Hiện nay, tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự "lên ngôi" của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) sẽ tạo ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp (DN) trong nước, nhất là các DN địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng và quảng bá sản phẩm phù hợp, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu mua sắm ngày càng cao của người tiêu dùng.
Hiện nay, tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự “lên ngôi” của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) sẽ tạo ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp (DN) trong nước, nhất là các DN địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng và quảng bá sản phẩm phù hợp, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu mua sắm ngày càng cao của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng tham khảo các sản phẩm trên Sàn thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn). Ảnh: H.Hà |
Các nền tảng số được xem là một kênh bán hàng, quảng bá sản phẩm có nhiều tiềm năng và điều kiện phát triển. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn còn bỏ ngỏ hoặc mới bắt đầu tham gia thời gian gần đây do thiếu kinh phí, nhân lực, kinh nghiệm về tiếp thị trực tuyến…
* Dần quen thuộc với nhiều DN địa phương
Thời gian qua, hoạt động quảng bá sản phẩm của nhiều DN, đơn vị sản xuất ở địa phương vẫn chủ yếu diễn ra trên các kênh bán lẻ truyền thống, các chuỗi cửa hàng, siêu thị… Việc quảng bá trực tuyến trở nên phổ biến hơn kể từ sau những tác động của dịch bệnh Covid-19 khi nhiều hoạt động kết nối giao thương trực tiếp bị gián đoạn.
Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) Liu Thị Yến cho biết, công ty hiện đã kết nối, đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT Shopee, Lazada… cũng như sàn TMĐT của tỉnh (ecdn.vn). Đây là một kênh quảng bá, bán hàng mới, bước đầu đã mang lại hiệu quả cao cho công ty. Khi tham gia các sàn TMĐT lớn, để thu hút khách hàng, công ty chủ động tăng tần suất quảng cáo, nhất là vào các dịp, sự kiện lớn, ngày số đẹp như: 7-7, 8-8, 9-9…
Giám đốc Công ty TNHH Calm Hoàng Thị Kim Anh, người sáng lập HTX Nông nghiệp An Hòa Hưng (TP.Biên Hòa) cho biết, đơn vị ngày càng quan tâm, chú trọng các kênh quảng bá sản phẩm trực tuyến. Trong đó, đơn vị đã chủ động xây dựng website riêng để giới thiệu sản phẩm, cũng như đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT lớn trên cả nước.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc phát triển thị trường miền Nam của Công ty CP Công nghệ Sapo - một công ty chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm quản lý bán hàng, kinh doanh trực tuyến chia sẻ, hiện nay nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm nổi bật của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) ngày càng xuất hiện nhiều ở các vị trí quảng bá, giới thiệu đẹp trên một số sàn TMĐT.
Trên thực tế, nhiều DN, cơ sở sản xuất ở địa phương vẫn chưa thực sự sẵn sàng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn TMĐT. Qua các đợt khảo sát về thị trường, nhiều DN địa phương, nhất là DN nhỏ và vừa cho biết, còn gặp các khó khăn về nguồn kinh phí, nhân sự… nên chưa mạnh dạn tham gia các kênh quảng bá, bán hàng trực tuyến hoặc trên các sàn TMĐT.
Bà Liu Thị Yến chia sẻ thêm: “Một trong những khó khăn trong hoạt động quảng bá này là đảm bảo duy trì nguồn kinh phí dành cho hoạt động marketing trực tuyến, trong khi số lượng khách hàng theo dõi, xác nhận đơn hàng trong thời gian đầu đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT còn chưa nhiều…”.
* Thêm các kênh hỗ trợ quảng bá cho các DN nhỏ và vừa
Bên cạnh các sàn TMĐT, hiện nay nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất, nhất là các chủ thể OCOP của Đồng Nai cũng ngày càng quan tâm tới các kênh quảng bá sản phẩm trực tuyến, trong đó có mạng xã hội Facebook, Zalo…
Nhiều DN đã bắt đầu “chịu chi” hơn, bố trí kinh phí hằng tháng để duy trì và phát triển các fanpage trên mạng xã hội. Đồng thời, thường xuyên đăng tải các bài viết chuẩn SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), phù hợp với thuật toán của Google, triển khai chạy quảng cáo trên Facebook, Google Ads… thông tin về sản phẩm của cơ sở xuất hiện nhiều hơn trên các công cụ tìm kiếm, từ đó tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.
Theo nhiều chuyên gia, Đồng Nai có nhiều đặc sản địa phương, sản phẩm thế mạnh. Điều này góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương trên môi trường trực tuyến ngày càng phát triển, lượng hàng hóa đa dạng, dồi dào hơn. Thực tế cho thấy, hoạt động bán lẻ trực tuyến thông qua các sàn TMĐT của Đồng Nai tăng trưởng khá trong những năm gần đây. Điều này góp phần giúp cho các DN, cơ sở sản xuất ở địa phương có thêm các cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, song song với đó, địa phương cần có thêm các phương án để tăng cường hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, DN địa phương, chủ thể OCOP quảng bá sản phẩm trên môi trường trực tuyến, nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn TMĐT địa phương…
Ông Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ thêm, hiện nay các sàn TMĐT lớn đều triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các sản phẩm, thương hiệu của địa phương tham gia quảng bá, bán hàng. Trong đó có các hỗ trợ về SEO, đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ đưa các sản phẩm OCOP của địa phương lên sàn TMĐT… Bên cạnh đó, nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai, ngày càng quan tâm và có nhiều chương trình để hỗ trợ các sản phẩm địa phương tiếp cận, mở rộng thị trường trên các nền tảng số.
Theo nhiều chuyên gia về xúc tiến thương mại, để hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại nói chung và trên các nền tảng số nói riêng phát huy hiệu quả cao thì vẫn cần thêm sự chủ động và tích cực từ phía các DN. Bởi trên thực tế, nhiều DN vẫn còn thụ động trong việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại truyền thống, chứ chưa nói đến các hình thức kết nối giao thương trực tuyến. Hiện nay, nhiều DN chưa chuẩn bị kỹ lưỡng về thông tin sản phẩm, phương pháp tiếp thị, quảng bá để thu hút sự quan tâm của thị trường nên thường bị động, thiếu tính chuyên nghiệp, cũng như chưa triển khai công tác tham vấn khách hàng về sản phẩm để cải tiến, bám sát nhu cầu của khách hàng… Điều này khiến cho hoạt động kết nối, quảng bá sản phẩm với các nền tảng, thị trường mới, tiềm năng vẫn tồn tại những hạn chế, khó khăn… |
Hải Quân