Báo Đồng Nai điện tử
En

Đau đầu bài toán tự chủ nguyên liệu

08:08, 06/08/2022

Việc sản xuất nghiêng về xuất khẩu, trong khi nguồn cung ứng nguyên vật liệu còn hạn chế, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Việc sản xuất nghiêng về xuất khẩu, trong khi nguồn cung ứng nguyên vật liệu còn hạn chế, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi là ngành phải chịu nhiều áp lực khi phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh: V.Gia
Sản xuất thức ăn chăn nuôi là ngành phải chịu nhiều áp lực khi phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh: V.Gia

Để phát triển bền vững, nhiều DN đang tìm cách chủ động nguồn cung nguyên vật liệu, nhưng cho đến nay, điều này vẫn đang là bài toán chưa có lời giải phù hợp.

* Vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu

Trên bình diện cả nước, theo đánh giá của Bộ Công thương, khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của các sản phẩm công nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, chủ yếu tham gia khâu gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp. Các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như: dệt may, da giày, điện tử nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu. Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu hầu hết nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp xuất khẩu nên chịu ảnh hưởng lớn từ các thị trường thế giới.

DN thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực cao su, nhựa kỹ thuật, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp An Phát (TP.Biên Hòa) Nguyễn Hòa An cho hay, dịch bệnh Covid-19 và khó khăn của thế giới đã khiến cho việc nhập khẩu nguyên vật liệu ngày càng khó khăn hơn. “Cùng với khó khăn do biến động về lao động, nhân công thì sự cạnh tranh trong thu mua nguyên vật liệu trên thị trường đang gia tăng. Nếu không chủ động, DN sẽ bị thua thiệt khi tình hình căng thẳng” -  ông Nguyễn Hòa An nói.

Tại Đồng Nai, 7 tháng của năm 2022, các DN trong tỉnh nhập khẩu hơn 12 tỷ USD hàng hóa, nguyên phụ liệu cho sản xuất với các mặt hàng tăng cao so với cùng kỳ như: bắp, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may... Trong đó, khối DN tư nhân nhỏ và vừa nhập hơn 2,6 tỷ USD, tăng 19,37%, là khối có tốc độ nhập khẩu tăng nhanh nhất. Nhập khẩu từ các DN trong nước tăng mạnh cho thấy, các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh nhận thức rõ những tác động bất lợi của thị trường thế giới nên đã phần nào chủ động để ứng phó. Việc gia tăng nhập khẩu nguyên, vật liệu cho sản xuất nhằm tích trữ, phòng trước những biến động bất lợi có thể xảy ra trong thời gian tiếp theo.

* Nhưng tự chủ nguyên liệu trong nước vẫn không dễ

Các DN Việt và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều đang cố gắng tự chủ nguyên liệu từ trong nước nhưng không dễ. Là DN chế biến thức ăn chăn nuôi có trụ sở tại Khu công nghiệp Bàu Xéo (H.Trảng Bom), Công ty TNHH Woosung Việt Nam (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc) đã đầu tư vào Đồng Nai được 19 năm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thuộc quy mô DN sản xuất vừa và nhỏ với 150 nhân viên nhưng công ty đã xây dựng được hơn 200 đại lý tiêu thụ sản phẩm ở khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Tây nguyên. Vấn đề khó khăn về nguồn nguyên liệu đang là bài toán đau đầu đối với DN và đang phải tìm cách ứng phó. Công ty đang làm việc với các đối tác khắp cả nước để xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến thức ăn.

Tư liệu sản xuất chiếm phần lớn hàng nhập khẩu

Trong 7 tháng của năm 2022, cả nước có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị 72,6 tỷ USD.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94% giá trị, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44%, giảm 0,8 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 50%, tăng 1 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%, giảm 0,2 điểm phần trăm.    

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

“Khó khăn chung của ngành khi nguyên, vật liệu nhập khẩu giá tăng vọt nhưng lại khan hiếm do đứt gãy các nguồn cung ứng trên thế giới buộc chúng tôi phải tìm cách lo liệu. Công ty thành lập một đơn vị chuyên trách có nhiệm vụ đi tìm nguồn nguyên liệu thay thế từ trong nước do một phó tổng giám đốc đảm nhiệm. Tuy nhiên, để có được nguồn nguyên liệu đảm bảo ổn định cho sản xuất là điều không dễ. Quy mô mặt hàng nông sản, bắp ở trong nước vẫn còn nhỏ, lại chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn về chất lượng dinh dưỡng...” - ông Võ Quang Nhân, phụ trách bộ phận marketing và truyền thông của công ty chia sẻ.

Tương tự, Công ty TNHH Phương Hoàng Minh (H.Long Thành) là DN chuyên cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành sản xuất bột ngọt. Ông Hoàng Minh Phương, Giám đốc công ty chia sẻ, quá trình đô thị hóa diễn ra tại các địa phương trong khu vực đã làm cho diện tích đất sản xuất nguyên liệu bị thu hẹp. Việc tìm kiếm nguyên liệu ngày càng khó khăn, ở xa thì chi phí vận chuyển đắt đỏ khiến cho hiệu quả sản xuất, kinh doanh hạn chế. “Chúng tôi đang nỗ lực hơn để chủ động nguồn nguyên liệu khoai mì, kịp thời cung ứng cho các nhà máy nhưng đây cũng là bài toán khó. Về lâu dài, DN phải tính toán đến đầu tư thêm máy móc hiện đại, sản xuất cả bột mì khô để dự trữ và xuất khẩu” - ông Phương cho hay.

Các ngành sản xuất khác như may mặc, chế biến gỗ luôn nằm trong tốp có giá trị xuất khẩu cao, nhưng mãi vẫn chưa giải được bài toán phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Đối với ngành gỗ, Đồng Nai đang xây dựng chiến lược tự chủ hơn về nguyên liệu, tuy nhiên nguồn gỗ rừng trồng ở địa phương vẫn còn khiêm tốn. Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cũng như DN thành viên đang phải nỗ lực phối hợp với các địa phương trong và ngoài tỉnh để xây dựng vùng rừng nguyên liệu bền vững với Đề án Sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Văn Gia

Tin xem nhiều