Thời gian qua, giá xăng, dầu đã giảm 4 lần liên tiếp về mức tương đương với thời điểm tháng 1-2022. Dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng trên thị trường giá của nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục "neo" ở mức cao như: giá thịt heo, cước vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, lương thực, thực phẩm…
Thời gian qua, giá xăng, dầu đã giảm 4 lần liên tiếp về mức tương đương với thời điểm tháng 1-2022. Dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng trên thị trường giá của nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục “neo” ở mức cao như: giá thịt heo, cước vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, lương thực, thực phẩm…
Giá bán lẻ nhiều loại xăng dầu giảm khá mạnh trong 4 kỳ điều chỉnh giá liên tiếp trong khoảng 1 tháng qua. Ảnh: H.Hà |
* Cần độ “trễ” nhưng… không nên trễ quá
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng nhiều mặt hàng vẫn giữ giá, neo cao dù giá xăng, dầu đã giảm nhiều lần là do một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giá giảm có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu tác động trực tiếp bởi giá xăng dầu, phải rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu giảm thời gian vừa qua.
Đại diện nhiều siêu thị trên địa bàn tỉnh cho biết, các loại thực phẩm đóng gói, dầu ăn, bột ngọt, nước mắm, hóa mỹ phẩm… là những mặt hàng chịu nhiều tác động về chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất, nhất là khi giá các loại nhiên liệu ở mức cao trong thời gian qua. Hiện nay, dù giá xăng dầu giảm nhưng để các mặt hàng nói trên điều chỉnh giá bán thì vẫn cần chờ thêm thời gian do hợp đồng cung ứng thường được điều chỉnh trong khoảng 30-40 ngày.
Bà Trần Ngọc Lan, chủ tiệm tạp hóa ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa) cho biết, giá các mặt hàng bán ra tại cửa hàng đang neo cao vì giá mua từ nhà phân phối vẫn ở mức cao. Bản thân bà cũng mong giá đầu vào giảm vì khi các công ty phân phối, nhà sản xuất giảm giá thì lúc đó người bán lẻ như bà mới hạ giá theo được.
“Hiện tại, giá cả tăng, người tiêu dùng chắt bóp chi tiêu nên sức mua thấp, tiểu thương bán chậm hơn trước. Đây là tình hình không ai mong muốn. Song để giảm giá thì vẫn cần nhiều tác động từ phía đầu vào, khả năng sẽ còn tăng kéo dài nên việc giảm giá bán là không dễ” - bà Lan chia sẻ.
Chị NGỌC OANH (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho hay: “Từ nhiều tháng nay, mỗi khi đi chợ, tôi đều phải cân đo đong đếm để tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Sau đại dịch Covid-19, mọi thứ chưa kịp phục hồi đã phải chạy theo guồng quay “bão giá” khiến gia đình tôi chật vật xoay trở nào thịt, cá, rau củ quả, dầu ăn, nước mắm, trứng gà, sữa… tất tần tật đều tăng vì giá xăng dầu tăng cao. “Bão giá” đã hiện hữu trong cuộc sống nhiều gia đình sau mỗi lần điều chỉnh giá. Vì vậy, người tiêu dùng, nhất là công nhân lao động như tôi, mong muốn giá các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm sẽ sớm được điều chỉnh, chia sẻ cho phù hợp với tình hình chung của thị trường”. |
Tại tọa đàm trực tuyến Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm: Thực trạng và giải pháp được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 4-8 vừa qua, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đồng tình với quan điểm về chu trình, độ trễ để giá cả trên thị trường giảm khi giá xăng dầu giảm. Tuy nhiên, ông cho rằng cũng có một số nguyên nhân khác. Thông thường các doanh nghiệp tính toán giá xăng dầu giảm như vậy, giả sử họ giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan thì họ lại sợ rằng, sau này tăng lên lại cực kỳ khó, người dân có khi lại phản đối, không đồng tình.
“Tôi cho rằng, đó là sự thận trọng nhưng không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là “nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống”. Tôi đồng ý có độ trễ nhưng không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay” - ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, tại tọa đàm, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GT-VT) chia sẻ, có nhiều yếu tố để hình thành nên giá thành vận tải hay là giá thành dịch vụ nói chung. Cho nên, khi có một yếu tố biến động thì những đơn vị kinh doanh phải tính toán lại. Đó là yếu tố thứ nhất khiến giá cước nhiều loại hình vận tải vẫn giữ giá, neo cao. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh cần xem xét các yếu tố tâm lý khách hàng, rồi cả các đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt, đối với vận tải, ví dụ như vận tải đường bộ, taxi…, người ta sẽ phải thực hiện kê khai giá với Sở GT-VT, rồi họ phải điều chỉnh đồng hồ tính tiền, in lại tờ niêm yết giá. Thế thì những yếu tố đó cũng có độ trễ, một khoảng thời gian nhất định.
“Tuy nhiên, chúng ta không nên trễ quá. Những việc đó đòi hỏi thời gian nhưng cũng phải kịp thời để đáp ứng nhu cầu. Khi nhiên liệu, một yếu tố chiếm đến 30-40% chi phí cấu thành, đã giảm rồi mà các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải lại chưa kịp giảm hoặc là giảm chậm thì không đúng” - ông Trần Bảo Ngọc lưu ý.
* Triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định thị trường
Hiện nay, đa phần người tiêu dùng đều “ngóng” giá các loại hàng hóa, dịch vụ giảm theo giá xăng dầu, nhất là giá cước vận chuyển, giao hàng, giá các loại thực phẩm…
Ông Hoàng Vũ (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, trước thông tin giá xăng dầu, giá gas giảm liên tiếp, ông kỳ vọng giá hàng hóa, thực phẩm sẽ giảm theo để người tiêu dùng phần nào bớt đi các chi phí. Từ đầu năm đến nay, giá bán các mặt hàng “ăn theo” giá xăng thì cũng có thể hiểu được vì giá cước vận chuyển qua nhiều khâu sản xuất, phân phối đến tay người tiêu dùng sẽ phải tăng cao. “Song hiện nay, giá xăng dầu đã giảm xuống nhưng gần như tất cả các doanh nghiệp, đơn vị đã tăng giá bán hàng hóa khi xăng lên lại chưa giảm giá bán. Vì vậy, cần sòng phẳng với người tiêu dùng khi cân đối lại giá cả, tạo sức mua ổn định, lâu dài khi giá xăng dầu đã “hạ nhiệt” - ông Vũ nói.
Tháng 7 vừa qua, Sở Công thương đã có văn bản đề nghị các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá, các trung tâm thương mại, siêu thị, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Đồng Nai chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị, đảm bảo được nguồn hàng cung cấp cho người tiêu dùng, nhất là dịp cuối năm, Tết Nguyên đán 2023 và báo cáo lượng hàng dự trữ phục vụ Tết, ứng phó tình huống dịch bệnh Covid-19… |
Trước diễn biến giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong thời gian qua vẫn ở mức cao, Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã triển khai nhiều giải pháp giữ ổn định giá hàng hóa, dịch vụ; kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường để bình ổn, giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước…
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân; nhất là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành gần đây, ngày 31-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Về vấn đề này, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương chia sẻ tại buổi tọa đàm, Bộ Tài chính bám sát Công điện số 679/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái cùng các văn bản liên quan của Văn phòng Chính phủ trong 7 tháng vừa qua. Trọng tâm, trọng điểm là tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng hợp phân tích dự báo thị trường và cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết và kịp thời cho những tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4% Chính phủ đề ra. Phối hợp chặt chẽ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra…
Ông Trần Bảo Ngọc chia sẻ thêm, Công điện 679/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã rất kịp thời và đúng thời điểm. Bộ GT-VT ngay lập tức ban hành văn bản để chỉ đạo tất cả các cơ quan, đơn vị trong ngành phải nghiên cứu và thực hiện đầy đủ các giải pháp đưa ra trong công điện. Bên cạnh đó, yêu cầu các sở GT-VT khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố lập các đoàn thanh, kiểm tra, rà soát các yếu tố hình thành giá trong các bảng kê khai vận tải đường bộ và các lĩnh vực liên quan…
Theo nhiều chuyên gia, phạm trù “giá” rất rộng nên ngoài những biện pháp kinh tế và kỹ thuật, để có phương án giảm giá phù hợp thì cần có thêm các giải pháp tổng hợp khác như: giải quyết vấn đề cung cầu hàng hóa, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, đặc biệt là giảm các khâu trung gian…
Hải Hà