Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng chất vận động dùng hàng Việt từ cơ sở

07:10, 19/10/2022

Trong quá trình triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (sau đây gọi tắt là cuộc vận động), các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình ủng hộ hàng trong nước, góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt, cũng như tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp (DN) địa phương tập trung sản xuất, phát triển thương hiệu.

Trong quá trình triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (sau đây gọi tắt là cuộc vận động), các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình ủng hộ hàng trong nước, góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt, cũng như tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp (DN) địa phương tập trung sản xuất, phát triển thương hiệu.

Đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp sen Trường Phát (H.Nhơn Trạch) chia sẻ với đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo 264 tỉnh về hoạt động kết nối, tiêu thụ các sản phẩm OCOP của HTX. Ảnh: Hải Hà
Đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp sen Trường Phát (H.Nhơn Trạch) chia sẻ với đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo 264 tỉnh về hoạt động kết nối, tiêu thụ các sản phẩm OCOP của HTX. Ảnh: Hải Hà

Trong bối cảnh thị trường ngày càng hội nhập, thị hiếu tiêu dùng của người dân ngày càng cao, đòi hỏi các DN địa phương phải không ngừng vận động, phát triển, đổi mới công nghệ, đồng thời có thêm sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương, nhất là ở các cơ sở…

* Cần thêm các kênh phát triển sản phẩm địa phương

Vào cuối tháng 9, đầu tháng 10-2022, các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ban Chỉ đạo 264) tỉnh đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU ngày 16-3-2022 của Ban TVTU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh và khảo sát các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản trên địa bàn các địa phương, qua đó tìm ra các phương án để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện cuộc vận động ở cấp cơ sở.

Qua những buổi kiểm tra ở các địa phương, đại diện ban chỉ đạo 264 ở nhiều huyện, thành phố trong tỉnh chia sẻ một số khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai cuộc vận động. Một trong những điểm hạn chế trong quá trình triển khai cuộc vận động đó là công tác chỉ đạo thực hiện cuộc vận động ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự đồng bộ. Đồng thời, nhiều thành viên ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động ở các cấp đều là cán bộ kiêm nhiệm nên thời gian dành cho hoạt động của ban chỉ đạo cuộc vận động chưa được nhiều, việc tham gia phối hợp thực hiện cuộc vận động theo từng trách nhiệm được phân công chưa cao. Điều này dẫn đến kết quả triển khai có nơi chưa thực sự tạo đột phá.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm tại một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch). Ảnh: H.Hà
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm tại một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch). Ảnh: H.Hà

Mặt khác, việc thông tin, tuyên truyền chưa thực sự tác động mạnh vào tâm lý, hành vi của người tiêu dùng, nhất là những khu dân cư vùng sâu, vùng xa; vẫn còn một bộ phận người dân sính hàng ngoại, hàng hiệu nhập khẩu... Tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, chưa được ngăn chặn triệt để nên phần nào làm giảm lòng tin của người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và vốn đầu tư khá lớn. Điều này gây trở ngại cho các DN nhỏ và vừa ở các địa phương trong việc xúc tiến mở rộng thị trường.

Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện chia sẻ, thời gian qua, các DN ở địa phương đã nỗ lực để phát triển các kênh quảng bá, tiếp thị sản phẩm nhưng do tiềm lực của DN còn hạn chế nên nhiều DN trong số này cũng chỉ cố gắng được trong điều kiện, giới hạn nhất định. Do đó, để DN nhỏ và vừa, DN địa phương tiếp tục vươn lên và nâng cao sức cạnh tranh trên sân nhà, bên cạnh sự nỗ lực từ phía DN cũng rất cần có thêm các chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương về tín dụng, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là sau những tác động của đại dịch Covid-19...

Tương tự, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 264 tỉnh nhấn mạnh, các địa phương cần tiếp tục củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo cuộc vận động, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các thành viên ban chỉ đạo 264 địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, quảng bá, giới thiệu nông sản, hàng hóa địa phương; chú trọng các phương án hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất hàng hóa địa phương để góp phần nâng cao thương hiệu, sức cạnh tranh cho các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm)… trên địa bàn.

* Nâng cao hiệu quả truyền thông về hàng Việt

Nhiều ý kiến người tiêu dùng chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, để hàng Việt nâng cao sức cạnh tranh, ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng thì cần được đầu tư chỉn chu từ chất lượng, bao bì và cân đối được giá bán. Đặc biệt, bên cạnh các cách tiếp cận truyền thống, sản phẩm hàng Việt cần chú trọng hơn tới các kênh tiếp thị, truyền thông, trong đó có các kênh tiếp thị trực tuyến.

Một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán)
Một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán)

Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó trưởng ban Chỉ đạo 264 tỉnh Phạm Tấn Linh đề nghị các địa phương tiếp tục củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo 264 ở địa phương, phát huy vai trò của các thành viên ban chỉ đạo cuộc vận động. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tự hào, tự tôn dân tộc trong sử dụng hàng Việt; tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, DN và người dân trong thực hiện cuộc vận động…

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung chia sẻ thêm, trong thời gian tới, ban chỉ đạo 264 ở các địa phương cần tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tham mưu triển khai thực hiện tốt các chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên trong triển khai cuộc vận động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc vận động thông qua nhiều hình thức như: qua hệ thống thông tin mạng xã hội, fanpage của các cơ quan, đơn vị... Tăng cường phối hợp công tác giám sát, phản biện xã hội, công tác quản lý thị trường, kiểm tra chất lượng sản phẩm (nhất là các giao dịch trên sàn thương mại điện tử) để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 264 tỉnh CAO VĂN QUANG nhấn mạnh, các địa phương cần rà soát, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao hiệu quả cuộc vận động; tiếp tục củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo cuộc vận động ở địa phương. Ban chỉ đạo 264 ở các địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động, đẩy mạnh hỗ trợ DN, HTX, đơn vị sản xuất ở địa phương trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, mở rộng thị trường; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hàng giả, gian lận thương mại…

Hải Quân

Tin xem nhiều