Báo Đồng Nai điện tử
En

Gói hỗ trợ lãi suất có đang dần vơi đi ý nghĩa?

06:10, 29/10/2022

Cuộc đua lãi suất huy động của các ngân hàng từ hơn 1 tháng nay và đang khá nóng khi lãi suất tại một số ngân hàng đã chạm mốc 9%/năm. Ngay trước đó, việc hết room tín dụng tại hầu hết các ngân hàng đã dẫn đến hệ quả là nhiều doanh nghiệp (DN) không vay được tiền khi nhu cầu về vốn sản xuất, kinh doanh giai đoạn cuối năm đang rất "nóng".

Cuộc đua lãi suất huy động của các ngân hàng từ hơn 1 tháng nay và đang khá nóng khi lãi suất tại một số ngân hàng đã chạm mốc 9%/năm. Ngay trước đó, việc hết room tín dụng tại hầu hết các ngân hàng đã dẫn đến hệ quả là nhiều doanh nghiệp (DN) không vay được tiền khi nhu cầu về vốn sản xuất, kinh doanh giai đoạn cuối năm đang rất “nóng”.

Điều này đã làm nhiều người đặt lại câu hỏi rằng gói hỗ trợ lãi suất 2% nhằm “cứu nguy” cho DN phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19 liệu có còn ý nghĩa hay không? Câu trả lời thực tế từ nhiều DN là “vay với lãi suất bình thường còn khó thì trông mong gì đến lãi suất hỗ trợ?”.

Có nhiều lý do khiến việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất này chậm chạp nhiều so với mong đợi, trong đó khó khăn lớn nhất vẫn là điều kiện vay khó khăn, thủ tục rườm rà cho cả phía ngân hàng lẫn DN. Trên thực tế, chính sách hỗ trợ lãi suất cho DN không phải là chính sách mới và đã từng được thực hiện vào năm 2009 nhằm “cứu” các DN thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, thời điểm đó, sự lỏng lẻo về kiểm soát đã khiến dòng vốn này “chảy” không đúng đối tượng cần hỗ trợ và đã để lại nhiều hệ quả. Do đó, chính sách hỗ trợ lãi suất lần này cần khắc phục được những hạn chế trong lần triển khai trước, tránh dòng tiền chạy sang các tài sản mang tính đầu cơ, rủi ro.

Chính phủ đã quyết định chọn đối tượng được hỗ trợ lãi suất là các DN, HTX, hộ kinh doanh có mục đích vay vốn thuộc 2 nhóm: Thứ nhất là các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản. Thứ hai là nhóm thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp từ UBND tỉnh, thành phố và công bố bằng văn bản, trên cổng thông tin điện tử của Bộ).

Đồng thời, các DN được hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn thông thường của các ngân hàng thương mại; được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày đầu năm 2022 đến hết năm 2023, sử dụng vốn đúng mục đích và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.

Sự chặt chẽ này một mặt có ảnh hưởng đến ý nghĩa của gói hỗ trợ, nhất là khi ngân hàng tăng lãi suất huy động để “hút” tiền về, áp lực lạm phát gia tăng, room tín dụng bị siết lại. Để được hỗ trợ 2%, nhiều ngân hàng đòi hỏi DN phải có báo cáo tài chính có lãi trong 2-3 năm liền, nhưng sau đợt dịch Covid-19, hầu hết DN không có lãi. Các ngân hàng còn yêu cầu DN phải chứng minh có thể trả được nợ, nhưng trong bối cảnh thị trường còn trầm lắng, bấp bênh thì DN khó lòng đáp ứng.

Vậy nên theo nhiều dự đoán, đến cuối năm 2022, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% này cũng sẽ khó phát huy tác dụng như mong muốn ban đầu.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều