độc đáo được người tiêu dùng đô thị ngày càng ưa chuộng như: khổ qua rừng, khô cá kìm hồ Trị An, hạt sen và các sản phẩm chế biến từ sen của H.Nhơn Trạch, bưởi đường lá cam, bưởi đường da xanh Tân Triều…
Tỉnh đặt mục tiêu cao cho chương trình, không chỉ phát triển về số lượng chủ thể, sản phẩm mà còn phải chú trọng cả về mặt chất lượng. Tiêu biểu như mô hình khởi nghiệp của HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) hiện đã có 19 sản phẩm chế biến từ sen đạt chứng nhận OCOP, trong đó 11 sản phẩm đạt OCOP 4 sao của tỉnh. Mô hình khởi nghiệp của ông Trần Tuấn Khanh, nông dân chăn nuôi đã thành lập Công ty TNHH Thanh Mai (H.Xuân Lộc) với sản phẩm đặc sản chim trĩ được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh. Sản phẩm này đang tiêu thụ tốt vào các nhà hàng, siêu thị phục vụ người tiêu dùng ở các khu đô thị lớn như: TP.HCM, TP.Biên Hòa…
* Hỗ trợ mở rộng thị trường cho nông sản
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, thời gian qua, chương trình OCOP đã được triển khai sâu rộng vào thực tế; hình thành nhiều chuỗi giá trị sản phẩm OCOP từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, nhất là xây dựng được nhiều sản phẩm thế mạnh tham gia tốt vào thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, chuỗi liên kết của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) đã xây dựng được vùng nguyên liệu hơn 600ha, 3 sản phẩm ca cao chế biến được chứng nhận OCOP 4 sao và đã được xuất khẩu sang Nhật Bản. Chuỗi liên kết của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (H.Cẩm Mỹ) với quy mô liên kết hơn 240ha, 2 sản phẩm sầu riêng múi đông lạnh đạt chứng nhận 4 sao đã xuất khẩu sang nhiều thị trường và đang kết nối vào thị trường châu Âu…
Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các chủ thể OCOP trong đổi mới hình thức, chất lượng, quy mô để các chuỗi liên kết OCOP phát triển bền vững.
Tiêu biểu, trong năm 2022, Sở NN-PTNT và Công ty TNHH MM Mega Market cùng phối hợp tổ chức Chương trình giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai tại Trung tâm MM Mega Market Biên Hòa. Chương trình thu hút nhiều HTX, cơ sở sản xuất đạt chứng nhận OCOP tham gia trưng bày và bán sản phẩm. Kết quả, sau chương trình này, hàng chục sản phẩm OCOP của Đồng Nai đã lên kệ hàng siêu thị MM Mega Market Biên Hòa.
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Thắng, Chương trình giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai tại Trung tâm MM Mega Market Biên Hòa đã tạo cơ hội để các chủ thể OCOP có dịp giao lưu, trao đổi và tìm kiếm cơ hội liên kết đưa sản phẩm OCOP vào bán trong Trung tâm MM Mega Market Biên Hòa và các trung tâm của MM Mega Market trong cả nước. Hỗ trợ các chủ thể OCOP quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm; góp phần giải quyết đầu ra đối với các sản phẩm đạt chuẩn OCOP tỉnh Đồng Nai.
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 144 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên. Phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với vùng nguyên liệu ổn định. |
Bình Nguyên