Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp lạc quan vào mùa sản xuất cuối năm

07:10, 13/10/2022

Trong gần 3 tháng cuối năm, nền kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi suy thoái do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) Đồng Nai vẫn "lạc quan" vào mùa sản xuất cuối năm.

Trong gần 3 tháng cuối năm, nền kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi suy thoái do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) Đồng Nai vẫn “lạc quan” vào mùa sản xuất cuối năm.

Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) sẽ tăng xuất khẩu 30% trong năm 2022
Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) sẽ tăng xuất khẩu 30% trong năm 2022. Ảnh: H.Giang

Theo UBND tỉnh, 9 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của Đồng Nai tăng hơn 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy quý III-2022 sản xuất công nghiệp có sụt giảm so với 2 quý đầu năm, song các DN vẫn tin tưởng trong quý IV này sản xuất sẽ phục hồi tốt hơn.

* Vào mùa sản xuất cuối năm

Cuối năm là mùa sản xuất của nhiều mặt hàng công nghiệp như: dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, cà phê, thực phẩm chế biến, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng. Dù đơn hàng cho những tháng cuối năm có giảm so với dịp đầu năm nhưng các DN ở Đồng Nai đã linh động tìm thêm những khách hàng mới để tăng sản lượng tiêu thụ cả nội địa lẫn xuất khẩu.

Ông Tsukasa Hirabara, Tổng giám đốc Công ty TNHH Acrowel Việt Nam (ở Khu công nghiệp Long Thành, H.Long Thành) cho hay: “Đại dịch Covid-19, cuộc chiến giữa Nga - Ukraine đã khiến cho giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận tải tăng cao. Đồng thời, chuỗi cung ứng sản phẩm bị gián đoạn ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phục hồi và phát triển của từng DN. Acrowel cũng chịu tác động tiêu cực từ những khủng hoảng trên, đặc biệt trong quý III-2022, sản xuất và xuất khẩu có xu hướng giảm mạnh vì nhiều khách hàng rút bớt đơn hàng. Thế nhưng, vào những tháng cuối năm tình hình có dấu hiệu khá dần lên, đơn hàng công ty nhận được tăng”.

Đồng Nai đang kỳ vọng tiếp tục giữ ổn định sản xuất và xuất khẩu để năm 2022 đạt kim ngạch gần 26 tỷ USD và xuất siêu hơn 5 tỷ USD.

Nếu tháng 8-2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giảm nhẹ so với tháng trước đó thì trong tháng 9 đã tăng trở lại. Tuy mức tăng chưa được như kỳ vọng của các DN, nhưng gộp chung từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của Đồng Nai tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước gần 3%. Trong cơ cấu sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh thì DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm gần 75% và DN có vốn đầu tư trong nước hơn 25%.

Ông Trần Quang, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Giá nguyên liệu đầu vào và chi phí logistics liên tục leo thang ảnh hưởng không nhỏ đến các đơn hàng của công ty. Do đó, Fleming đã tìm ra các giải pháp để tăng năng suất, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất để giá thành của sản phẩm ít thay đổi. Bên cạnh đó, Fleming liên tục tìm thêm các khách hàng để mở rộng đầu ra. Do đó, các đơn hàng vào dịp cuối năm của DN tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước”.

* Chú ý thị trường nội địa

Từ đầu năm 2020 đến nay, chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp thường xuyên bị gián đoạn, dẫn đến nhiều DN tại Đồng Nai gặp khó khăn trong việc hoàn thành các đơn hàng cho đối tác trong và ngoài nước. Nguyên nhân là do nguyên phụ liệu đầu vào của các nhà máy trên địa bàn tỉnh nhập khẩu từ Trung Quốc khá lớn.

Cụ thể, với ngành dệt may, xơ sợi dệt, giày dép, máy tính điện tử và linh kiện, sắt thép, hóa chất, chất dẻo…, để bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều DN đã ưu tiên tìm nguồn nguyên liệu trong nước và các quốc gia khác như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Doanh nghiệp nỗ lực hồi phục sản xuất, kinh doanh sau những khó khăn của dịch bệnh và biến động thế giới. Trong ảnh: Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) sẽ tăng xuất khẩu 30% trong năm 2022
Doanh nghiệp nỗ lực hồi phục sản xuất, kinh doanh sau những khó khăn của dịch bệnh và biến động thế giới. Trong ảnh: Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) sẽ tăng xuất khẩu 30% trong năm 2022

Bà Lai Khiêm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (Khu công nghiệp Amata) cho biết: “Công ty chuyên sản xuất các loại giày dép cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Những năm gần đây, để chủ động cho sản xuất, công ty đã ưu tiên tìm nguyên liệu trong nước, giảm nhập khẩu. Hiện nay, nguồn nguyên liệu trong nước ngày càng đa dạng và chất lượng khá tốt, đáp ứng được nhiều đơn hàng”.

Đồng Nai là trung tâm sản xuất công nghiệp hỗ trợ lớn của Việt Nam và có hơn 60% kim ngạch xuất khẩu thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có nhiều sản phẩm đầu ra của DN này là sản phẩm đầu vào của DN khác. Vì vậy, kết nối được các DN trên cùng lĩnh vực sẽ giúp cho nhiều nhà máy tìm được nguyên liệu trong nước và mở rộng tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tỉnh tăng cường công tác xúc tiến thương mại để kết nối các DN nước ngoài tại Đồng Nai với DN trong nước trên cùng lĩnh vực để hợp tác, cung cấp sản phẩm cho nhau. Thời gian qua, nhiều DN đã tìm được nguồn nguyên liệu trong nước, bớt nhập khẩu nên xuất siêu của Đồng Nai tăng cao”.

Dự kiến, năm 2022, Đồng Nai sẽ xuất siêu hơn 5 tỷ USD, đây sẽ là kỷ lục mới của tỉnh.

Hương Giang

Tin xem nhiều