Năm 2020, lần đầu tiên hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh. Hội nghị nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ, các bộ, ngành cùng với sự tham gia của cấp lãnh đạo các tỉnh, thành nhằm ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch bền vững vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025.
Năm 2020, lần đầu tiên hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh. Hội nghị nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ, các bộ, ngành cùng với sự tham gia của cấp lãnh đạo các tỉnh, thành nhằm ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch bền vững vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025.
Khu du lịch Sơn Tiên (TP.Biên Hòa), một trong những điểm đến mới của Đồng Nai được các công ty du lịch lữ hành quan tâm trong các tour khảo sát. Ảnh: T.Mộc |
Vùng Đông Nam bộ gồm các địa phương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM, được đánh giá có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo. Tuy nhiên, những sản phẩm du lịch này mới chỉ khai thác ở mức riêng lẻ từng địa phương, chưa có sự liên kết chặt chẽ để phát huy hết tiềm năng.
* Lợi thế du lịch vùng
Với vị trí nằm liền kề vùng đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống đường bộ xuyên Á ngang qua, nối với các quốc gia như: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, cùng với hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế trọng yếu tại khu vực nên vùng Đông Nam bộ giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, trong đó có ngành du lịch. Bởi, nơi đây hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển các loại hình du lịch về nguồn, sinh thái, nghỉ dưỡng, biển, hội nghị…
Là tỉnh có vị trí cầu nối giữa TP.HCM và thủ đô Phnom Penh (Vương quốc Campuchia), tỉnh Tây Ninh đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các tour, tuyến du lịch từ Việt Nam đi Campuchia, các nước ASEAN và ngược lại. Bên cạnh lợi thế vị trí địa lý, Tây Ninh còn có các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: núi Bà Đen, Khu di tích lịch sử căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Tòa thánh đạo Cao Đài, hồ Dầu Tiếng…
Đại diện Sở VH-TTDL tỉnh Tây Ninh cho biết, kể từ khi vùng Đông Nam bộ liên kết phát triển du lịch, nhiều sản phẩm du lịch kết nối với Tây Ninh được hình thành. Các công ty du lịch tại TP.HCM đã triển khai bán các sản phẩm du lịch theo các tuyến kết nối TP.HCM đến tham quan tại Tây Ninh. Cụ thể như sản phẩm du lịch Hương sắc Tây Ninh do Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist tổ chức theo hành trình TP.HCM - Tây Ninh - cáp treo núi Bà; tuyến du lịch về nguồn theo hành trình TP.HCM - Tây Ninh - Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ngoài ra, các tour, tuyến với tên gọi hành hương về bà Chúa Tây Ninh, khám phá Tây Ninh, trải nghiệm Tây Ninh cùng Limounsine... cũng được các công ty du lịch lữ hành thường xuyên tổ chức, kết nối.
Cũng là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước có lợi thế là cửa ngõ kết nối giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Đông Nam bộ với các tỉnh Tây nguyên. Về du lịch, tỉnh Bình Phước cũng đang sở hữu nhiều tài nguyên du lịch so với các tỉnh trong vùng, có hệ thống rừng nguyên sinh và hệ thống danh lam thắng cảnh dồi dào. Đáng chú ý, những lợi thế này đến nay còn hoang sơ, thuận lợi trong việc định hình các sản phẩm du lịch tự nhiên. Đặc biệt, Bình Phước có hệ thống di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt.
Phó giám đốc Sở VH-TTDL tỉnh Bình Phước Đỗ Minh Trung cho biết, Bình Phước là địa phương có khá nhiều tiềm năng du lịch. Để tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư cũng như tăng cường sự phát triển du lịch, tỉnh đang xây dựng đề án Phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Dự kiến, đề án có tổng mức đầu tư hơn 26 ngàn tỷ đồng. Giai đoạn này, Bình Phước sẽ tập trung nguồn lực xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm du lịch tìm hiểu lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm…
* Liên kết phát triển du lịch Đông Nam bộ
Để sự liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ thật sự phát huy hiệu quả, thời gian qua, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch giữa các tỉnh trong vùng được tổ chức thường xuyên. Ngoài thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các hoạt động như: Ngày hội du lịch; hội chợ du lịch quốc tế tại TP.HCM; chương trình kích cầu du lịch 7 tỉnh, thành phố với tên gọi “7 địa phương - du lịch an toàn và hấp dẫn” được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; các chương trình Famtrip khảo sát du lịch; chương trình Tọa đàm giới thiệu điểm đến và không gian trưng bày, quảng bá văn hóa - du lịch - ẩm thực đặc trưng các địa phương vùng Đông Nam bộ tại tỉnh Bình Phước… được tăng cường tổ chức và quảng bá trên các kênh truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quảng bá du lịch.
Phó giám đốc Sở VH-TTDL tỉnh Bình Phước Đỗ Minh Trung cho biết, Bình Phước đang tập trung chuẩn bị cho hội nghị sơ kết 2 năm liên kết phát triển vùng Đông Nam bộ. Đây là dịp để các địa phương nhìn lại quá trình phát triển, rút ra những kinh nghiệm cũng như đưa ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của mình để tiếp tục có những sản phẩm liên kết phát triển trong thời gian tới.
Ông Trung chia sẻ: “Chương trình liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ 2 năm qua đã mang lại cho các địa phương nhiều thuận lợi về phát triển du lịch. Đặc biệt, ngoài những sản phẩm du lịch được tổ chức, các tỉnh, thành Đông Nam bộ còn được đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông liên tỉnh, xuyên quốc gia, hình thành các tour, tuyến du lịch mang đậm nét đặc sắc của vùng Đông Nam bộ. Tôi hy vọng, thời gian tới, những thế mạnh về du lịch của các địa phương sẽ tiếp tục được kết nối, mở rộng, tạo thị trường du lịch chuyên nghiệp, đặc sắc phục vụ du khách trong nước cũng như quốc tế”.
Để kết nối, phát triển du lịch cùng các tỉnh, thành Đông Nam bộ, thời gian qua, Đồng Nai đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động liên kết, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch, đặc sản của địa phương tại các chương trình, sự kiện lớn về du lịch như: tham gia các hội chợ triển lãm về du lịch, lễ hội bánh dân gian (TP,Cần Thơ), hội chợ ITE tại TP.HCM… Trong đó, hỗ trợ cho một số đơn vị kinh doanh du lịch (Làng bưởi Tân Triều, Resort Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên…) giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến các du khách và doanh nghiệp trong nước, ngoài nước. Đặc biệt, trong năm 2022, Sở VH-TTDL đã phối hợp với Sở Ngoại vụ và các đơn vị liên quan tổ chức cho Văn phòng đại diện Gyeongnam (Hàn Quốc) tại TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM khảo sát một số điểm du lịch tại Đồng Nai như: Bảo tàng Đồng Nai, Làng bưởi Tân Triều, gốm Biên Hòa và Khu du lịch Sơn Tiên… |
Thủy Mộc