Qua 3 năm triển khai, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã khơi dậy phong trào khởi nghiệp của doanh nghiệp, HTX, nông dân.
Qua 3 năm triển khai, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã khơi dậy phong trào khởi nghiệp của doanh nghiệp (DN), HTX, nông dân. Đến nay, chương trình đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận khi đã hình thành nhiều chuỗi giá trị sản phẩm OCOP từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.
Đoàn công tác của Trường đại học Quốc tế (TP.HCM) đến tham quan vùng nguyên liệu ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên |
Tuy nhiên, đa số các chủ thể OCOP vẫn chưa xây dựng được chuỗi liên kết quy mô lớn, bền vững. Ngay cả một số DN đã hình được vùng nguyên liệu quy mô lớn, tham gia tốt vào thị trường xuất khẩu nhưng vẫn gặp khó khăn trong xây dựng chuỗi liên kết thật sự bền vững.
* Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp
Chương trình OCOP được Đồng Nai xác định là một trong những động lực khuyến khích DN, HTX, cơ sở sản xuất khai thác tiềm năng của các đặc sản, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc trưng. Tỉnh đặt ra mục tiêu cao cho chương trình, không chỉ phát triển về số lượng chủ thể, sản phẩm mà còn phải chú trọng cả về mặt chất lượng.
Ngay từ giai đoạn đầu triển khai, phong trào khởi nghiệp gắn với sản phẩm OCOP đã thu hút nhiều DN, HTX, nông dân tham gia, nhất là lực lượng thanh niên, phụ nữ với các phong trào: Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp với chương trình OCOP, Phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp đồng hành cùng sản phẩm OCOP.
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp cùng các sở, ngành và địa phương tổ chức và tham gia các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án phụ nữ khởi nghiệp như: cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP có 23 dự án dự thi, kết quả có 3 dự án được chọn vào vòng thuyết trình khu vực. Cuộc thi Phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp đồng hành cùng sản phẩm OCOP có 32 dự án, ý tưởng dự thi.
Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bùi Thị Hạnh cho biết, các phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp gắn với sản phẩm OCOP đã khuyến khích, tạo động lực để chị em đầu tư, nghiên cứu sản phẩm và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Các cấp Hội đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động DN, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ tham gia chương trình OCOP. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp thành công.
* Chuỗi liên kết còn thiếu và yếu
Đến nay, toàn tỉnh có 111 sản phẩm OCOP gồm: 41 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 70 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Thông qua chương trình đã hình thành nhiều chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho các bên tham gia liên kết. Chuỗi liên kết của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) đã xây dựng được vùng nguyên liệu hơn 600ha, 3 sản phẩm ca cao chế biến được chứng nhận OCOP 4 sao và đã được xuất khẩu sang Nhật Bản. Chuỗi liên kết của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (H.Cẩm Mỹ) với quy mô liên kết hơn 240ha, 2 sản phẩm sầu riêng múi đông lạnh đạt chứng nhận 4 sao đã xuất khẩu sang nhiều thị trường và đang kết nối vào thị trường châu Âu. Chuỗi liên kết của HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) với diện tích 70ha trồng sen, có 13 sản phẩm OCOP từ sen đạt 3,
4 sao…
Tuy nhiên, đa số chủ thể sản xuất OCOP có quy mô manh mún, nhỏ lẻ, chưa có nhiều thương hiệu mạnh được thị trường nhận diện. Trong đó, nhiều chủ thể OCOP chưa xây dựng được các chuỗi liên kết quy mô lớn, thật sự bền vững. Trên địa bàn tỉnh từng xảy ra chuyện đứt gãy chuỗi liên kết ở cả sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt khiến nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc. Nguyên nhân về phía quản lý nhà nước, hợp đồng mua bán giữa DN và nông dân tính ràng buộc pháp lý chưa cao.
Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức cho biết: “Từ nhiều năm trước, DN đã hợp tác với nông dân mở rộng vùng nguyên liệu cây ca cao. Chúng tôi từng gặp rất nhiều khó khăn khi có DN đầu tư nước ngoài vào thu mua tại vùng nguyên liệu mà công ty đang hợp tác với nông dân. Họ đẩy giá mua lên cao và chỉ chọn các vùng có nguyên liệu đẹp để mua với số lượng nhỏ. Hệ quả làm đảo lộn về giá, nhiều nông dân mất lòng tin vào chuỗi liên kết vì cho là chúng tôi ép giá họ”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chỉ ra hạn chế của sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, quy trình sản xuất, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các chủ thể sản xuất còn nhiều hạn chế, thiếu năng lực cạnh tranh, chưa theo kịp yêu cầu của phát triển; chưa quan tâm mẫu mã, bao bì đóng gói, nhãn mác, các giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ, khoa học công nghệ… Cần xây dựng được chính sách, cơ chế hỗ trợ bài bản, liên tục cho các địa phương, chủ thể trong triển khai, nhân rộng chương trình OCOP.
Mục tiêu cụ thể của Đồng Nai đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 144 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên; phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với vùng nguyên liệu ổn định. |
Bình Nguyên