Hiện các địa phương đang gấp rút rà soát, đưa vào danh mục thu hồi đất nhiều dự án để triển khai trong năm 2023. Các dự án chậm trễ không kịp trình HĐND tỉnh thông qua vào cuối năm 2022 sẽ bị đình trệ.
Hiện các địa phương đang gấp rút rà soát, đưa vào danh mục thu hồi đất nhiều dự án để triển khai trong năm 2023. Các dự án chậm trễ không kịp trình HĐND tỉnh thông qua vào cuối năm 2022 sẽ bị đình trệ.
Huyện Cẩm Mỹ đề xuất đưa nhiều dự án vào danh mục thu hồi đất trong năm 2023. Ảnh: H.Giang |
UBND tỉnh vừa lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương về 71 dự án mới có diện tích gần 300ha để đưa vào danh mục thu hồi đất, trình HĐND tỉnh trong kỳ họp thường niên vào đầu tháng 12-2022.
* Đa số là dự án hạ tầng kỹ thuật
Sau khi từng địa phương đề xuất những dự án đưa vào danh mục thu hồi đất năm 2023, Sở TN-MT đã tổng hợp, gửi lấy ý kiến các sở, ngành và trình UBND tỉnh. Qua rà soát, các sở, ngành, địa phương thống nhất sẽ đưa vào danh mục 71 dự án trên các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, trường học, cấp thoát nước, tái định cư. Trong đó, đa số là dự án làm đường giao thông và trường học tại các huyện: Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Vĩnh Cửu và Xuân Lộc.
Một số dự án có diện tích đất phải thu hồi lớn là: Đường tỉnh 776 đi qua địa bàn xã Ngọc Định, Phú Ngọc, Thanh Sơn (H.Định Quán) có diện tích cần thu hồi hơn 80ha. Dự án Đường liên cảng thuộc địa bàn 4 xã: Đại Phước, Phước Khánh, Phú Hữu, Phú Đông (H.Nhơn Trạch) diện tích thu hồi gần 62ha. Đường Xuân Bắc - Thanh Sơn (H.Xuân Lộc) diện tích cần thu hồi hơn 16ha; Đường Trần Phú thuộc TT.Long Thành (H.Long Thành) phải thu hồi hơn 13ha… Còn lại đa phần các dự án chỉ có diện tích cần thu hồi dưới 5ha.
Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho biết: “Các dự án trên cần đưa vào danh mục thu hồi đất trong năm 2023 để có cơ sở triển khai thực hiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt. UBND tỉnh tổng hợp danh mục các dự án cần thu hồi đất trong năm 2023 trình HĐND tỉnh thông qua để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định”.
Cũng theo ông Đức, những dự án đưa vào danh mục thu hồi đất phải đảm bảo các quy định theo Khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013. Bên cạnh đó, dự án đưa vào danh mục thu hồi đất nếu quá 3 năm không triển khai sẽ bị thu hồi. Do đó, các địa phương cần rà soát thật kỹ lưỡng, chỉ đưa những dự án có đủ điều kiện để thực hiện, tránh đưa vào quá nhiều rồi để đó, dẫn đến dự án “treo” ảnh hưởng đến người dân và phát triển kinh tế của địa phương.
Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Kim Phước cho rằng, hằng năm tỉnh đều phải rà soát đưa ra khỏi danh mục nhiều dự án quá hạn 3 năm chưa triển khai. Do đó, các địa phương, sở, ngành liên quan phải chọn lọc kỹ càng để hạn chế tình trạng phải thu hồi dự án.
* Chạy đua cùng thời gian
Trong năm 2023, ngoài những dự án mới do các địa phương đề xuất, trên địa bàn tỉnh còn có 500 dự án với diện tích gần 6,2 ngàn ha đã được HĐND tỉnh thông qua từ năm 2014 đến tháng 9-2022. Như vậy, năm sau các địa phương phải tiến hành thu hồi đất cho hơn 570 dự án trên các lĩnh vực. Diện tích đất phải thu hồi đa số của các hộ gia đình, cá nhân nên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ tương đối nặng nề. Theo đó, các địa phương sẽ phải tính toán ưu tiên triển khai các dự án quan trọng trước.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi lưu ý: “Số lượng dự án phải thu hồi đất trong năm 2023 khá lớn, mỗi địa phương phải có giải pháp thực hiện nhanh việc thu hồi đất, giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án. Dự án xây dựng theo đúng kế hoạch để đưa vào khai thác sẽ góp phần giúp cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn. Các địa phương triển khai nhanh việc thu hồi đất sẽ hạn chế được tình trạng dự án quá hạn phải thu hồi”.
Thực tế quá trình triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh gặp nhiều vướng mắc liên quan đến quy hoạch, sự chồng chéo của chính sách làm chậm tiến độ. Đây cũng là một trong những lý do khiến hơn 8 năm qua, Đồng Nai phải thu hồi gần 1 ngàn dự án trên các lĩnh vực vì quá thời hạn. Việc này đã ảnh hưởng đến quy hoạch của tỉnh, các địa phương và đời sống người dân trong vùng quy hoạch dự án.
Hiện tại, Đồng Nai có gần 200 dự án quá hạn 3 năm đưa vào danh mục thu hồi đất nhưng chưa thực hiện được. Các địa phương đã đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cho triển khai tiếp vì đã ghi vốn trong năm 2023. Do đó, các huyện, TP.Biên Hòa, Long Khánh đang phải chạy đua cùng thời gian trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất cho kịp thời gian đã quy định và đảm bảo tiến độ của công trình. Tuy nhiên, muốn đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất cho các công trình, dự án thì những vướng mắc liên quan đến hồ sơ, thủ tục, quy hoạch… phải sớm được tháo gỡ.
Theo UBND tỉnh, các địa phương đăng ký với tỉnh 183 dự án mới có diện tích gần 3 ngàn ha sẽ đưa vào danh mục sử dụng đất trong năm 2023. Nhưng qua rà soát, tỉnh dự tính sẽ trình HĐND tỉnh thông qua khoảng 71 dự án mới. |
Hương Giang