Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội địa phương, UBND H.Định Quán đã đề xuất chủ trương khai thác thế mạnh hai bên cầu La Ngà trở thành điểm dừng chân, bày bán các sản phẩm đặc sản địa phương.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội địa phương, UBND H.Định Quán đã đề xuất chủ trương khai thác thế mạnh hai bên cầu La Ngà trở thành điểm dừng chân, bày bán các sản phẩm đặc sản địa phương.
Ngắm làng cá bè từ cầu La Ngà. Ảnh: Thủy Mộc |
Cầu La Ngà nối liền quốc lộ 20, bắc qua sông La Ngà, nằm trên địa bàn 2 xã La Ngà và Phú Ngọc. Từ nhiều năm nay, hai bên đầu cầu La Ngà trở thành điểm dừng chân và bán các loại đặc sản lòng hồ Trị An.
* “Chợ” đặc sản hồ Trị An
Là khách thường xuyên của “chợ” đặc sản với nhiều loại cá được nuôi và đánh bắt từ hồ Trị An như: các loại cá tươi và khô được làm tại chỗ (cá lăng, cá lóc, diêu hồng…), anh Nguyễn Hồng Đăng (ngụ Q.1, TP.HCM) cho biết, mỗi tháng anh đi công tác tại H.Tân Phú một lần, khi trở về nhà, anh đều dừng chân khu vực cầu La Ngà để mua các loại cá mang về cho gia đình dùng.
Theo anh Đăng, các loại cá tươi sống mua tại đây thường có vị thơm ngon hơn khi thưởng thức vì được bảo quản tươi sống khi về đến nhà. “Cá được người bán bơm oxy vào bọc ny-lông lớn, đủ thời gian để về đến nhà vẫn còn tươi sống nên thịt ngọt, thơm hơn cá làm sẵn ướp đá. Các loại cá khô cũng được làm sạch từ cá tươi nên có thể làm đồ ăn cơm hoặc đãi khách đều hợp. Khách quen đến nhà tôi khi dùng bữa rất ấn tượng với các món cá sông đặc sản của hồ Trị An” - anh Đăng chia sẻ thêm.
Đúng như chia sẻ của anh Đăng, dạo quanh khu vực cầu La Ngà, những quầy bán cá hai bên đầu cầu luôn có khách đường xa ghé thăm. Chị Trần Thị Hồng, chủ một quầy cá tại cầu La Ngà cho biết khách ghé đông nhất vào khoảng thời gian buổi chiều, khi các chuyến xe về từ Đà Lạt ngang qua sẽ dừng lại để mua đặc sản về làm quà. Để níu chân du khách, những quầy hàng bán giá vừa phải, không có tình trạng chặt chém khách lạ và khâu đóng gói bảo quản cá tươi được làm chu đáo nên nhiều khách rất thích.
Chị Hồng Tâm sự: “Chúng tôi phải giữ uy tín vì đây là nghề của chúng tôi từ hàng chục năm nay. Cá nuôi từ làng bè, các cơ sở làm cá khô cũng ngay cạnh làng bè nên bảo đảm được độ tươi ngon của cá, do đó rất được du khách, người đi đường và cả người dân địa phương ưa chuộng”.
* Mở rộng kênh khai thác
Không chỉ là điểm bán đặc sản hồ Trị An có tiếng, khu vực cầu La Ngà còn được biết đến từ hàng chục năm nay với địa thế, cảnh sắc sông nước rất đẹp. Ngay dưới sông La Ngà khu vực cầu là hàng trăm hộ dân nuôi cá bè đậu thành hàng uốn lượn theo địa hình tự nhiên của dòng sông. Sự vô tình này đã tạo nên những điểm nhấn ấn tượng về cảnh quan nên rất nhiều đoàn khách du lịch đã dừng chân để chụp hình, ngắm cảnh…
“Chợ” đặc sản hồ Trị An phía bên đầu cầu La Ngà. Ảnh: Thủy Mộc |
Theo đánh giá của UBND H.Định Quán, cầu La Ngà rất có tiềm năng khai thác phát triển dịch vụ thương mại, du lịch. Với đặc thù tồn tại hàng chục năm nay, cùng với những đặc sản bày bán hai bên đầu cầu, vừa qua UBND huyện đã đề xuất lên tỉnh cho chủ trương đầu tư, xây dựng và khai thác hai bên đầu cầu. Nếu được chấp thuận, hai bên đầu cầu La Ngà sẽ trở thành điểm bán các đặc sản, sản phẩm nông nghiệp địa phương, các sản phẩm được chứng nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của H.Định Quán, cũng như của các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
Trưởng phòng NN-PTNT H.Định Quán Vũ Mạnh Dương cho biết, nếu chủ trương khai thác hai bên đầu cầu được triển khai, đây sẽ trở thành điểm dừng chân cho khách du lịch từ TP.HCM, Lâm Đồng và các tỉnh lân cận. Quan trọng hơn, đây sẽ là nơi tiêu thụ sản phẩm OCOP nhiều triển vọng, tạo đầu ra ổn định cho các nông sản địa phương.
Tại buổi làm việc với UBND H.Định Quán về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng của năm 2022 của Định Quán, Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG nhận định, Định Quán có 2 con sông Đồng Nai và La Ngà có cảnh quan đẹp, cần khai thác hết thế mạnh. Nếu các gian hàng OCOP được mở ra như kế hoạch của huyện sẽ thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn. Do đó, chính quyền địa phương cần vận động, hướng dẫn người dân đăng ký nhiều hơn các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, huyện cần xây dựng phương án phát triển hai bên đầu cầu La Ngà để đề xuất lên tỉnh xem xét. Tận dụng hai bên cầu La Ngà là 2 điểm bán sản phẩm OCOP, trở thành điểm dừng chân ý nghĩa cho các đoàn khách di chuyển từ Đà Lạt, TP.HCM, có thể bán các sản phẩm OCOP của tỉnh chứ không phải chỉ của huyện. Mô hình này rất có tiềm năng, cần sớm triển khai. Bên cạnh đó, huyện cần chú ý, ngoài khai thác các thế mạnh, rà soát những khu vực tiềm năng để cập nhật quy hoạch phát triển hạ tầng, đô thị phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện trong những năm tiếp theo. |
Thủy Mộc