Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh doanh thực phẩm sạch: Đừng để 'vàng - thau' lẫn lộn

07:10, 12/10/2022

Hiện nay, ngày càng nhiều cơ sở kinh doanh nông sản sạch, thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ… có giá bán cao hơn so với thị trường chung. Nhưng trên thực tế, tiêu chí xác định thực phẩm sạch vẫn còn là dấu hỏi đối với người tiêu dùng.

Hiện nay, ngày càng nhiều cơ sở kinh doanh nông sản sạch, thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ… có giá bán cao hơn so với thị trường chung. Nhưng trên thực tế, tiêu chí xác định thực phẩm sạch vẫn còn là dấu hỏi đối với người tiêu dùng.

Người tiêu dùng tham khảo, chọn mua các sản phẩm rau VietGAP tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Hà
Người tiêu dùng tham khảo, chọn mua các sản phẩm rau VietGAP tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Hà

* Người tiêu dùng băn khoăn

Các cửa hàng mua bán thực phẩm, nông sản sạch, sản phẩm theo hướng hữu cơ ra đời góp phần giúp người tiêu dùng có thêm các kênh mua sắm mới về thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, xác định sản phẩm tại các cửa hàng này có thực sự sạch như quảng cáo hay không thì người tiêu dùng còn băn khoăn.

Đặc biệt, trong thời gian qua, trước thông tin trên báo chí về một số doanh nghiệp cung ứng rau cho các cửa hàng nông sản sạch, chuỗi cửa hàng tiện lợi… đã nhập nhằng lấy rau từ nguồn trôi nổi để “phù phép”, dán nhãn thành các loại rau sạch, rau VietGAP càng khiến người tiêu dùng lo ngại.

Bà Nguyễn Thu Hà (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, bà quan tâm nhiều hơn đến chế độ ăn uống lành mạnh vì sức khỏe của cả nhà. Ngoài ra, hiện có nhiều cửa hàng kinh doanh nông sản, siêu thị mini bày bán thực phẩm, nông sản sạch. Do đó, không khó để người tiêu dùng có thể tìm được một cửa hàng bán nông sản xanh - sạch - an toàn với đầy đủ các loại thực phẩm từ rau củ, thịt heo, cá... cho đến các loại hoa quả tươi.

“Trước giờ các loại rau, thực phẩm hữu cơ được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tôi mua đều có mẫu mã, bao bì, nơi xuất xứ được ghi rõ ràng. Bởi họ trồng theo tiêu chuẩn, quy trình, nông trại sạch…, giá thành cao là lẽ đương nhiên. Song gần đây, khi đọc tin “sự thật về rau VietGAP” với một số loại rau củ quả bán tại các cửa hàng tiện lợi mới thấy, nếu nhìn bằng mắt thì không có gì khác ngoài chợ, chỉ có điều họ tuyển những loại rau có vẻ ngoài trông “sạch đẹp” vào một bịch ny-lông chỉn chu ghi nơi sản xuất, vậy là có giá bán cao gấp đôi, gấp ba ngoài chợ truyền thống. Trong khi đó, nguồn gốc nông sản có thực sự an toàn hay không thì khó có thể biết được, hiện tôi vô cùng băn khoăn” - bà Hà nói.

Tương tự, chị Ngọc Hiếu (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, vài năm gần đây, trên thế giới cũng như Việt Nam khá chuộng trào lưu sống xanh - sạch - lành, trong đó chế độ ăn thô, ăn sạch được nhiều người chú trọng. Vì vậy, các sản phẩm nông sản, thực phẩm sạch, an toàn cũng được trồng và bày bán dễ dàng, rộng khắp.

“Có cầu ắt hẳn có cung, nhưng vấn đề cần phải xây dựng bộ tiêu chí chuẩn mực về chất lượng sản phẩm cũng như quy chuẩn về cung cấp thông tin, thương hiệu minh bạch với các nhà cung cấp, cửa hàng kinh doanh… để người tiêu dùng biết đâu là nơi có thể “chọn mặt gửi vàng”, yên tâm sử dụng. Nếu không, tình trạng nông sản bẩn hay nông sản nhà trồng gắn mác “sạch” vẫn diễn ra, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn” - chị Hiếu chia sẻ.

* Cần tạo “chữ tín” trong kinh doanh

Theo nhiều chuyên gia, nhu cầu về thực phẩm sạch ngày càng lớn. Bên cạnh các cửa hàng, đơn vị cung cấp các loại thực phẩm, nông sản sạch, sản phẩm hữu cơ đạt các tiêu chí của Bộ NN-PTNT, trên thực tế vẫn tồn tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, hữu cơ theo trào lưu. Người tiêu dùng gặp khó khăn trong kiểm tra nguồn gốc, chỉ có thể nghe qua giới thiệu của người bán.

Một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch mang tính “tự xưng”, còn mập mờ, chưa công khai minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ, cũng như thông tin các tiêu chí thực phẩm đạt chuẩn cần thiết.

Phát triển các chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch bài bản, dài hơi thì vấn đề quan trọng là xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, cung ứng và tiêu thụ một cách căn cơ, bền vững. Qua đó, xây dựng được thương hiệu, minh bạch các thông tin về xuất xứ hàng hóa, tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa Hoàng Thị Tố Uyên cho biết, siêu thị luôn chú trọng xây dựng uy tín, thương hiệu, đặt người tiêu dùng lên hàng đầu bằng việc quản lý chặt chẽ chất lượng đầu vào của sản phẩm, tuyệt đối không nhập hàng hóa, nông sản có nguồn gốc trôi nổi vào để bán ra thị trường. Chuỗi siêu thị thường xuyên rà soát, kiểm tra, kiểm định lại chất lượng sản phẩm của đơn vị cung ứng mỗi năm 2 lần, đảm bảo hàng hóa vào siêu thị phải đạt và giữ được tiêu chí về nguồn gốc, chất lượng và các chứng nhận sản phẩm sạch liên quan…

Phó giám đốc Sở NN-PTNT LÊ VĂN GỌI chia sẻ, để đảm bảo các tiêu chí về chất lượng các loại nông sản sạch, sản phẩm đạt chuẩn VietGAP..., bên cạnh việc các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát về chất lượng thường xuyên, vấn đề quan trọng, căn cơ chính là việc xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ một cách chuẩn hóa, bài bản và bền vững. Qua đó, chính các mắt xích, thành viên trong chuỗi sẽ kiểm tra, kiểm soát chất lượng của nhau để đảm bảo uy tín, chất lượng, giá trị sản phẩm… Việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất lớn gắn với tiêu thụ bền vững sẽ góp phần giúp các cơ quan chức năng có nhiều thuận lợi trong việc kiểm tra xuất xứ, chất lượng hàng hóa, cũng như giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu, kiểm tra nguồn gốc, các thông tin liên quan đến chất lượng nông sản…

Hải Hà

Tin xem nhiều