Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ gặp khó

07:09, 14/09/2022

Cũng như nhiều mặt hàng xuất khẩu khác, đứng trước tác động của tình hình thế giới, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ đang gặp khó khăn.

Cũng như nhiều mặt hàng xuất khẩu khác, đứng trước tác động của tình hình thế giới, các doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) đang gặp khó khăn. Đơn hàng những tháng gần đây sụt giảm, DN, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động cầm chừng và đối mặt với nhiều vấn đề cùng lúc.

Truy xuất nguồn gốc xuất xứ đang là khó khăn của ngành sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Trong ảnh: Sản xuất tại Cơ sở Mây tre lá Thanh Bình, H.Thống Nhất. Ảnh: V.Gia
Truy xuất nguồn gốc xuất xứ đang là khó khăn của ngành sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Trong ảnh: Sản xuất tại Cơ sở Mây tre lá Thanh Bình, H.Thống Nhất. Ảnh: V.Gia

Bên cạnh đó, do đặc thù ngành hàng nên việc đáp ứng tiêu chí về xuất xứ nguồn gốc sản phẩm TCMN cũng không dễ dàng. Trong bối cảnh đó, nhiều DN đang tích cực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và khai thác tốt hơn thị trường trong nước.

* Thị trường xuất khẩu ảm đạm

Cơ sở Sản xuất TCMN Trần Lê Nguyễn của ông Nguyễn Trần Vương ở xã Xuân Định (H.Xuân Lộc) chuyên sản xuất các sản phẩm từ lục bình, lá buông để xuất khẩu. Trong thời điểm sản xuất ổn định, cơ sở này mỗi tháng cung ứng gần 1 ngàn sản phẩm gia công cho đối tác xuất khẩu qua các thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên gần đây, đơn hàng của đối tác bị giảm lại, từ đó kéo theo công việc sản xuất của đơn vị cũng chịu tác động.

“Thời gian gần đây, dù vẫn có hàng xuất ra nhưng sản lượng ít hơn hẳn so với khi sản xuất ổn định. Thiếu đơn hàng, chúng tôi buộc phải cho nhân công sản xuất cầm chừng, bởi sản phẩm làm ra tồn kho còn nhiều. Là cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, những đơn vị công nghiệp nông thôn như chúng tôi phụ thuộc nhiều vào đối tác, DN lớn nên chưa có giải pháp ổn thỏa trước mắt” - ông Vương chia sẻ.

Tương tự, chủ Cơ sở Mây tre lá Thanh Bình (đóng chân trên địa bàn xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) Nguyễn Văn Hào cho hay, cuộc xung đột Nga - Ukraine, mức lạm phát cao tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các thị trường lớn trên thế giới, trong đó có Mỹ và châu Âu, đã khiến cho các ngành xuất khẩu bị ảnh hưởng. Khi hàng hóa trở nên đắt đỏ, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm không thiết yếu sẽ giảm, việc này dẫn đến tồn kho sản phẩm tại các thị trường, các nhà nhập khẩu sẽ hạn chế mua hàng. Các sản phẩm TCMN không phải là mặt hàng thiết yếu nên giai đoạn này, tương tự sản phẩm gỗ, lượng hàng xuất ra sụt giảm mạnh. Đơn hàng mới chậm được ký kết trong khi lượng hàng tồn cũng chưa giải phóng hết, gây khó khăn cho các đơn vị sản xuất.

Theo ông Hào, các sản phẩm của cơ sở được cung ứng cho nhiều DN, đối tác để phục vụ xuất khẩu ra thị trường thế giới. Phần còn lại, cơ sở tiêu thụ trong nước với các thị trường trọng điểm là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương cũng như các tỉnh, thành phát triển du lịch, các khu du lịch, resort. Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, đơn vị tìm đường gia tăng cung ứng cho thị trường trong nước, nhưng sản lượng và quy mô chỉ ở mức duy trì sản xuất.

Một DN khác chuyên sản xuất đèn trang trí mỹ nghệ ở Biên Hòa sau khi gặp khó khăn từ thị trường Âu - Mỹ cũng đang từng bước đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Theo chủ DN này, ông đang có chuyến làm việc tại thị trường Australia để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang đây. Trong những năm tới, việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài những thị trường truyền thống cũng là giải pháp để ứng phó với việc đứt gãy nguồn hàng khi có khó khăn xảy ra.

* Cần chú trọng xuất xứ nguyên liệu

Một vấn đề nữa đối với ngành TCMN Việt Nam là thách thức gặp phải trong truy xuất nguồn gốc. Nếu các mặt hàng không đáp ứng được những yêu cầu từ đối tác thì sẽ không thể đưa vào thị trường châu Âu, Mỹ vì đây là những thị trường xuất khẩu trọng điểm và có đòi hỏi khắt khe. Trong khi đó, chất lượng, mẫu mã sản phẩm của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn nhiều hạn chế.

Chủ Cơ sở Mộc mỹ nghệ Thành Nhân (ở H.Trảng Bom) Nguyễn Thành Nhân cho hay, sản phẩm mộc mỹ nghệ đang phải chịu cạnh tranh gay gắt với Indonesia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc… Do nguồn lực hạn chế và kinh nghiệm trên thị trường thế giới thiếu nên việc phải xuất khẩu qua trung gian cũng khiến cho thu nhập của các đơn vị sản xuất bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Hào cho biết thêm, vấn đề truy xuất nguồn gốc đang khiến đơn vị gặp khó. Các thị trường trọng điểm và các đối tác đều đã gia tăng yêu cầu chứng nhận nguồn gốc cho sản phẩm của đơn vị. Tuy nhiên, có một vấn đề là ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) vì không có đủ hóa đơn chứng từ. Có những đơn vị lớn về thương mại điện tử đặt vấn đề hợp tác với cơ sở nhưng do không đáp ứng được nên phải tiếp tục chờ đợi.

Hiện nay, quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm TCMN của nước ta còn những hạn chế. Các DN địa phương đang gặp khó khăn trong việc thực hiện truy xuất hàng hóa của họ. Chuỗi cung ứng nguyên liệu có quá nhiều nhà cung cấp nhỏ và hộ gia đình không có hóa đơn đầu vào hợp lệ. Để có thể phát triển lâu dài, bền vững, bài toán hiện nay của các đơn vị sản xuất là phải cập nhật để hòa mình vào cuộc chơi với thị trường thế giới. DN trong nước cần đảm bảo tuân thủ triệt để các quy định của thị trường quốc tế, đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp của nguyên liệu nếu không muốn bỏ lỡ các cơ hội.

Văn Gia

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích