Việt Nam là nước có nhiều ưu thế để đón sóng dịch chuyển đầu tư trên thế giới; các doanh nghiệp có nhiều cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đứt gãy chuỗi cung ứng do nhiều tác động từ tình hình căng thẳng ở một số nơi trên thế giới, dịch bệnh... đã làm cho kinh tế thế giới đang có sự dịch chuyển giữa các quốc gia, khu vực. Việt Nam là nước có nhiều ưu thế để đón sóng dịch chuyển đầu tư; các doanh nghiệp (DN) có nhiều cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sản xuất tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Huy Anh |
Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội vẫn còn phải vượt qua rất nhiều rào cản, đòi hỏi chính sách phù hợp từ cơ quan quản lý nhà nước lẫn sự nỗ lực tự thân của các DN.
* Cơ hội đón sóng dịch chuyển
Thời kỳ hậu Covid-19, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng diễn ra ngày càng mạnh mẽ, nhất là khu vực đang phát triển sôi động như châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam là một trong những điểm đến được coi trọng.
Đơn cử như đến hiện tại, Tập đoàn Công nghệ Apple đã chuyển 11 nhà máy thuộc chuỗi cung ứng từ các DN Đài Loan sang Việt Nam. Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương với dự án quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD. Hay như Tập đoàn Đa quốc gia Techtronic Industries (TTI), chuyên các sản phẩm thiết bị điện và gia dụng, với 12 nhà máy trên toàn cầu, 76% sản phẩm cung cấp cho thị trường Hoa Kỳ, Bắc Âu cũng đang triển khai dự án đầu tư 650 triệu USD vào Khu công nghệ cao TP.HCM. Tương tự, nhiều tập đoàn khác như: Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng quy mô sẵn có tại Việt Nam.
Khảo sát năm 2021 của Jetro cho thấy, 55,3% DN Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn mở rộng quy mô kinh doanh, tỷ lệ cao nhất khu vực ASEAN. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, nhất là sau khi dịch bệnh lắng xuống, Việt Nam đã và đang được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về tiềm năng phát triển và sự ổn định của mình.
Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Đồng Nai và khu vực Đông Nam bộ. Hàn Quốc đang đầu tư vào Đồng Nai với 426 dự án và vốn đăng ký trên 7 tỷ USD. Các DN Hàn Quốc đa số đầu tư vào những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp để sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị máy móc, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, giày dép, xơ sợi dệt.
Theo ông Phil Kym Choi, chuyên gia quản lý DN nhỏ và vừa, Giám đốc khối DN Hàn Quốc tại Việt Nam, các nước Đông Nam Á nói chung, trong đó có Việt Nam, được chú trọng để đặt nhà máy của DN trong quá trình chuyển dịch sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu. Phía sau sự dịch chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu là hàng loạt các cơ hội cần được đánh giá để chính quyền địa phương, cộng đồng DN nắm bắt xây dựng chính sách mới; chuyển hướng đầu tư, tái cơ cấu lại chiến lược, bộ máy.
* Chủ động để tham gia chuỗi cung ứng
Việc dịch chuyển sản xuất của các DN, tập đoàn lớn vào nước ta đã tạo cơ hội cho các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sản xuất công nghiệp cơ khí, hỗ trợ tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa đang tìm cách tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới. Ảnh: Văn Gia |
Theo ông Đỗ Minh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí và công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries, thuộc Tập đoàn Trường Hải - THACO), THACO Industries sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ sản xuất, tập trung phát triển nhanh và đa dạng các sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng, đẩy mạnh liên doanh liên kết với các đối tác trong và ngoài nước. Tập đoàn sẽ đầu tư 2 khu công nghiệp ở phía Bắc và phía Nam theo mô hình khu công nghiệp chuyên ngành thế hệ mới nhằm tối ưu hiệu quả sản xuất trên toàn chuỗi giá trị, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần tạo nên cơ hội kinh doanh mới. Đầu tư mạnh mẽ của THACO cũng tạo cơ hội cho các DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của mình để hợp tác được với nhiều hãng ô tô nổi tiếng như: Kia, Mazda, Peugeot...
Cơ hội đón sóng là lớn song theo các DN, vẫn còn nhiều việc phải làm. Thực tế mặt bằng chung các DN công nghiệp của Việt Nam đa số còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị, bị đứt gãy chuỗi cung ứng do phụ thuộc vào thị trường thế giới nhiều biến động.
Việt Nam hiện có khoảng 2 ngàn DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 DN tham gia vào chuỗi cung ứng. Tại Đồng Nai, một trong những đơn vị đã bước đầu tham gia được vào chuỗi cung ứng là Công ty TNHH Tương Lai (H.Long Thành), chuyên sản xuất các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ từ nhựa cung ứng cho nhiều DN ô tô, xe máy, điện tử, điện lạnh...
Ông Trương Quốc Cường, Giám đốc công ty cho hay, để có thể được như hiện tại là một quá trình chuẩn bị dài hơi. Mặc dù so với nhiều đơn vị, quy mô của DN hiện vẫn là nhỏ và vừa. Muốn lớn lên, tham gia vào chuỗi cung ứng bắt buộc phải đổi mới mình, nâng cao năng suất, công nghệ, đào tạo nhân lực và tích cực tìm kiếm đối tác... Trong quá trình ấy, DN rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước.
Với Đồng Nai, để đón sóng đầu tư, thời gian qua tỉnh đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của mình. Một trong những giải pháp đang được đẩy nhanh đó là tiếp tục hình thành thêm các khu công nghiệp, tạo quỹ đất cho nhà đầu tư, thu hút vốn, công nghệ cao, có nhu cầu về hàng phụ trợ nội địa. Bên cạnh đó, với sự phát triển từ hạ tầng, đặc biệt là sức hút của sân bay quốc tế Long Thành, ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến tìm hiểu cơ hội làm ăn tại địa phương. |
Văn Gia