(ĐN)- Theo số liệu thống kê của Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 350 phương tiện đăng ký hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, có 145 xe chuyên dụng, xe ép rác cơ bản đảm bảo cho hoạt động thu gom đúng quy định.
(ĐN)- Theo số liệu thống kê của Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 350 phương tiện đăng ký hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, có 145 xe chuyên dụng, xe ép rác cơ bản đảm bảo cho hoạt động thu gom đúng quy định. Còn lại là phương tiện thô sơ như: xe máy cày, xe máy kéo, xe ba gác chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rơi vãi rác, nước rỉ rác trong quá trình vận chuyển gây bức xúc cho người dân; người dân chưa tin tưởng, thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Thông tư 02/2022/TT-BTNMT (có hiệu lực ngày 10-1-2022) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định phương tiện cơ giới vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; phải dùng xe chuyên dụng, xe cuốn ép chất thải rắn sinh hoạt phải có thiết bị lưu chứa nước rỉ rác; phải bảo đảm không rơi vãi chất thải, rò rỉ nước rỉ rác, phát tán mùi trong quá trình vận chuyển.
Tại dự thảo đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Đồng Nai, Sở TN-MT đặt mục tiêu đến năm 2025 có 80% tổ chức, cá nhân thu gom rác và 100% đơn vị vận chuyển rác sinh hoạt đồng bộ các phương tiện, trang thiết bị phù hợp với việc phân loại rác từ hộ dân đến địa điểm xử lý theo quy định.
Ban Mai