Hệ thống phân phối hiện đại, các siêu thị, trung tâm thương mại là kênh rất quan trọng để đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Tiềm năng rất lớn nhưng các doanh nghiệp (DN) địa phương, nhất là các DN khởi nghiệp ngành tiêu dùng nhanh, thực phẩm, rất khó tìm được một chỗ đứng.
Hệ thống phân phối hiện đại, các siêu thị, trung tâm thương mại là kênh rất quan trọng để đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Tiềm năng rất lớn nhưng các doanh nghiệp (DN) địa phương, nhất là các DN khởi nghiệp ngành tiêu dùng nhanh, thực phẩm, rất khó tìm được một chỗ đứng.
Sản phẩm của Đồng Nai được kết nối, đưa vào hệ thống siêu thị. Ảnh: V.Gia |
Tại Đồng Nai, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức các chương trình hỗ trợ, kết nối DN với hệ thống siêu thị, kênh bán lẻ nhưng kết quả mới chỉ ở bước đầu.
* Siêu thị cần DN kiên nhẫn
Công ty CP Chăn nuôi bò và chế biến sữa Đồng Nai (H.Long Thành) chuyên sản xuất các loại bánh kẹo từ sữa. Bà Nguyễn Thị Thanh Thanh, Giám đốc công ty cho hay sản phẩm của DN chủ yếu cung ứng cho các điểm bán hàng lưu niệm cho khách du lịch. Là sản phẩm đặc sản của địa phương nên DN cũng mong muốn mở rộng khâu phân phối, đưa hàng hóa vào siêu thị. Khi đưa được hàng vào siêu thị để bày bán, DN sẽ có điều kiện để xây dựng thương hiệu, phát triển kế hoạch dài hơi của mình, nhưng hiện tại vẫn chưa được như mong muốn.
Tương tự, Giám đốc thương hiệu nước chấm Hoa Sen (TP.Long Khánh) Trần Trí Dũng cho biết, hiện tại đơn vị đã có các cơ sở sản xuất ở Đồng Nai, Bình Thuận, Gia Lai. Mỗi ngày, các cơ sở nước chấm Hoa Sen đưa ra thị trường hàng tấn sản phẩm nước chấm các loại, đơn vị đã ứng dụng khoa học để chuẩn hóa về chất lượng nhưng vẫn giữ được trọn vẹn hương vị truyền thống.
Theo ông Dũng, công ty đang phân phối rất tốt ở các kênh truyền thống trong tỉnh, miền Tây Nam bộ, miền Trung... Vấn đề là để đưa DN phát triển lên ở mức cao mới, định vị thương hiệu cần phải đưa được hàng hóa vào chuỗi phân phối hiện đại. Nhưng việc đưa hàng vào phân phối trong kênh siêu thị vẫn chưa được như mong muốn.
“Chúng tôi tự tin về chất lượng sản phẩm của mình và cũng rất mong muốn được hợp tác, bày bán hàng hóa ở các khâu phân phối hiện đại, nhất là ở siêu thị. Tuy nhiên, với các DN nhỏ và vừa, các thủ tục, hồ sơ... cũng chưa thể nắm hết. Do vậy trong quá trình này, không chỉ Hoa Sen, mà các đơn vị khác cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các siêu thị.
Về vấn đề này, Phó giám đốc Siêu thị Coopmart Biên Hòa Hoàng Thị Tố Uyên cho rằng, để đưa hàng hóa vào siêu thị, vấn đề mấu chốt là các DN phải kiên nhẫn. Siêu thị đã làm việc với nhiều DN về vấn đề này nhưng rất ít DN “đi được đến cùng”.
“Rất nhiều DN khi làm hồ sơ, thủ tục đến 2/3 chặng đường thì lại ngừng, không làm nữa. Nguyên tắc để vào siêu thị là các sản phẩm phải được kiểm nghiệm và theo từng chu kỳ phải kiểm tra. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ hết sức trong công tác thẩm định, vấn đề là DN phải kiên nhẫn theo đuổi đến cùng. Vào được siêu thị, sản phẩm của DN sẽ có sự điều tiết của hệ thống, tạo điều kiện phát triển bền vững chứ không bấp bênh như bên ngoài” - bà Uyên nói.
* Hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm khởi nghiệp vào siêu thị
Để hỗ trợ, đưa sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) địa phương với kênh siêu thị, Đồng Nai đã thực hiện các chương trình kết nối.
Ngày 27-7, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Công ty TNHH MM Mega Market tổ chức chương trình giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai tại siêu thị của công ty ở TP.Biên Hòa. Đây là lần đầu tiên đơn vị thực hiện chương trình kết nối, giới thiệu và bán sản phẩm tại Mega Market Biên Hòa. Mục đích nhằm hỗ trợ nông dân, HTX, DN quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm của tỉnh.
Dù chỉ diễn ra trong hơn nửa tháng, song thông qua chương trình cũng góp phần giải quyết đầu ra đối với các sản phẩm đạt chuẩn OCOP tỉnh Đồng Nai, giảm khâu trung gian để sản phẩm tốt, đặc sản địa phương dễ dàng đến tay người dùng với giả cả hợp lý. Điều quan trọng là giới thiệu được với người tiêu dùng các sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa của địa phương và là bước đầu để DN tiếp cận, làm việc với các chuỗi phân phối.
Tiếp đó, ngày 22-9, Sở Công thương đã tổ chức hội thảo giải pháp kết nối sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị và các kênh phân phối trên địa bàn. Tại hội nghị này, những vấn đề vướng mắc liên quan đến việc đưa hàng hóa vào siêu thị đã được các bên cùng bàn thảo, tìm hướng tháo gỡ.
Theo Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong, Đồng Nai là địa phương có đông DN hoạt động, với nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP. Khi đạt được chứng nhận của tỉnh là điều kiện thuận lợi bước đầu có thể hợp tác được với hệ thống phân phối hiện đại. Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp, sản phẩm OCOP trong công tác xúc tiến thương mại, truyền thông. Từ đó, tạo điều kiện để sản phẩm của địa phương thâm nhập vào các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm.
Văn Gia