Các trang trại chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai đang áp dụng nhiều giải pháp công nghệ để xử lý chất thải nhưng chủ yếu là hầm khí biogas. Ưu điểm của mô hình này là có thể tái sử dụng phân heo, nước thải nhưng khó xử lý mùi hôi.
Các trang trại chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai đang áp dụng nhiều giải pháp công nghệ để xử lý chất thải nhưng chủ yếu là hầm khí biogas. Ưu điểm của mô hình này là có thể tái sử dụng phân heo, nước thải nhưng khó xử lý mùi hôi.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (hàng trước, thứ 2 từ trái qua) nghe doanh nghiệp chia sẻ mô hình thí điểm xử lý chất thải bằng trùn quế. Ảnh: H.Lộc |
Mới đây, giải pháp xử lý chất thải heo bằng trùn quế được UBND tỉnh cho phép áp dụng thí điểm để đánh giá hiệu quả.
* Khó xử lý mùi hôi trong chăn nuôi
Những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường ở các vùng chăn nuôi được tỉnh đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp mạnh như: đưa chăn nuôi ra khỏi nội ô, chỉ cấp phép cho trang trại có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu về vệ sinh môi trường, cùng với đó là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại… Đã có nhiều giải phải công nghệ xử lý chất thải được áp dụng nhưng xử lý mùi hôi chưa có giải pháp hiệu quả.
H.Vĩnh Cửu có gần 800 cơ sở chăn nuôi heo với khoảng 147 ngàn con. Đa phần các cơ sở đều áp dụng xử lý chất thải bằng hầm khí biogas, nước thải qua bể lắng lọc rồi ngấm xuống đất hoặc thải ra môi trường, phân heo thu gom ủ hoai bón cây trồng hoặc bán cho cơ sở sản xuất phân bón, mùi hôi sử dụng nước men vi sinh IMO tự chế (nguyên liệu gồm: nước men giống, cám gạo hoặc hoa quả hư hỏng, đường nâu và nước ủ lên men trong khoảng 1 tuần) để phun xịt.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ trang trại heo quy mô 2 ngàn con tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, khó nhất trong xử lý chất thải heo là mùi hôi. Trước đây, ông dùng nhiều cách như: trộn men vi sinh vào thức ăn, dùng đệm lót, làm hầm biogas, xịt rửa chuồng thường xuyên nhưng mùi hôi vẫn ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Sau này, ông dùng nước men vi sinh IMO tự chế phun xịt chuồng thì mùi hôi có cải thiện hơn. Ưu điểm là loại men này tự làm được tại nhà, bằng những nguyên liệu sẵn có hoặc dễ mua, giá thành rẻ.
Tại H.Xuân Lộc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lê Thị Hiệp cho biết, các trang trại chăn nuôi đang sử dụng nhiều loại chế phẩm sinh học khác nhau xử lý mùi hôi, một số dùng chế phẩm sinh học BARU của Công ty CP Công nghệ Trứng Vàng (H.Trảng Bom), số khác dùng men vi sinh IMO tự chế. Có trang trại xây dựng quy trình khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt. Phân heo được xử lý làm phân bón cây trồng, nước thải tái sử dụng rửa chuồng hoặc tưới cây, khí gas làm chất đốt.
Theo đánh giá chung của các địa phương, mùi hôi vẫn là vấn đề nan giải của các trại heo, gây bức xúc cho người dân xung quanh. Địa phương cần giải pháp công nghệ mà tuần hoàn được nước thải, phân heo và giảm thiểu mùi hôi ở quy mô chăn nuôi trang trại.
* Thí điểm xử lý chất thải bằng trùn quế
Sơ đồ mô hình xử lý chất thải heo bằng trùn quế |
Tại buổi khảo sát thực tế trại heo ở H.Vĩnh Cửu và làm việc với Công ty CP Tái chế sinh học BioRec (trụ sở ở TP.Hà Nội) vào cuối tháng 9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi thống nhất thí điểm mô hình xử lý ô nhiễm và tái chế chất thải trại heo bằng tổ hợp công nghệ vi sinh, sinh khối giun (trùn quế) tại trang trại heo quy mô 4 ngàn con ở xã Tân An. Doanh nghiệp đề xuất mô hình chịu 100% chi phí lắp đặt thiết bị, nhân công, xử lý chất thải phát sinh từ nuôi heo. Nếu mô hình đem lại hiệu quả về kinh tế và môi trường, tỉnh sẽ cho phép doanh nghiệp tư vấn công nghệ đến các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Quang Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Tái chế sinh học BioRec - đơn vị đề xuất mô hình công nghệ trên chia sẻ, nuôi trùn quế để xử lý chất thải chăn nuôi được một số nông hộ áp dụng nhưng ở quy mô trang trại, đánh giá tính hiệu quả dựa trên các số liệu, tiêu chuẩn để phổ biến thì chưa có. Công ty chọn Đồng Nai thí điểm vì số lượng trang trại chăn nuôi nhiều, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan đến vấn đề vệ sinh môi trường. Nếu thuận lợi, công ty không chỉ thương mại hóa giải pháp công nghệ mà đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Trung, áp dụng giải pháp này, heo được bổ sung men vi sinh vào thức ăn để giảm mùi hôi, phân heo và nước rửa chuồng được đưa vào máy vắt, từ máy vắt này nước đưa xuống hệ thống lọc băng sinh khối để tái rửa chuồng, còn bã phân làm thức ăn cho trùn quế. Phân trùn được dùng sản xuất phân bón hữu cơ, còn con trùn bán làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản.
“Giải pháp này giúp trang trại tiết kiệm chi phí nhờ tuần hoàn nước, bán phân và con trùn quế; xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Doanh nghiệp thương mại hóa giải pháp công nghệ, có nguyên liệu ổn định để sản xuất phân bón hữu cơ” - ông Trung chia sẻ.
Đại diện Công ty CP Nông súc sản Đồng Nai (xã Tân An, H.Vĩnh Cửu), đơn vị nhận thí điểm mô hình cho biết, trang trại đang áp dụng giải pháp hầm khí biogas để xử lý chất thải nhưng mùi hôi là vấn đề nan giải. Công ty sẽ tạo điều kiện triển khai mô hình này và nếu hiệu quả sẽ áp dụng lâu dài, đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm chi phí.
Các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang áp dụng nhiều giải pháp công nghệ xử lý chất thải như: sử dụng hầm khí biogas, các chế phẩm sinh học, hố ủ... nhưng chủ yếu vẫn là biogas, chưa xử lý được mùi hôi. |
Hoàng Lộc