Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) trùng lặp nhau như: bưởi da xanh, trái cây sấy, một số loại trái cây tươi khác... Đa số các sản phẩm OCOP này còn gặp nhiều khó khăn về xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi liên kết để có đầu ra bền vững nên vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, chưa trở thành thương hiệu tiêu biểu cho nông sản của tỉnh.
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) trùng lặp nhau như: bưởi da xanh, trái cây sấy, một số loại trái cây tươi khác... Đa số các sản phẩm OCOP này còn gặp nhiều khó khăn về xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi liên kết để có đầu ra bền vững nên vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, chưa trở thành thương hiệu tiêu biểu cho nông sản của tỉnh.
Bưởi OCOP của H.Vĩnh Cửu trưng bày tại hội nghị xúc tiến thương mại ở TP.Biên Hòa năm 2022. Ảnh: B.Nguyên |
Do đó, cần có cơ chế, chính sách dài hạn, hoàn thiện hơn để “nuôi lớn” những thương hiệu sản phẩm OCOP thực sự mang tầm cấp tỉnh, cấp quốc gia với kênh tiêu thụ không ngừng được mở rộng.
* Thiếu thương hiệu được nhận diện
Tính đến nay, toàn tỉnh có 111 sản phẩm OCOP nhưng có nhiều địa phương vẫn chưa đạt mục tiêu trong xây dựng được mỗi xã một sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngay cả những sản phẩm OCOP đã được công nhận chủ yếu vẫn có quy mô manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc với nhiều sản phẩm trùng lắp, chưa có thương hiệu mạnh được thị trường nhận diện.
Đồng Nai có nhiều sản phẩm OCOP cho trái bưởi nhưng vẫn chưa có một thương hiệu lớn được thị trường nhận diện. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có rất nhiều xã có sản phẩm bưởi OCOP như: bưởi da xanh Tà Lài (H.Tân Phú), bưởi da xanh H.Cẩm Mỹ. Thậm chí chỉ riêng H.Vĩnh Cửu có nhiều xã đều chọn trái bưởi da xanh, bưởi đường lá cam làm sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương mình như: bưởi da xanh, bưởi đường lá cam xã Bình Lợi, bưởi đường lá cam xã Bình Hòa, bưởi đường lá cam xã Thạnh Phú… Với trái sầu riêng, trái cây sấy cũng có nhiều cơ sở, đơn vị cùng đăng ký làm sản phẩm OCOP.
Cùng một sản phẩm trái bưởi có nhiều địa phương được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh nhưng lại chưa có sản phẩm của địa phương nào được đầu tư nâng tầm thương hiệu thật sự lớn, được thị trường nhận diện với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thật sự ổn định.
Ông Phan Văn Dẫu, chủ trang trại bưởi da xanh Quỳnh Như tại xã Trung Hòa, H.Trảng Bom đang làm chứng nhận OCOP cho trái bưởi da xanh của trang trại chia sẻ, trang trại đăng ký làm chứng nhận là sản phẩm OCOP cho trái bưởi da xanh với mục tiêu xây dựng nhãn hàng, thương hiệu riêng với kỳ vọng đầu ra cho sản phẩm trái bưởi ổn định hơn. Cây bưởi vốn thuộc tốp đầu về hiệu quả kinh tế nhưng vài năm trở lại đây, giá bưởi da xanh giảm sâu, đầu ra bấp bênh nên nông dân trồng bưởi gặp nhiều khó khăn.
Nhưng thực tế, những sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP những khó khăn trên vẫn chưa được giải quyết. Ông Phạm Thanh Ðồng, Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến (H.Cẩm Mỹ) cho biết, HTX đang có hàng chục ha bưởi đang cho thu hoạch và khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu ra cho trái bưởi. Tuy trái bưởi da xanh của HTX đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhưng còn quá mới và chưa được người tiêu dùng nhận diện.
* Cần cơ chế hỗ trợ hoàn thiện, lâu dài
Theo phản ảnh của nhiều cơ sở, chủ thể là nông dân, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tham gia chương trình OCOP, nguyên nhân nhiều sản phẩm đăng ký tham gia nhưng chưa được công nhận là sản phẩm OCOP do có vướng mắc như: yêu cầu cơ sở sản xuất phải nằm trên đất thương mại, dịch vụ trong khi đa số các chủ thể này ở các vùng nông thôn; để xây dựng được cơ sở sản xuất cần rất nhiều thủ tục, giấy phép con mà các cơ sở sản xuất tại nông thôn rất khó đáp ứng…
Bà Cao Thị Ten, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Ngọc (H.Định Quán) là một trong những chủ thể đi tiên phong tham gia chương trình OCOP của tỉnh. Sản phẩm của bà đã vào được nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị. Bà đã đổ rất nhiều vốn đầu tư cho nhãn hàng, bao bì và kiên trì đầu tư xúc tiến thương mại, nhưng để sản phẩm được người tiêu dùng nhận diện là cả quá trình lâu dài.
Theo bà Ten: “HTX gặp rất nhiều khó khăn trong hành trình tiếp cận và giữ chân khách hàng. Sau đợt dịch Covid-19, HTX hầu như phải làm lại từ đầu vì mất nhiều đơn đặt hàng từ khách quen mà tôi đã dày công kết nối trước đó. HTX hiện gặp rất nhiều khó khăn khi từng bước tiếp cận, tìm thị trường tiêu thụ cũng như để được khách hàng nhận diện. HTX rất mong sớm tiếp cận được những chính sách hỗ trợ về vốn, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chỉ ra, năm 2022, số sản phẩm đạt OCOP vẫn còn ít so với mục tiêu, kế hoạch tỉnh đặt ra. Trong đó có nguyên nhân nhiều sản phẩm đăng ký nhưng chưa đủ điều kiện để được đánh giá. Ở đây có vai trò, trách nhiệm của địa phương cũng như các sở, ngành liên quan trong hỗ trợ cho các chủ thể thực hiện có ý nghĩa quan trọng.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, việc nhân rộng các mô hình sản xuất gắn với chương trình OCOP cần xây dựng được chính sách, cơ chế hỗ trợ bài bản, liên tục. Sở NN-PTNT cần phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng chương trình hỗ trợ cho các địa phương, chủ thể trong triển khai, nhân rộng chương trình OCOP. Trong đó, chú trọng nội dung hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP. |
Bình Nguyên