Thời gian qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, có sức lan tỏa sâu rộng.
Thời gian qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, có sức lan tỏa sâu rộng.
Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ (hàng trước, thứ hai từ trái qua) khảo sát mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại H.Nhơn Trạch. Ảnh: B.Nguyên. Ảnh: B.Nguyên |
Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2017-2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá, tuy thu ngân sách từ sản xuất nông nghiệp không cao so với các ngành khác nhưng phát triển nông nghiệp, nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là vấn đề an sinh.
* Nông dân phát triển sản xuất
Theo số liệu thống kê, dân số Đồng Nai có hơn 3 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm 44,27%, nông thôn chiếm trên 55,73%. Trong tổng diện tích tự nhiên, diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 49%.
Ngành Nông nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của đại dịch Covid-19. Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt trong những tháng cuối năm ngành đã tập trung triển khai 7 nhóm giải pháp trọng tâm để từng bước tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, HTX, người dân. Do đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước được phục hồi, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của ngành cơ bản đảm bảo kế hoạch đề ra.
Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2017-2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH yêu cầu, thời gian tới, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh phải khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của hội viên, nông dân trong phát triển sản xuất. Phải tạo môi trường công bằng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp bảo vệ môi trường phát triển. Xây dựng lớp nông dân văn minh, có thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao… |
Đặc biệt, giai đoạn 2017-2021, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh đã thu hút trên 543 ngàn lượt hộ đăng ký tham gia sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm gần 80% tổng số hộ hội viên, nông dân toàn tỉnh. Trong đó, có trên 321 ngàn lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Số lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở các cấp có mức thu nhập ngày càng tăng.
Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có tư duy sản xuất hàng hóa, biết khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, nguồn lực, có quy mô sản xuất lớn, thu hút và tạo việc làm cho hàng chục lao động, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Số lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở các cấp có mức thu nhập ngày càng tăng. Cụ thể, thu nhập bình quân trong một năm của nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh là 308 triệu đồng/năm, tăng 10% so với năm 2017; cấp Trung ương bình quân là 625 triệu đồng/năm, tăng 16,82% so với năm 2017.
* Hỗ trợ nông dân nghèo
Nông dân trên địa bàn tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thi đua làm giàu; xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn. Ngành Nông nghiệp chú trọng hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mới, đào tạo và dạy nghề… nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các hộ nông dân phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân giỏi với các hộ nông dân nghèo đã trở thành nền nếp trong sản xuất và đời sống văn hóa của cộng đồng nông thôn, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và đang vươn lên làm ăn khá giả.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có hơn 11,3 ngàn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ gần 10,7 ngàn hộ nghèo. Việc giúp đỡ thể hiện bằng các việc làm thiết thực như: các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho gần 21 lượt lao động; đóng góp cho mượn vốn không tính lãi tổng cộng gần 24,7 tỷ đồng. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi còn đóng góp, giúp đỡ hộ nghèo được gần 600 tấn phân bón, lương thực, hàng trăm ngàn cây, con giống, gần 41 tấn hạt giống các loại.
Như Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 3, xã Phú Lập (H.Tân Phú) Nguyễn Văn Phong đã vận động hội viên, nông dân tham gia thành lập HTX Dịch vụ chăn nuôi dê, mua bán dê Văn Phong với 27 thành viên. HTX đã xây dựng được 3 trại nuôi dê với tổng đàn dê 1,7 ngàn con, 40 con heo rừng sinh sản đem lại thu nhập ổn định, chất lượng đời sống của các xã viên được nâng cao.
HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (H.Trảng Bom) đã tạo ra nhiều lợi ích cho nông dân thông qua chuỗi liên kết. Hiện HTX xuất khẩu được từ 3-5 ngàn tấn chuối tươi/năm; sơ chế, chế biến trung bình 100 tấn trái chuối nguyên liệu/tháng. Qua đó, đơn vị tạo việc làm cho trên 60 lao động, phổ biến cho hàng trăm lao động về kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất.
Bình Nguyên