Phường Phước Tân là "điểm nóng" ngập nước của TP.Biên Hòa. Mưa nhỏ thì ngập một vài khu phố, tuyến đường, còn mưa lớn thì cả phường ngập. UBND phường nhiều lần kiến nghị dự án Nạo vét suối Quan để giảm ngập nhưng đến nay giải pháp căn cơ này vẫn chưa thực hiện.
Phường Phước Tân là “điểm nóng” ngập nước của TP.Biên Hòa. Mưa nhỏ thì ngập một vài khu phố, tuyến đường, còn mưa lớn thì cả phường ngập. UBND phường nhiều lần kiến nghị dự án Nạo vét suối Quan để giảm ngập nhưng đến nay giải pháp căn cơ này vẫn chưa thực hiện.
Học sinh Trường THCS Phước Tân (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) lội nước đi học. Ảnh: L.An |
Dự án chống ngập chậm, hạ tầng thoát nước dọc các tuyến đường thiếu, đô thị hóa nhanh và rác thải là những nguyên nhân khiến tình trạng ngập nước ngày càng nặng.
* Ngập diện rộng
Ông Hồ Minh Quân (ngụ tổ 1, KP.Đồng, P.Phước Tân) cho biết nhiều ngày gia đình ông phải bì bõm ngay trong căn nhà mình, mọi sinh hoạt bị đảo lộn. “Đường sá ngập, vườn ngập, trong nhà cũng ngập. Trước đây mưa lớn chỉ ngập trong ngày là hết, nhưng đợt này cả tuần vẫn còn nước. Chúng tôi rất sốt ruột và lo lắng” - ông Quân chia sẻ.
Cùng tuyến đường với nhà ông Quân, ngày 9-9 vừa qua, dù không mưa nhưng hàng chục hộ gia đình vẫn phải lội nước vào nhà. Theo người dân, khu vực này trũng thấp, không có hệ thống mương thoát nước dọc đường, thêm vào những căn nhà xây dựng sau này đôn móng cao tránh ngập và tác động của dự án Khu dân cư An Hưng Phát đã bít lối thoát nước ra sông, dẫn đến tình trạng mưa lớn, mưa nhỏ, thậm chí không mưa cũng ngập.
Dự án Chống ngập úng khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và suối Quan được đề xuất triển khai năm 2012, nhưng thời điểm đó chưa bố trí được vốn và mặt bằng. Năm 2018, HĐND tỉnh thông qua quyết định chủ trương với kinh phí khoảng 157 tỷ đồng, dự kiến khởi công xây dựng cuối năm 2018 và hoàn thành cuối năm 2020, nhưng do vướng mặt bằng không triển khai được. Tháng 7-2021, HĐND tỉnh tiếp tục thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án Chống ngập úng khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và suối Quan tăng vốn lên 267 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, dự án tại suối Quan vẫn đang giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho người dân. |
Bà Nguyễn Thị Hải (ngụ tổ 3, KP.Miễu) chia sẻ, khu vực này từ cuối tháng 7 đến nay liên tục xảy ra ngập nước. Cao điểm mưa lớn các ngày 6 và 7-9 vừa qua, nước ngập sâu, gia đình bà phải di chuyển tài sản đi nơi khác, bị cắt điện, con phải nghỉ học.
“Khu vực dọc sông Buông, đường vào mỏ đá Tân Cang, đường dân sinh đều ngập nặng, nước chảy xiết rất nguy hiểm. Chúng tôi kiến nghị nhiều lần nhưng ngập vẫn hoàn ngập, mưa lớn đường lại biến thành sông” - bà Hải chia sẻ.
Phó chủ tịch UBND P.Phước Tân Nguyễn Hữu Sơn cho rằng, P.Phước Tân không còn ngập cục bộ mà đã trở thành ngập diện rộng. Mưa nhỏ chỉ ngập một vài khu phố, tuyến đường nhưng mưa lớn cả phường ngập nước và mức độ ngày càng nặng nề. Trong đó, các khu dân cư tổ: 3, 13, 21, 22, 24 thuộc KP.Hương Phước; tổ 29 và dọc suối Quan thuộc KP.Vườn Dừa; tổ 1, 2 của KP.Đồng và một số tổ thuộc KP.Miễu, KP.Tân Lập bình quân nước sâu ngập 50-70cm. Các trục đường có khu vực Cổng 11, đường Võ Nguyên Giáp đoạn gần Khu du lịch Vườn Xoài, quốc lộ 51 và đoạn sân golf Long Thành… cũng bị ngập nước.
Tình trạng mưa ngập đã gây ra các hệ lụy như: sạt lở tường nhà, hư hỏng thiết bị gia dụng, thiệt hại hoa màu. Bên cạnh đó, việc sinh hoạt, đi lại của người dân và học sinh bị ảnh hưởng.
Để giảm thiệt hại, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn phường đã huy động lực lượng quân sự, công an, bảo vệ dân phố, khu phố và đoàn thể trực gác tại các điểm cầu sông, suối, hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân qua lại; đồng thời, cử lực lượng đến các khu phố ngập sâu hỗ trợ nhân dân di dời tài sản đến nơi khô ráo, khi nước rút thực hiện dọn bùn đất và phun khử khuẩn.
* Dự án nạo vét suối vẫn chưa thể triển khai
Chia sẻ về nguyên nhân ngập nước ngày càng nặng, Phó chủ tịch UBND P.Phước Tân Nguyễn Hữu Sơn cho rằng, trước đây đường sá, nhà cửa còn ít, mưa nước chảy nhiều hướng và phần nhiều ngấm xuống đất, nhưng hiện nay bê tông hóa gần hết, nước dồn về suối, sông. Không chỉ nước mưa trên địa bàn phường mà nước từ các huyện: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom đổ về hạ nguồn sông Buông, nguồn nước nhiều nhưng lòng suối nhỏ hẹp, thoát nước không kịp gây ngập. Ngoài ra, hạ tầng thoát nước dọc các tuyến đường không có hoặc không đảm bảo; rác thải làm bít cống, cản trở dòng chảy và nguyên nhân quan trọng là dự án nạo vét suối giảm ngập vẫn chưa được triển khai.
“Trên địa bàn phường có dự án nạo vét và làm kè cho suối Quan đã được phê duyệt nhiều năm nhưng nay còn thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân. Đây là dự án căn cơ để giảm ngập cho phường nhưng triển khai quá chậm. Mới đây, phường đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố khảo sát 2 khu vực là hạ nguồn sông Buông nơi tiếp giáp với sông Đồng Nai và khu vực cầu suối Quan (gần Cổng 11) để có phương án nạo vét hoặc tăng khẩu độ dòng chảy giải quyết bài toán ngập nước tạm thời” - ông Sơn chia sẻ.
Đại diện lãnh đạo TP.Biên Hòa cho biết, dự án Chống ngập úng khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và suối Quan đang triển khai. Trong đó, khu vực suối Quan thuộc P.Phước Tân đang hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng để có thể thực hiện trong cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Ngoài dự án này, đối với điểm ngập mới phát sinh trên đường Võ Nguyên Giáp, thành phố đang hoàn thiện các thủ tục để trình HĐND TP.Biên Hòa thông qua, từ đó bố trí nguồn vốn để thực hiện.
Về giải pháp của P.Phước Tân đối với điểm ngập cục bộ tại khu dân cư, tuyến đường dân sinh là tổ chức dọn vệ sinh khơi thông cống rãnh, huy động nguồn lực làm hệ thống mương thoát nước dọc đường. Đồng thời, quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng hạ tầng. Yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn phường theo dõi thông tin mưa lũ và kịp thời thông báo, hỗ trợ người dân. Riêng đối với khu vực ngập gần dự án Khu dân cư An Hưng Phát, phường đã làm việc và nhà đầu tư đồng ý hỗ trợ thi công đường cống ngầm thoát nước tổ 1, 2 KP.Đồng.
Lê An