Chi phí logistics tăng phi mã do ảnh hưởng của giá xăng dầu đang là trở ngại lớn cho hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản. Theo đó, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu nông sản tập trung hơn cho thị trường nội địa.
Chi phí logistics tăng phi mã do ảnh hưởng của giá xăng dầu đang là trở ngại lớn cho hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản. Theo đó, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu nông sản tập trung hơn cho thị trường nội địa.
Nông sản xuất khẩu của Đồng Nai giới thiệu với khách hàng trong nước tại Tuần lễ Tôn vinh trái cây Đồng Nai tại TP.Long Khánh. Ảnh: Bình Nguyên |
Tuy nhiên, hành trình quay về hoặc mở rộng thị trường nội địa được DN xác định cần sự đầu tư bài bản, dài hơi chứ không phải là giải pháp tạm thời khi xuất khẩu bị trục trặc.
* Thúc đẩy thị trường nội địa
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá xuất khẩu rau quả, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2022 có sự sụt giảm đáng kể. Song nếu nhìn từ góc độ khác, nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, nhất là sản phẩm chăn nuôi như: thịt heo, thịt gà vào Việt Nam cũng giảm mạnh. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu hơn 235 ngàn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, giảm 23,5% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Theo một số cơ sở, DN chế biến, xuất khẩu nông sản, đây là cơ hội để đẩy mạnh kênh tiêu thụ thị trường trong nước. Giám đốc Công ty TNHH Vân Phát (xã Tây Hòa, H.Trảng Bom) Bùi Thanh Vân nhận xét, chưa giai đoạn nào, DN xuất khẩu nông sản gặp khó khăn như hiện nay vì đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh. Nhưng ngay cả khi có đơn đặt hàng, DN vẫn lo nhiều hơn vui vì gặp nhiều rủi ro mất vốn gốc, chủ yếu do hàng bị kẹt tại các cửa khẩu, chi phí vận chuyển quá cao, “ăn” hết lợi nhuận của DN sản xuất.
Ông Vân cho biết thêm: “DN đang nỗ lực đẩy mạnh kênh tiêu thụ thị trường nội địa, tuy sự quay trở về này không hề dễ dàng, vì trước đây DN chỉ tập trung cho thị trường xuất khẩu. Người tiêu dùng trong nước đã quen thuộc với nhãn hàng mới, giữa quá nhiều sản phẩm để lựa chọn không phải là chuyện ngày một ngày hai. Tuy nhiên, DN chấp nhận đầu tư vì thị trường tại chỗ đã trở thành cứu cánh trong giai đoạn xuất khẩu khó khăn như hiện nay”.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Liên, chủ hộ kinh doanh Nhà Yên, cho hay đơn vị chọn khởi nghiệp ngay sau dịch Covid-19, làm sản phẩm gia vị, hạt điều rang củi cung cấp ra thị trường nội địa. Cơ sở làm theo hướng thủ công tỉ mỉ, coi trọng chất lượng và chăm chút về bao bì, nhãn hàng vì muốn tiếp cận phân khúc cao cấp phục vụ cho người tiêu dùng thu nhập cao trong nước. Hiện đơn vị đang đẩy mạnh các kênh bán hàng online và được người tiêu dùng tiếp nhận khá tốt.
Hiện nay, nhập khẩu thịt đông lạnh giảm mạnh so với cùng kỳ, giá thịt nhập bán ra thị trường cũng tăng cao so với mọi năm nên sản phẩm chăn nuôi trong nước đang có lợi thế cạnh tranh.
Ông Hoàng Văn Tham, chủ Cơ sở Giết mổ Hoàng Văn Tham tại xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) cho biết Đồng Nai là tỉnh công nghiệp với rất nhiều nhà máy đông công nhân hoạt động nhưng trước đây cơ sở hầu như không tiếp cận được kênh tiêu thụ là các bếp ăn công nghiệp, vì khó cạnh tranh được với thịt nhập giá rẻ. Hiện cơ sở đã có một số đơn hàng cung cấp thịt cho các bếp ăn công nghiệp và đang nỗ lực mở rộng kênh tiêu thụ còn giàu tiềm năng này.
* Hành trình dài hơi
Theo nhiều DN sản xuất nông sản, áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa hiện nay cũng rất lớn với chính các DN trong ngành và với sản phẩm nhập khẩu từ các nước. Với các cơ sở, DN quy mô nhỏ, việc tìm được chỗ đứng tại sân nhà lại càng gian nan khi có những “ông lớn” đã được người tiêu dùng nhận diện.
Đại diện Công ty TNHH Thịnh Tín Đạt (xã Xuân Định, H.Xuân Lộc) Nguyễn Thị Phương Uyên cho hay: “Việc đưa hàng vào các hệ thống siêu thị và các kênh bán lẻ hiện đại không phải dễ dàng vì đã có nhiều ông lớn chen chân. Theo đó, DN nỗ lực tìm khách hàng ngay tại nơi đầu tư nhà xưởng sản xuất từ khách mua lẻ đến các cửa hàng, tiệm tạp hóa... DN cũng đang đẩy mạnh kênh online, không chỉ nỗ lực tìm đại lý phân phối mà khách đặt các đơn hàng lẻ chúng tôi cũng sẵn sàng đáp ứng”.
Nói về kế hoạch phát triển thị trường nội địa, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (H.Cẩm Mỹ) Trương A Vùng chỉ ra, người Việt Nam rất chuộng sản phẩm sầu riêng mà loại trái cây này lại mang tính mùa vụ. Tiềm năng tiêu thụ mặt hàng sầu riêng cấp đông của thị trường nội địa vẫn rất lớn.
Theo ông Trương A Vùng: “DN đang có kế hoạch đầu tư thêm hệ thống kho lạnh để có nguồn sầu riêng đông lạnh cung cấp quanh năm chứ không chỉ mang tính thời vụ như hiện nay. DN tham gia làm sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cũng là những bước đi đầu tiên trong hành trình xây dựng uy tín, chất lượng để người tiêu dùng trong nước tin tưởng chọn lựa”.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV trong tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng NN-PTNT LÊ MINH HOAN chia sẻ: “Có hiệp hội DN ngành hàng nói với tôi, đất nước mình giàu rồi, tầng lớp trung lưu mình nhiều rồi, sẵn sàng mua nông sản giá cao. Vậy thì thị trường 100 triệu dân Việt Nam nằm ở đâu? Vấn đề là phải tổ chức lại thị trường nông sản trong nước. Muốn xây dựng thương hiệu nông sản ở nước ngoài thì hãy xây dựng thương hiệu trong nước. Niềm tin tiêu dùng nông sản trong nước là bệ đỡ để xuất khẩu nông sản ra thế giới”. |
Bình Nguyên