Đơn vị tư vấn đã chính thức đề xuất phương án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 21 ngàn tỷ đồng theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).
Đơn vị tư vấn đã chính thức đề xuất phương án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 21 ngàn tỷ đồng theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).
Đường vành đai 4 - TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh có điểm cuối tuyến là vị trí trước mố cầu Thủ Biên (xã Tân An, H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Phạm Tùng |
* Đề xuất các phương án hướng tuyến
Đường vành đai 4 - TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2011. Tuyến đường này sẽ đi qua địa bàn 5 tỉnh thành phố bao gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An.
Để triển khai thực hiện dự án, tháng 9-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có văn bản giao các địa phương liên quan làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án (thành phần) của đường vành đai 4 - TP.HCM.
Đường vành đai 4 - TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh có chiều dài khoảng 45km với điểm đầu tuyến nằm trên địa bàn H.Cẩm Mỹ và điểm cuối tuyến thuộc địa phận H.Vĩnh Cửu.
Để thực hiện đầu tư, mới đây, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GT-VT (TEDI), đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án hướng tuyến của dự án. Theo TEDI, hướng tuyến của dự án cơ bản bám theo hướng tuyến quy hoạch chi tiết và hành lang quy hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2021. Cụ thể, đường vành đai 4 -TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh từ điểm đầu tuyến thuộc địa phận xã Xuân Đường, H.Cẩm Mỹ sẽ đi về phía Đông hồ Bàu Cạn. Tuyến tiếp tục đi lên phía Bắc về phía khu dân cư Thừa Đức rồi tiếp tục đi trùng với hướng tuyến hương lộ 10. Tuyến tiếp tục đi lên phía Bắc qua địa phận các xã Trung Hòa, Tây Hòa của H.Trảng Bom. Tại khu vực giao cắt với quốc lộ 1 tuyến tiếp tục đi về hướng Tây Bắc qua các xã Sông Trầu, Bình Minh, Bắc Sơn của H.Trảng Bom và xã Tân An, H.Vĩnh Cửu. Điểm cuối tuyến là vị trí trước mố cầu Thủ Biên.
Trên cơ sở các quy hoạch liên quan đã được phê duyệt và hiện trạng phát triển khu vực dự án, đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án hướng tuyến tại một khu vực có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn đi qua địa phận xã Tây Hòa, H.Trảng Bom.
Cụ thể, phương án 1, hướng tuyến sẽ đi theo quy hoạch đường vành đai 4 -TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011 và quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2021. Đối với phương án 2, hướng tuyến đi theo quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Phương án 3, hướng tuyến đi theo quy hoạch sử dụng đất của địa phương có xem xét điều chỉnh cục bộ để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng.
Theo đơn vị tư vấn, đối với phương án 1 và 2, dù phù hợp với các quy hoạch nhưng khối lượng giải phóng mặt bằng phát sinh lớn. trong khi đó, phương án 3 được đề xuất để hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng.
Theo ông Đỗ Ngọc Nam, Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom, địa phương đề xuất thực hiện theo phương án 2. Bởi quy hoạch dự án đã được công khai đến người dân. Việc thay đổi hướng tuyến khác quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Cùng quan điểm này, Giám đốc Sở GT-VT Lê Quang Bình cho rằng, hướng tuyến cần thực hiện theo quy hoạch đã có. Việc điều chỉnh hướng tuyến chưa chắc chắn sẽ giảm được tổng mức đầu tư.
Về các đề xuất hướng tuyến của dự án, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục rà soát, nghiên cứu các phương án 2 và 3. “Mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm nên đơn vị tư vấn cần rà soát thêm để đưa vào báo cáo giữa kỳ. Đối với phương án 3, địa phương cần rà soát khả năng khai thác quỹ đất hai bên đường” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu.
* Hạn chế phá bỏ các hạng mục đã đầu tư trong giai đoạn đầu
Bên cạnh đề xuất hướng tuyến, đơn vị tư vấn đề xuất 2 phương án về quy mô đầu tư giai đoạn 1 dự án gồm: phương án 4 làn xe cao tốc, đường gom và phương án 4 làn xe cao tốc hạn chế (không có làn dừng khẩn cấp) và đường gom.
Căn cứ vào kết quả dự báo nhu cầu vận tải trên tuyến, trong 2 phương án trên, đơn vị tư vấn đề xuất thực hiện đầu tư xây dựng 4 làn đường cao tốc hạn chế và hệ thống đường gom tại các vị trí dân cư đảm bảo lưu thông thuận lợi trong giai đoạn 1 của dự án. Giai đoạn hoàn thiện sẽ đầu tư hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc cùng hệ thống đường song hành theo quy hoạch đã được duyệt.
Trước đề xuất này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đề nghị đơn vị tư vấn đánh giá lại quy mô đầu tư theo phương án 4 làn đường cao tốc hoàn chỉnh có phù hợp với hình thức đầu tư PPP không. Về phía địa phương, vẫn “nghiêng” về phương án đầu tư 4 làn cao tốc hoàn chỉnh.
Đối với đoạn đường vành đai 4 - TP.HCM đi trùng với hương lộ 10 đã được Đồng Nai đầu tư xây dựng, đơn vị tư vấn kiến nghị xem xét chỉnh hướng tuyến so với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Theo đó, hướng tuyến sẽ đi lệch về phía bên phải để tận dụng tối đa hương lộ 10 (hương lộ 10 sẽ làm đường gom song hành), xây dựng đường cao tốc đi song song phía Đông Bắc của hương lộ 10. Với phương án này, phạm vi giải phóng mặt bằng giai đoạn hoàn chỉnh sẽ bị lệch khỏi ranh quy hoạch sử dụng đất của địa phương khoảng 10m.
Theo Giám đốc Sở GT-VT Lê Quang Bình, trước đây, khi đầu tư hương lộ 10, địa phương xác định trùng hướng với đường vành đai 4 - TP.HCM. Do đó, với đoạn tuyến dài khoảng 6km đi trùng, phương án hướng tuyến phải lấy “tim” hương lộ 10 cho đường vành đai 4 - TP.HCM và không dịch tuyến để hương lộ 10 trở thành đường song hành.
Cũng theo ông Lê Quang Bình, trong giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng 4 làn xe cao tốc nên đơn vị tư vấn cần so sánh sẽ xây dựng từ giữa tim đường ra hay lệch về một bên tim đường. “Trong giai đoạn 1, ngoài đầu tư đường, còn đầu tư các hạng mục đảm bảo an toàn giao thông như: đèn chiếu sáng, thoát nước, cây xanh. Do đó, cần có sự so sánh để tới giai đoạn hoàn thiện 8 làn xe sẽ hạn chế thấp nhất việc phá bỏ các hạng mục đảm bảo an toàn giao thông đã được đầu tư” - ông Lê Quang Bình đề nghị.
Đồng thuận với đề nghị này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu đơn vị tư vấn rà soát kỹ phương án xây dựng ở giữa ra hai bên hay lệch một bên trong giai đoạn đầu dự án. “Làm thế nào để sau này - khi mở rộng lên quy mô hoàn chỉnh - thì tránh phải phá bỏ đi những hạng mục đã được đầu tư xây dựng” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh.
Với đề xuất quy mô xây dựng, đơn vị tư vấn đề xuất quy mô giải phóng mặt bằng với mặt cắt ngang rộng 74m. Tuy nhiên, về phía Đồng Nai, địa phương yêu cầu thực hiện giải phóng mặt bằng với quy mô mặt cắt ngang 121mtheo quy hoạch để phục vụ phát triển về sau. |
Phạm Tùng