Theo quy của pháp luật về môi trường, xe chở rác phải đảm bảo các yêu cầu như: không làm rơi chất thải, rò rỉ nước, không phát tán mùi trong quá trình vận chuyển… Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều phương tiện chở rác không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chạy trên đường.
Theo quy của pháp luật về môi trường, xe chở rác phải đảm bảo các yêu cầu như: không làm rơi chất thải, rò rỉ nước, không phát tán mùi trong quá trình vận chuyển… Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều phương tiện chở rác không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chạy trên đường.
Xe vận chuyển rác sinh hoạt chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường tại P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa). Ảnh minh họa: Ban Mai |
Đây là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường thứ phát và ảnh hưởng đến kết quả hoạt động phân loại chất thải tại nguồn.
* Hơn 200 phương tiện thô sơ hoạt động
Số liệu thống kê của Sở TN-MT cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 167 cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động thu gom rác sinh hoạt. Các đơn vị này đã trang bị 145 xe chuyên dụng, xe ép rác bảo đảm cho hoạt động thu gom đúng quy định, nhưng vẫn còn hơn 200 phương tiện thô sơ làm phát sinh ô nhiễm mùi, nước rỉ rác, rơi vãi rác trong quá trình vận chuyển dẫn đến phản ảnh của người dân.
Cũng theo Sở TN-MT, thời gian qua, Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai, Quỹ Đầu tư và phát triển Đồng Nai đã triển khai cho các cá nhân, đơn vị kinh doanh dịch vụ thu gom, vận chuyển rác vay vốn để nâng cấp thiết bị, phương tiện nhưng nhiều đơn vị chưa tiếp cận được nguồn vốn này do thiếu tài sản thế chấp. Xe ép rác không được tính là tài sản để thế chấp khi vay vốn.
Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Thành cho rằng, trên địa bàn huyện còn xe thô sơ chở rác trên đường nhưng số lượng không nhiều, chủ yếu của các đơn vị nhỏ lẻ. Theo ông Thành, một số đơn vị có nhu cầu vay vốn đầu tư xe chở rác nhưng không có tài sản thế chấp, dẫn đến không được vay. Số khác thì sợ đầu tư xe chuyên dùng nhưng năm sau không trúng thầu vận chuyển nên cũng e dè.
Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ Phú Lợi (H.Định Quán) Phan Thanh Hùng cho rằng, hiện nay các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, giá dịch vụ thu gom chất thải thu từ hộ gia đình đến điểm tập kết thấp trong khi các chi phí nhiên liệu, nhân công tăng cao. Thứ hai, điều kiện để vay vốn đầu tư xe chuyên dùng rất khó, HTX phải vay mua theo dạng cuốn chiếu, tức là vay tiền mua xe và trả nợ xong mới được vay tiếp. Thứ ba, xe chở rác có đặc điểm rất nhanh hư hỏng, xuống cấp do nước rỉ rác làm ô-xy hóa kim loại.
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc HTX Nông nghiệp - thương mại dịch vụ Mai Linh (H.Trảng Bom) Nguyễn Văn Mai cho hay, hiện nay các đơn vị thu gom, vận chuyển rác gặp khó khăn trong việc chuẩn hóa phương tiện. Ông Mai kiến nghị cần điều chỉnh tăng giá dịch vụ thu gom chất thải nhằm tạo điều kiện cho các HTX làm ăn có lãi, tái đầu tư phương tiện, nhân công phục vụ hoạt động môi trường.
* Từng bước chuẩn hóa phương tiện chở rác
Theo đánh giá của Sở TN-MT, hiện nay hạ tầng xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt yêu cầu, đảm bảo xử lý hết lượng phát sinh với tỷ lệ chôn lấp bình quân dưới 15%. Tuy nhiên, hạ tầng về phương tiện vận chuyển đáng lo ngại do nhiều đơn vị không đủ năng lực tài chính, không đủ điều kiện tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mua xe.
Do đó, Sở TN-MT yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ số lượng, nhu cầu nguồn vốn, đồng thời yêu cầu các cơ sở trúng thầu vận chuyển rác sinh hoạt tạo điều kiện hỗ trợ cho cộng tác viên, HTX bằng nguồn vốn của doanh nghiệp hoặc bảo lãnh vay vốn từ hệ thống ngân hàng nhà nước, Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai để chuẩn hóa phương tiện theo quy định nhằm hài hòa lợi ích giữa chủ vận chuyển và các cộng tác viên.
Tại dự thảo Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2022-2025, Sở TN-MT đặt mục tiêu đến năm 2025 có 80% tổ chức, cá nhân thu gom và 100% đơn vị vận chuyển rác sinh hoạt đáp ứng đồng bộ các phương tiện, trang thiết bị phù hợp với việc phân loại rác từ hộ dân đến địa điểm xử lý theo quy định. Sở cũng yêu cầu các địa phương đưa tiêu chí phương tiện, nhân công vào để lựa chọn nhà thầu thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt.
Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất Nguyễn Đình Cương cho rằng, trước đây khi mỗi xã chọn một ấp thí điểm phân loại rác sinh hoạt thì tỷ lệ thực hiện đạt trên 50%. Nhưng khi nhân rộng toàn huyện, tỷ lệ này tụt xuống còn khoảng 30%. Nguyên nhân là do phương tiện vận chuyển rác của các HTX không đạt yêu cầu. Người dân thấy rác đã phân loại nhưng gom chung một xe chở đi dẫn đến không có niềm tin và không phân loại nữa. Bên cạnh đó, H.Thống Nhất là nơi tập kết rác của 7 huyện, thành phố, nhiều phương tiện chở rác về đây không đạt yêu cầu làm rơi vãi, rỉ nước ra đường khiến người dân bức xúc.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, hiện nay các xe thu gom rác từ hộ gia đình về điểm tập kết đã gắn biển hiệu, chia ngăn. Tuy nhiên, vẫn còn một số xe thu gom rác chưa đáp ứng, thành phố đã yêu cầu Công ty CP Môi trường Sonadezi, Xí nghiệp Môi trường Biên Hòa rà soát, hỗ trợ cộng tác viên từng bước chuẩn hóa phương tiện vận chuyển đảm bảo vệ sinh môi trường và hoạt động phân loại rác của người dân.
Hơn 44 tỷ đồng chuẩn hóa phương tiện vận chuyển rác Sở TN-MT đang hoàn thiện Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2022-2025. Đề án có tổng kinh phí hơn 5 ngàn tỷ đồng từ các nguồn: sự nghiệp môi trường, xây dựng cơ bản và vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Trong đó, nguồn vốn đề xuất đầu tư, cải tạo phương tiện vận chuyển rác và hỗ trợ các cộng tác viên chuẩn hóa phương tiện là hơn 44 tỷ đồng của doanh nghiệp. |
Ban Mai