Câu chuyện tiết kiệm năng lượng không còn xa lạ với doanh nghiệp (DN) Đồng Nai. Nhiều DN đã có lộ trình tham gia chương trình trên vì các nhãn hàng trên thế giới yêu cầu các nhà máy phải có lộ trình tiết kiệm năng lượng và hướng đến sản xuất xanh.
Câu chuyện tiết kiệm năng lượng không còn xa lạ với doanh nghiệp (DN) Đồng Nai. Nhiều DN đã có lộ trình tham gia chương trình trên vì các nhãn hàng trên thế giới yêu cầu các nhà máy phải có lộ trình tiết kiệm năng lượng và hướng đến sản xuất xanh.
Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) sản xuất nến thân thiện với môi trường để xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Ảnh: H.Giang |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 4 ngàn DN sản xuất, xuất khẩu hàng hóa sang hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch của cả nước. Đồng Nai là nơi sản xuất hàng hóa cho nhiều thương hiệu của thế giới.
* Chiến lược để giữ thị trường
Khoảng 5 năm trở lại đây, người tiêu dùng trên thế giới đã chú trọng chọn lựa những sản phẩm sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Do đó, để giữ chân người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ, các tập đoàn đã yêu cầu các nhà máy thực hiện đơn hàng, xây dựng lộ trình tiết kiệm năng lượng và từng bước tham gia vào nền kinh tế xanh. Mục tiêu là để bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế những diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Giám đốc Công ty TNHH UPM Việt Nam Nguyễn Thị Đoan Thanh cho biết: “Công ty là thành viên của Tập đoàn UPM (Phần Lan) đang dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp các loại tem nhãn bền vững cho nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, Nestlé, Samsung, Masan. Sản phẩm của công ty ngoài cung ứng cho thị trường trong nước còn xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, châu Á. Những năm gần đây, người tiêu dùng trên thế giới có xu hướng lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường nên công ty đã đi trước trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng các nguyên liệu tái chế”.
Theo Bộ KH-ĐT, với 31 khu công nghiệp đang hoạt với gần 2 ngàn dự án, Đồng Nai hiện là nơi có số khu công nghiệp đang hoạt động nhiều nhất cả nước. Đây là khu vực tập trung nhiều nhà máy sản xuất hiện đại của các tập đoàn nước ngoài. |
Cũng theo bà Thanh, Tập đoàn UPM đã có lộ trình sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong đó, UPM hạn chế sử dụng các nguyên liệu hóa thạch và chuyển sang các nguyên liệu ít gây hại cho môi trường.
Đơn cử như trước đây UPM sản xuất nhựa từ dầu thô, nhưng gần đây đã chuyển sang dùng gỗ rừng trồng để sản xuất nhựa nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, UPM còn tham gia chương trình thu gom rác thải từ đại dương để tiến hành tái chế, lên kế hoạch giảm khí thải CO2, nước trong quá trình sản xuất.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam chia sẻ: “Đa số các nhà máy của DN châu Âu tại Việt Nam đều đang thực hiện tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm dần khí thải để từng bước tham gia vào chuyển đổi xanh. Do đó, các sản phẩm tạo ra thân thiện với môi trường, đáp ứng đòi hỏi của người tiêu dùng trên thế giới”.
* Con đường phải đi
Bắt đầu từ tiết kiệm năng lượng, sau đó từng bước tham gia vào sản xuất xanh là con đường các DN tại Đồng Nai phải đi để hướng đến phát triển bền vững. Hiện nay, nhiều nhãn hàng trên thế giới đã đưa ra lộ trình và cam kết sẽ sử dụng năng lượng tái tạo, giảm khí thải. Theo đó, DN trong chuỗi sản xuất của từng ngành hàng phải tham gia vào chương trình này để đảm bảo sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường.
Phần lớn các DN có vốn đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào tỉnh đều muốn tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Các DN đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, số lượng, giá cả cạnh tranh rất dễ dàng nhận được những đơn hàng lớn, lâu dài. Về chất lượng hàng hóa, đòi hỏi lộ trình sử dụng nguyên liệu tái chế, năng lượng tái tạo, giảm nước thải, khí thải. Trong quá trình cạnh tranh để giữ chân khách hàng truyền thống và tìm thêm những đối tác mới, DN nào nhanh chân đầu tư công nghệ hiện đại, có lộ trình rõ ràng trong sử dụng tiết kiệm năng lượng, dùng năng lượng xanh sẽ được các tập đoàn ưu ái hơn trong lựa chọn ký kết đơn hàng.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho hay: “Hơn 200 nhãn hàng thời trang lớn trên thế giới đã có cam kết thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường để chống biến đổi khí hậu. Vì thế, họ đòi hỏi các nhà máy gia công, hợp tác với mình cũng phải lên kế hoạch tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên liệu tái chế. DN dệt may sớm tham gia vào chương trình trên sẽ giữ chân được các nhãn hàng thời trang và có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất và phát triển”.
Tại Đồng Nai, nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại và hướng đến sản xuất tuần hoàn, sản xuất xanh như: Bosch, CP, Nestelé, Schaeffler, Ajinomoto, Kaneko, Nok…
Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam khẳng định: “Cam kết của Nestlé là luôn nỗ lực thực hiện các hành động tạo ra tác động tích cực đối với 3 lĩnh vực: cá nhân, gia đình; cộng đồng và hành tinh. Đặc biệt, nông nghiệp tái sinh có tầm quan trọng rất lớn như một cách tiếp cận nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường và phục hồi hệ sinh thái”.
Là DN tiên phong trong phát triển bền vững, Nestlé Việt Nam chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn cho nhiều DN khác để phát triển bền vững tại Việt Nam. Do đó, năm 2021, Nestlé Việt Nam đã được vinh danh là DN bền vững nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất”.
Hiện nay, nhiều DN ở Đồng Nai có kế hoạch thay đổi dần những máy móc có công nghệ lạc hậu sang máy móc công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm lao động và góp phần bảo vệ môi trường.
Hương Giang