Dù Đồng Nai có thế mạnh về phát triển và chế biến các sản phẩm về nông nghiệp, tuy nhiên việc liên kết để tiêu thụ, chế biến nông sản tại địa phương còn nhiều rào cản.
Có thế mạnh về phát triển và chế biến các sản phẩm về nông nghiệp, Đồng Nai từ lâu được biết đến là địa phương trọng điểm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế, việc liên kết để tiêu thụ, chế biến nông sản từ các doanh nghiệp (DN), HTX, người dân tại địa phương còn nhiều rào cản.
Hợp tác, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến sâu là hướng đi tất yếu của ngành chế biến sản phẩm nông nghiệp. Trong ảnh: Chế biến sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp tại một công ty ở Khu công nghiệp Hố Nai. Ảnh: Văn Gia |
Sự bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực cho thấy đầu tư cho chế biến sâu là giải pháp cần thiết để phát triển bền vững, song hiện mới chỉ ở bước đầu. Các DN, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp mong muốn được tạo cơ chế thuận lợi, có cầu nối để hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau hơn.
* Chuỗi liên kết mới chỉ ở bước đầu
Theo Sở NN-PTNT, Đồng Nai hiện có 60 HTX, 24 tổ hợp tác tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với DN. Điển hình như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát liên kết với Công ty De-Heus cung cấp thức ăn chăn nuôi; HTX Nông nghiệp dịch vụ An Viễn liên kết với Công ty TNHH Bamboo Agriculture trồng và tiêu thụ ca cao với quy mô 600ha; HTX Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát, Tổ hợp tác ca cao xã Trung Hòa liên kết sản xuất tiêu thụ ca cao với Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức với diện tích 150ha; HTX Thanh Bình liên kết với nông dân sản xuất chuối quy mô trên 300ha phục vụ xuất khẩu...
Việc liên kết, hợp tác nói trên đã góp phần tạo sự phát triển ổn định hơn cho thị trường nông sản, tạo nguồn nguyên liệu sâu cho chế biến, song cũng mới chỉ ở bước đầu. Trên thực tế, các DN, HTX và người dân vẫn đang phải tự thân vận động để tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra.
Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H.Xuân Lộc) Đặng Thị Thúy Nga cho hay, HTX mong muốn được kết nối dài hạn với các hệ thống siêu thị nhưng không dễ dàng cho dù nhiều siêu thị cũng khuyến khích. Nguyên nhân là do việc kết nối tiêu thụ còn gặp vướng mắc, ràng buộc về các tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp đồng bao tiêu sản phẩm... Để có thể gia tăng sức tiêu thụ, bà đã phải rất tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, nhất là các gian hàng, hội chợ nông nghiệp cung ứng vào thị trường TP.HCM.
Đối với DN chế biến, theo Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thiên Triều An (chuyên chế biến các loại nước uống từ trái cây thiên nhiên, ở TP.Biên Hòa) Đặng Trần Hoàng Thụy, về lâu dài, sự hợp tác để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến là rất quan trọng. Hiện nay, DN đang tiếp tục nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm ra thị trường nên nhu cầu sẽ tiếp tục gia tăng. Vấn đề là khi hợp tác, người dân và nhà cung ứng nguyên liệu phải đảm bảo số lượng ổn định và chất lượng tốt, đồng đều.
* Cần diễn đàn để hợp tác
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (chuyên chế biến các mặt hàng nông sản, trái cây sấy khô ở H.Định Quán) Liu Tác Sáng cho hay, có một thực tế là việc liên kết, hợp tác tiêu thụ sản phẩm của người dân từ các DN chưa cao. Trên địa bàn tỉnh có nhiều mặt hàng, trái cây chất lượng tốt, làm nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu, từ đó dẫn tới có nhiều DN không chỉ ở Đồng Nai mà các nơi khác đến thu mua. Điều này cũng có mặt trái của nó khi mạnh ai nấy làm, cạnh tranh nhau về mọi mặt từ giá cả thu mua lẫn cách thu mua.
“Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực này đã hơn 10 năm, khó khăn vẫn là việc liên kết với các DN trong thu mua, chế biến nông sản. Cần có một “nhạc trưởng”, tiếng nói chung để quy tụ DN đang hoạt động tại địa phương, trở thành diễn đàn hợp tác, bàn tính với nhau để làm sao tạo ra thị trường ổn định, vừa giúp cho người dân lẫn DN. Điều này thì phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương” - ông Liu Tác Sáng mong muốn.
Tương tự, theo ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom), hiện nay có một vấn đề mà HTX nói riêng và các DN khác nói chung đang gặp phải là sự thiếu liên kết, tiêu thụ chéo sản phẩm lẫn nhau của các đơn vị.
“Đơn cử như sản phẩm chuối của chúng tôi, thị trường Hàn Quốc đang mua nhiều để phục vụ chế biến các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, sấy ra thành bột để cho thủy sản, gà, heo ăn... mà chúng ta chỉ bán thô. Tại sao các DN đang hoạt động trong nước lại không sử dụng sản phẩm của nhau để chế biến sâu hơn. Chúng tôi cũng đã đi gặp gỡ một số DN trên địa bàn nhưng giá cả mà đối tác đặt ra rất thấp, khó hợp tác” - ông Hùng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, một trong những hạn chế hiện nay trong công tác thu mua, bảo quản và chế biến nông sản là quá thiếu các kho lạnh. Mỗi ngày HTX này xuất đi hơn 20 tấn chuối, nhưng công suất kho lạnh để bảo quản chỉ được 5 tấn, không “thấm tháp” vào đâu. Không chỉ ông Hùng mà các DN, HTX khác đều mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư các khu sơ chế, bảo quản công nghệ cao để bảo quản nông sản, trái cây tươi khi xảy ra ùn ứ vì hầu như các sản phẩm của Việt Nam đều theo mùa vụ. Thu hút đầu tư hệ thống kho lạnh quy mô lớn và cho các đơn vị kinh doanh nông sản thuê lại cũng là một giải pháp tốt vì từng đơn vị nhỏ lẻ sẽ rất khó đầu tư khu bảo quản đồng bộ, bởi chi phí rất tốn kém.
Văn Gia