Theo các doanh nghiệp, dù đã có một số chính sách cho vay vốn ưu đãi được triển khai, nhưng để tiếp cận nguồn vốn này không hề dễ dàng.
Gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) rất cần vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quá trình hồi phục. Thời gian qua, một số chính sách cho vay vốn ưu đãi cũng đã được triển khai, nhưng theo phản ảnh từ các DN, để vay vốn ưu đãi không hề dễ dàng.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất mong được tiếp thêm vốn với lãi suất ưu đãi để phục vụ sản xuất Trong ảnh: Sản xuất gạch lát sân vườn tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Văn Gia |
Để góp phần tháo gỡ khó khăn, mới đây lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo ngành ngân hàng nghiên cứu tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa các ngân hàng thương mại với DN, HTX có nhu cầu vay vốn trên địa bàn.
* Kỳ vọng nhưng khó đáp ứng
Ông Đặng Trần Hoàng Thụy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thiên Triều An, chuyên chế biến mặt hàng nông sản, hoa quả, nước uống ở TP.Biên Hòa, cho hay có rất nhiều yêu cầu về thủ tục giấy tờ, điều kiện và ràng buộc mới có thể tiếp cận các gói hỗ trợ đã được ban hành. DN của ông cũng đã thử các kênh liên hệ để có thể vay vốn theo lãi suất ưu đãi 2%, nhưng vẫn không đáp ứng được vì tình hình tài chính, các công nợ cũ... vẫn đang trong quá trình giải quyết.
“Chúng tôi mong muốn ngân hàng có cơ chế linh động, phù hợp hơn cho các DN nhỏ và vừa để có thể tiếp cận trực tiếp được với chính sách hỗ trợ. Các DN hiện đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch cũng như trong giai đoạn vật giá leo thang do ảnh hưởng từ tình hình thế giới” - ông Thụy nói.
Theo các DN, để tiếp cận vốn vay của ngân hàng, đặc biệt là vốn vay ưu đãi, DN buộc phải không có nợ xấu nhưng đồng thời phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm... thì mới được vay. Trong khi đó, sau khi trải qua hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19, rất nhiều DN không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hoặc chưa có lợi nhuận.
“Hiện chúng tôi đang vay vốn ngân hàng để đầu tư máy móc trong giai đoạn trước. Làm ăn thì DN nào cũng phải vay vốn. Đối với gói vay hỗ trợ lãi suất 2%, DN có biết qua nhưng thấy yêu cầu để được vay vốn quá cao, dù vẫn có nhu cầu vay thêm vốn nhưng chúng tôi không có quá nhiều cơ hội” - chủ một DN ngành sản xuất vật liệu xây dựng ở TP.Biên Hòa chia sẻ.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các chính sách hỗ trợ về vốn vay thời gian qua vẫn chưa thực sự hiệu quả trong thực tế. Nguyên do là DN buộc phải đáp ứng chuẩn tín dụng của ngân hàng, không phải cứ có khó khăn là được hỗ trợ. DN gặp khó khăn để đạt chuẩn nhưng ngân hàng cũng có cái khó của mình, việc hạ chuẩn tín dụng sẽ có thể có những rủi ro về sau khi mà DN không có khả năng trả nợ. Nếu bị lợi dụng hoặc cho vay đối tượng không phù hợp, ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro khác cao hơn, thậm chí liên quan đến pháp luật.
* Tìm hướng gỡ khó về vốn vay cho DN
Trong thời gian qua, ngành ngân hàng nói chung và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh nói riêng đã triển khai áp dụng các chương trình hỗ trợ tín dụng cho các khách hàng, DN chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, cũng như các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất nhập khẩu, DN nhỏ và vừa…
Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, các chính sách vay vốn đã được đơn vị triển khai đến hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Đối với chính sách liên quan đến Nghị định 31 và Thông tư 03/2022/TT-NHNN về vay vốn ưu đãi 2% lãi suất, các ngân hàng đã và đang triển khai. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này sẽ triển khai thực tế ra sao còn phụ thuộc vào các quy định nội bộ, tiến độ triển khai từ hội sở chính của từng hệ thống ngân hàng thương mại đến các chi nhánh của hệ thống ngân hàng đó trên địa bàn tỉnh.
Đối với các DN, đây vẫn là thời điểm rất khó khăn về dòng tiền và nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương, chuyên về lĩnh vực chế biến trái cây sấy, cho hay tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. “Công ty chúng tôi 2 năm gần đây bị ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến các tác động bất lợi, thu mua hàng hóa của người dân cũng bị ảnh hưởng, đầu ra cho sản phẩm chậm nên các vấn đề về tài chính, nguồn vốn còn nhiều khó khăn. Vay vốn ngân hàng còn khó khăn hơn nữa, bởi chúng tôi đã có các khoản vay từ trước. Muốn đầu tư kho lạnh để giúp người dân dự trữ nông sản cũng chưa thể làm được trong giai đoạn hiện nay. DN mong có giải pháp để tháo gỡ” - ông Sáng cho biết.
Tại hội nghị tiếp xúc với các DN, HTX, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh tổ chức vào tháng 7 vừa qua, trước những khó khăn về nguồn vốn vay, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã đề nghị ngành ngân hàng tổ chức thêm một chuyên đề riêng gặp gỡ DN.
“Về nhu cầu vay vốn của các DN, tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước tổ chức một chương trình kết nối của ngân hàng trong giai đoạn tới đây nhằm làm cầu nối cho các ngân hàng thương mại với cộng đồng DN, HTX trao đổi với nhau về vướng mắc, thủ tục, điều kiện vay vốn, cơ hội vay và sự hỗ trợ để kết nối ngân hàng - DN, đảm bảo nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chỉ đạo.
Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 500ha cây ăn trái đạt chứng nhận hữu cơ, 630ha cây công nghiệp và 200ha rau đạt chứng nhận hữu cơ. Xây dựng các vùng chăn nuôi hữu cơ với các sản phẩm chủ lực, trong đó đàn heo hữu cơ đạt khoảng 5 ngàn con, đàn gia cầm đạt khoảng 200 ngàn con và diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 200ha… Đến năm 2030, diện tích, sản lượng sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ tăng 1,5-2,5 lần. |
Văn Gia