Từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ giá tại các quốc gia trên thế giới, nhất là những thị trường xuất - nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam liên tục có những thay đổi. Các đồng tiền chủ chốt khác đều giảm mạnh so với đồng USD, điều này có những tác động bất lợi nhất định đến các doanh nghiệp (DN) xuất - nhập khẩu.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ giá tại các quốc gia trên thế giới, nhất là những thị trường xuất - nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam liên tục có những thay đổi. Các đồng tiền chủ chốt khác đều giảm mạnh so với đồng USD, điều này có những tác động bất lợi nhất định đến các doanh nghiệp (DN) xuất - nhập khẩu.
Biến động tỷ giá đang ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất, nhập khẩu (ảnh minh họa). Ảnh: V.Gia |
Cùng với biến động tỷ giá, những khó khăn từ sụt giảm nhu cầu tiêu thụ, ảnh hưởng bởi xung đột, lạm phát gia tăng trên toàn cầu cũng gây thêm khó khăn cho DN.
* Nhiều DN bị ảnh hưởng
Với thị trường xuất khẩu quan trọng là Nhật Bản, các DN xuất khẩu không những gặp khó khăn về tỷ giá mà còn gặp khó ở chỗ các nhà nhập khẩu của Nhật có xu hướng giảm số lượng nhập do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng của người dân giảm sút, giá cả hàng hóa đắt đỏ hơn khi đồng yên mất giá kỷ lục so với đồng USD, mức độ mất giá được cho là cao nhất trong vòng 24 năm nay. Điều này gây ảnh hưởng khá lớn đến lượng hàng hóa xuất khẩu của DN trong nước.
Là chủ DN hoạt động trong lĩnh vực hàng dệt may có thị trường trọng điểm là Nhật Bản, ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty CP An Phú Thịnh (H.Long Thành) cho hay, doanh số xuất khẩu của DN sang thị trường này đang bị giảm mạnh. Đặc biệt từ nhiều tháng nay, có những đối tác Nhật Bản đã yêu cầu công ty giảm giá đơn hàng đã ký để cùng chia sẻ khó khăn do bị thua lỗ về tỷ giá. DN buộc phải chấp nhận giảm để duy trì việc làm cho công nhân, nhưng sẽ khó để duy trì được lâu dài.
“So với đồng yên Nhật thì tiền Việt Nam mất giá nhẹ hơn nhiều so với đồng USD, hiện đồng yên Nhật đang trong chu kỳ giảm giá, các đơn vị đối tác khi nhập hàng về sẽ phải chi tiền ra nhiều hơn. Dù chúng tôi có thể chịu đựng thêm nhưng phía đối tác sẽ khó khăn hơn. Hơn nữa, nhu cầu của thị trường cũng đang bị co lại khiến cho việc xuất khẩu hàng gặp khó khăn trong khi đây là thị trường xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn của công ty từ trước tới nay” - ông Võ Thanh Tuấn chia sẻ.
Tương tự là tại các thị trường châu Âu, Mỹ…, việc USD tăng giá cũng khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên có tính cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ, khiến lượng hàng hóa bán ra được nhiều hơn. Tuy nhiên, không chỉ đồng Việt Nam mà các đồng tiền khác cũng đều yếu đi so với USD. Phần lớn các giao dịch xuất khẩu của DN là giao dịch bằng đồng USD. Dù xuất khẩu được lợi khi đồng USD tăng giá nhưng ngược lại, để có hàng xuất khẩu thì DN cũng phải nhập nguyên, phụ liệu. Khi USD tăng giá thì chi phí nhập khẩu, chi phí vận tải, logistics, kho bãi, vay nợ bằng USD cũng tăng. Trong số đó, ngành gỗ xuất khẩu bị ảnh hưởng hơn cả. “Nửa cuối năm nay, tình hình kinh doanh của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng sụt giảm quá nhiều. Khi bán được hàng thì doanh thu và lợi nhuận cũng không được tốt vì chi phí cho giá thành cũng lên cao, tình hình vẫn chưa có nhiều điểm sáng” - ông Thế Anh, đại diện một DN sản xuất gỗ xuất khẩu ở TP.Biên Hòa lo lắng.
* Tìm cách hạn chế ảnh hưởng
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 9-2022, tình hình xuất khẩu của một số DN có khởi sắc hơn so với tháng trước (tăng 0,66%) do là tháng cuối quý nên nhiều DN tập trung xuất khẩu các đơn hàng trong quý đã ký kết từ trước đó.
Hiện là quý cuối cùng trong năm. Đây cũng là thời điểm mà nhu cầu ngoại tệ thường tăng cao hơn khi các DN vào cao điểm sản xuất hàng cuối năm. Những biến động liên tục của tỷ giá sẽ gây ra nhiều khó khăn cho DN hơn. Bên cạnh tỷ giá, điều đáng ngại hơn cho xuất khẩu là triển vọng không mấy sáng của kinh tế thế giới, với việc lạm phát gia tăng, nguy cơ suy thoái và người tiêu dùng các nước buộc phải thắt chặt chi tiêu.
Để hạn chế các tiêu cực của việc biến động tỷ giá cũng như các khó khăn khác, theo các chuyên gia thì DN trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu cần quan tâm theo dõi biến động, cập nhật về tình hình lạm phát, lãi suất, dịch bệnh và xung đột... Điều này rất quan trọng bởi từ những dữ liệu ấy có thể giúp DN điều chỉnh tốt hơn, lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu ít bị biến động nhất, đồng thời đa dạng hóa phương thức thanh toán, kết hợp với các đơn vị có uy tín để tránh gặp bất lợi. Bên cạnh đó, với các DN nhập khẩu cũng cần đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, nhất là tìm kiếm các sản phẩm nội địa, giảm bớt chi phí từ nhập khẩu.
Một giải pháp nữa là tăng cường bán hàng tại thị trường trong nước. Giám đốc Công ty TNHH Vương Gia Hưng Thịnh (TP.Biên Hòa) Phạm Văn Thịnh cho hay, sau những khó khăn từ thị trường xuất khẩu, DN đã chú trọng hơn đến thị trường nội địa. Hiện trung bình mỗi ngày DN nhập hàng của các trại trên 700 ngàn trứng cút để cung ứng rộng khắp cả nước thông qua hệ thống chợ cũng như các siêu thị bán lẻ...
Tương tự là đối với ngành Gỗ, mùa cuối năm thị trường đồ gỗ trong nước sẽ sôi động hơn. Các DN sản xuất gỗ ở Đồng Nai sẽ bắt đầu bước vào mùa kích cầu cuối năm với hội chợ gỗ và nội thất từ tháng 10 đến cuối năm tại khu chợ đầu mối gỗ Tân Biên. Theo ông Võ Quang Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, đây cũng là một trong những cơ hội để các đơn vị làm hàng gỗ không chỉ gia tăng doanh số bán hàng nội địa mà còn có thể tìm cách hợp tác, chia sẻ những khó khăn đang gặp phải.
Văn Gia