Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần thêm hàng ngàn ha đất phát triển khu công nghiệp

08:09, 15/09/2022

Giữa diện tích đất được phân bổ theo chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 so với nhu cầu thực tế, giai đoạn này, Đồng Nai vẫn cần thêm hàng ngàn ha đất phát triển khu công nghiệp (KCN).

Giữa diện tích đất được phân bổ theo chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 so với nhu cầu thực tế, giai đoạn này, Đồng Nai vẫn cần thêm hàng ngàn ha đất phát triển khu công nghiệp (KCN).

So với chỉ tiêu được phân bổ, Đồng Nai cần thêm hàng ngàn ha đất khu công nghiệp để đáp ứng đủ nhu cầu Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú (H.Nhơn Trạch). Ảnh: P.Tùng
So với chỉ tiêu được phân bổ, Đồng Nai cần thêm hàng ngàn ha đất khu công nghiệp để đáp ứng đủ nhu cầu Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú (H.Nhơn Trạch). Ảnh: P.Tùng

* Thiếu hơn 4,7 ngàn ha đất

Hiện nay, hàng loạt dự án hạ tầng lớn của trung ương cũng như của tỉnh đang được triển khai thực hiện. Do đó, thời gian tới, việc kết nối giữa Đồng Nai và các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ thuận tiện hơn. Điều này cũng sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn của Đồng Nai trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là trên lĩnh vực công nghiệp.

Theo Sở KH-ĐT, ngày 9-3-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326 về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có phân bổ chỉ tiêu đất KCN theo kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 cho Đồng Nai là hơn 12,4 ngàn ha và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 là hơn 18,5 ngàn ha.

Theo Sở KH-ĐT, các địa phương như: Biên Hòa có 6 KCN với diện tích hơn 1,6 ngàn ha (KCN Biên Hòa 1 có diện tích hơn 300ha đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa ra khỏi quy hoạch KCN); Long Thành có 9 KCN với diện tích hơn 5,7 ngàn ha (năm 2020, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung các KCN Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp và Phước Bình 2); Nhơn Trạch có 10 KCN với diện tích hơn 3,6 ngàn ha và Trảng Bom có 4 KCN với diện tích khoảng 2 ngàn ha. Tại các địa phương này, số lượng KCN nhiều đã dẫn đến sự quá tải đối với hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, thiết chế văn hóa…).

UBND tỉnh sau đó đã có văn bản chỉ đạo về việc phối hợp thực hiện phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao Sở KH-ĐT phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tính toán diện tích đất KCN trên địa bàn tỉnh, đề xuất phân bổ chỉ tiêu đất KCN và phương án bổ sung KCN, xác định nhu cầu bổ sung hạ tầng xã hội phục vụ KCN để tham mưu, trình UBND tỉnh báo cáo Ban TVTU cho ý kiến trước khi triển khai thực hiện theo quy định.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên, tháng 4-2022, đơn vị đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Theo đó, nhu cầu đề xuất của các địa phương trên địa bàn tỉnh về quy hoạch đất KCN là hơn 23,3 ngàn ha.

Như vậy, so với diện tích đất KCN được Chính phủ phân bổ chỉ tiêu, nhu cầu thực tế về đất phát triển KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, Đồng Nai vẫn cần thêm hơn 4,7 ngàn ha đất dành cho phát triển KCN.

* Giảm chênh lệch về phát triển công nghiệp

Theo Sở KH-ĐT, với chỉ tiêu sử dụng đất KCN được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh đến năm 2030 là hơn 18,5 ngàn ha cộng với phần diện tích đất KCN đã được phân bổ đến năm 2020 khoảng 7 ngàn ha thì cả giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai sẽ không còn chỉ tiêu đất KCN để bổ sung mới, mở rộng các KCN.

Tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 vào giữa tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, ngoài các dự án hạ tầng giao thông lớn được trung ương đầu tư, hiện trên địa bàn tỉnh, cảng Phước An đang được đầu tư xây dựng. Chính vì vậy, tiềm năng thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh trong thời gian tới là rất lớn. Tuy nhiên, việc phân bổ chỉ tiêu đất phát triển KCN đối với tỉnh như hiện nay là bất hợp lý. “Thời gian tới, hàng loạt địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ có đường cao tốc cũng như các tuyến đường mở mới mà tỉnh đầu tư đi qua. Tuy nhiên, tỉnh lại không còn chỉ tiêu đất phát triển KCN để đáp ứng nhu cầu” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ.

Từ nhu cầu thực tế, Sở
KH-ĐT đã kiến nghị UBND tỉnh giao Sở TN-MT tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phân bổ thêm chỉ tiêu sử dụng đất KCN. Sở KH-ĐT tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh đẩy nhanh việc lập phương án phát triển KCN để làm rõ việc bố trí và phân bổ chỉ tiêu KCN trên địa bàn tỉnh đảm bảo hình thành các khu kinh tế chuyên biệt, KCN sinh thái đạt hiệu quả hoạt động tốt nhất.

Theo đánh giá của Sở KH-ĐT, hiện nay khoảng cách về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương. Các KCN chủ yếu tập trung tại một số địa bàn có lợi thế như TP.Biên Hòa và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom. Do đó, trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung chỉ tiêu đất KCN, Sở KH-ĐT kiến nghị UBND tỉnh bổ sung quy hoạch phát triển KCN tại các địa phương gồm: H.Thống Nhất, H.Cẩm Mỹ, H.Xuân Lộc, H.Tân Phú, H.Định Quán và TP.Long Khánh. Đồng thời, không bổ sung các KCN tại H.Vĩnh Cửu, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch, H.Trảng Bom và TP.Biên Hòa.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều