Nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai các dịch vụ, ứng dụng ngân hàng số, ra mắt thẻ tín dụng nội địa, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm tài chính - ngân hàng.
Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai các dịch vụ, ứng dụng ngân hàng số, ra mắt thẻ tín dụng nội địa góp phần giúp công nhân, người lao động, người dân ở khu vực nông thôn có thể dễ dàng tiếp cận với sản phẩm tài chính - ngân hàng.
Nhân viên một chi nhánh ngân hàng tại TP.Biên Hòa tư vấn cho khách hàng về những tiện ích, dịch vụ thẻ ngân hàng. Ảnh: H.Quân |
Việc khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế hoạt động “tín dụng đen”.
* Mở rộng không gian thanh toán
Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành thẻ thanh toán, tín dụng nội địa cho các đối tượng là sinh viên, công nhân hay ở khu vục nông thôn với điều kiện dễ dàng hơn trước đây.
Chị Hoàng Trúc, công nhân đang làm việc tại một công ty ở Khu công nghiệp Amata (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, ngày trước chị chỉ có duy nhất thẻ ATM để nhận lương hằng tháng và phải chờ đợi rút tiền vào ngày mùng 10 hằng tháng khá đông đúc, mệt mỏi. Song hơn 1 năm trở lại đây, chị có tìm hiểu và mở thêm một thẻ thanh toán nội địa, thường xuyên thực hiện “cà thẻ” thanh toán, mua sắm tại các địa điểm có chấp nhận thanh toán trên toàn quốc.
“Giờ đây, tôi có thể dự phòng một khoản khi cấp bách trong hạn mức được cấp mà không cần vay mượn, giúp tiết kiệm nhiều thời gian và công sức. Ngoài ra, ban đầu với thu nhập một công nhân hiện tại, tôi khá e ngại nếu phải bỏ ra nhiều chi phí để mở và duy trì thẻ, nhưng khi mở thẻ, tôi thấy vô cùng tiện lợi bởi chỉ cần duy trì chi tiêu trên 2 triệu đồng/tháng, tôi sẽ được miễn phí duy trì thường niên, được nhận nhiều ưu đãi, khuyến mãi trên các ứng dụng mua sắm, địa điểm chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng nội địa…” - chị Trúc chia sẻ.
Theo Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Bắc Đồng Nai, trong thời gian qua, chi nhánh đã đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng cho các đối tượng khách hàng. Bên cạnh các loại thẻ tín dụng quốc tế, từ đầu năm 2022, chi nhánh đã chính thức triển khai sản phẩm thẻ tín dụng nội địa Lộc Việt - là loại thẻ vừa dùng làm phương tiện thanh toán, vừa có thể sử dụng trước, trả sau với thời gian ân hạn (khoảng thời gian từ sau khi đến hạn thanh toán đến trước khi phí trả chậm, lãi suất hoặc các khoản phạt khác bắt đầu được tích lũy) lên đến 55 ngày.
Theo đó, đối tượng thụ hưởng thẻ tín dụng nội địa này rất phong phú, trong đó có công chức, viên chức được trả lương qua thẻ Agribank; sinh viên thuộc các trường đại học, cao đẳng có liên kết, thỏa thuận hợp tác với Agribank; công nhân, người lao động hay người dân ở các khu vực nông thôn đáp ứng đủ các điều kiện cấp tín dụng của Agribank. Hiện tại, thẻ tín dụng nội địa đang được miễn phí phát hành thẻ.
Đại diện một số ngân hàng thương mại trong tỉnh cho biết, nhìn chung các sản phẩm thẻ nội địa sẽ có tính năng thanh toán tương đồng với thẻ quốc tế như: thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ trong nước; thanh toán hóa đơn, thanh toán trực tuyến… tại tất cả các điểm chấp nhận thẻ trong nước và những điểm thanh toán trong hệ thống liên minh Napas (Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam). Loại thẻ tín dụng nội địa cũng được áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, chương trình khuyến mãi, tích lũy điểm.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo chia sẻ, từ sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các dịch vụ thẻ, internet banking, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển khá nhanh và ngày càng được nhiều người dân đăng ký sử dụng với nhiều tiện ích ngân hàng, thanh toán trực tuyến thuận tiện, nhanh chóng. Các ngân hàng cũng đẩy mạnh phát hành thẻ, mở rộng các dịch vụ thẻ thanh toán, thẻ tín dụng nội địa đến những khu vực nông thôn, cũng như phát triển các dịch vụ ngân hàng số khi điện thoại thông minh (smartphone) trở nên phổ biến, mạng internet ngày càng phủ sóng rộng khắp, cước viễn thông rẻ hơn nhiều so với trước đây.
* Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Bên cạnh đó, hiện nhiều ngân hàng không chỉ mở thẻ tín dụng cho những đối tượng đi làm có thu nhập ổn định mà ngay cả sinh viên, học sinh cũng có thể sở hữu thẻ tín dụng với tư cách là thẻ phụ của cha mẹ hoặc đứng tên thẻ chính nếu có tài sản đảm bảo. Điều này nhằm giúp nhiều đối tượng khách hàng có thể tiếp cận “vốn vay” để phục vụ những mục đích tiêu dùng chính đáng.
Chị Ngọc Uyên (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho hay, chị được gia đình mở một thẻ tín dụng phụ để có thể thuận tiện nộp học phí qua internet banking, cũng như nhận tiền chi tiêu hằng tháng từ cha mẹ gửi cho và có thể rút được ở bất kỳ cây ATM nào nếu cần gấp.
“Từ ngày mở thẻ, tôi thấy rất tiện lợi khi nhận được nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi phù hợp với nhu cầu của giới trẻ để tiết kiệm tối ưu nhất như: giảm giá khi mua vé xem phim, tặng voucher - hoàn tiền khi mua sắm, tích điểm đổi quà. Đồng thời, việc sử dụng chiếc thẻ này khá an toàn và có độ bảo mật cao hơn so với sử dụng tiền mặt. Nếu sử dụng tiền mặt, các sinh viên như tôi dễ bất cẩn làm rơi; còn với một chiếc thẻ tín dụng nhỏ gọn sẽ giúp thực hiện mọi chi tiêu đảm bảo, tiện lợi hơn rất nhiều” - chị Uyên nói.
Nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã chủ động gia tăng các dịch vụ ngân hàng tiện ích, nâng cao chất lượng giao dịch thẻ, áp dụng thêm nhiều phương thức bảo mật, hạn chế rủi ro đối với tài khoản của khách hàng. Qua đó, khuyến khích khách hàng thanh toán qua thẻ, hạn chế sử dụng tiền mặt, cũng như đáp ứng nhu cầu về tín dụng chính đáng của người dân.
Đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Biên Hòa cho hay, chi nhánh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các loại thẻ tín dụng cao cấp và phổ thông để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Từ sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nhu cầu về đăng ký sử dụng các loại thẻ tín dụng tại chi nhánh tăng cao. Hiện nay, các loại thẻ tín dụng của BIDV được kết nối, liên kết với nhiều ví điện tử, có thể đăng ký dịch vụ trả góp qua tin nhắn, cũng như tích hợp nhiều dịch vụ tiện ích khác…, qua đó góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Đại diện Agribank chi nhánh Bắc Đồng Nai cho biết thêm, nhu cầu đăng ký mở thẻ tín dụng nội địa ở chi nhánh từ đầu năm 2022 đến nay có xu hướng phát triển tốt. Thẻ tín dụng nội địa góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, xóa tệ nạn cho vay “tín dụng đen”. Trong đó, thẻ tín dụng nội địa Lộc Việt được Agribank cấp hạn mức tín dụng từ 10-30 triệu đồng tùy vào đối tượng khách hàng nhằm đáp ứng cho các nhu cầu tiêu dùng chính đáng, thiết yếu của người dân như: thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, nộp học phí, trả tiền mua vật tư nông nghiệp như phân bón, cây, con giống và các chi phí khác…
Ông Phạm Quốc Bảo chia sẻ, trong thời gian tới, ngành ngân hàng trong tỉnh sẽ tiếp tục triển khai, phát triển đề án không dùng tiền mặt trên địa bàn Đồng Nai, giúp khách hàng tiếp cận ngày càng thuận tiện hơn với các dịch vụ ngân hàng hiện đại, thuận tiện và ngày càng nâng cao tính bảo mật, chất lượng về dịch vụ…
Nhiều ngân hàng lưu ý, khi sử dụng thẻ tín dụng, người dân cần chú ý bảo mật thông tin về thẻ, số thẻ; cẩn trọng, cảnh giác với những tin nhắn mời gọi đăng ký mở thẻ tín dụng qua điện thoại, ứng dụng chat trên mạng xã hội. Đặc biệt, ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như: tin nhắn SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook Messenger…), khi tài khoản thẻ của khách hàng gặp sự cố, vấn đề gì thì ngân hàng mời khách hàng ra trụ sở, phòng dịch vụ, điểm giao dịch gần nhất để giải quyết. Nếu gặp những vấn đề liên quan đến các dịch vụ ngân hàng, khách hàng có thể gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng của mỗi ngân hàng. |
Hải Quân