Vài năm qua, các kênh đầu tư tại Việt Nam khá sôi động và thu hút nhiều người tham gia. Trong đó có cả những kênh đầu tư "mới nổi" như tiền kỹ thuật số, bên cạnh những kênh đầu tư truyền thống như: bất động sản, chứng khoán, vàng, trái phiếu doanh nghiệp (DN)…
Vài năm qua, các kênh đầu tư tại Việt Nam khá sôi động và thu hút nhiều người tham gia. Trong đó có cả những kênh đầu tư “mới nổi” như tiền kỹ thuật số, bên cạnh những kênh đầu tư truyền thống như: bất động sản, chứng khoán, vàng, trái phiếu doanh nghiệp (DN)…
Tuy nhiên, những gì xảy ra thời gian gần đây đặt nhiều nhà đầu tư vào tình thế phải cân nhắc kỹ càng trước khi bỏ tiền ra đầu tư, đặc biệt với cả 2 kênh đầu tư lâu nay vốn rất thu hút là bất động sản và trái phiếu DN.
Về bất động sản, tình hình chung hiện nay là “bất động”. Với một lượng tiền rất lớn huy động được từ trái phiếu của nhiều DN trong ngành, từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng (vốn khá dễ vay trong 1-2 năm trước), từ nguồn tiền nhàn rỗi của người dân - kênh đầu tư bất động sản trong các năm 2020 và 2021 gần như đã chạm “đỉnh” với các làn sóng đầu tư đất nền dự án, đất ‘view” đẹp ở các vùng xa, thậm chí là đất “sào”, đất “rẫy” cũng nóng lên theo những lần “thu gom” đất. Ngay tại Đồng Nai ở thời điểm đó, nhiều vùng cũng “sốt” đất mạnh khi hàng loạt nhà đầu tư từ xa đến sẵn sàng bỏ tiền ra mua gom đất, kể cả ở các vùng xa xôi thuộc các huyện: Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc… Giá đất tăng từng ngày mà kể cả những người dân lâu đời ở các vùng nói trên cũng không lý giải được nguyên nhân. Giá đất nền và giá nhà ở (hình thành trong tương lai) của các dự án rải rác khắp nơi trong tỉnh cũng tăng vùn vụt theo nhu cầu của nhà đầu tư.
Song ở thời điểm này, mọi thứ gần như đang dừng lại. Đất nền dự án, nhà ở hình thành trong tương lai của nhiều dự án giảm giá mạnh. Thậm chí, có dự án một thời rất “hot” ở Đồng Nai còn đưa ra mức giảm sâu “chưa từng thấy” lên đến gần 50%. Đất “sào”, đất “rẫy” nguội lạnh, rao bán không ai mua. Thêm vào đó, ngân hàng siết “room” tín dụng, nhiều khoản đầu tư trái phiếu không thanh khoản được khiến dòng tiền gần như “đứng im”, khó càng thêm khó. Gần 20 tập đoàn bất động sản đã xin gặp Chính phủ để kiến nghị gỡ khó và động thái “nóng hổi” nhất là Thủ tướng phải thành lập tổ chuyên trách gỡ khó cho thị trường bất động sản nhằm tìm hướng tháo gỡ cho thị trường đặc biệt này.
Về kênh trái phiếu DN, sự sôi động bất thường của kênh đầu tư này trong thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy lớn khiến nhà đầu tư chùn tay. DN phát hành ồ ạt, các đơn vị môi giới tìm mọi cách “bán lấy được” để hưởng hoa hồng, sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan giám sát và trên hết là sự thiếu thận trọng trong đầu tư trái phiếu của nhiều người dân đã đẩy thị trường này vào trạng thái “lạnh tanh”, “vàng thau lẫn lộn”: thanh khoản cực kỳ kém đối với những lô trái phiếu đã bán ra, và hơn hết, những DN phát hành trái phiếu một cách đàng hoàng cũng đang rất khó bán hàng do nhà đầu tư mất niềm tin.
Rất khó để khẳng định kênh đầu tư nào là hiệu quả, bởi tất cả đều phải có thông tin, kiến thức, cộng với những điều kiện khách quan về thị trường, chính sách, tính ổn định của kênh đầu tư… Nhưng rõ ràng, trong bối cảnh này, đầu tư không phải là câu chuyện dễ dàng như trước, mà buộc phải “chọn mặt gửi tiền” kỹ càng, thận trọng.
Vi Lâm