
Từ đầu năm đến nay, trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh có hàng chục dự án hoàn thành xây dựng văn phòng, nhà xưởng và đi vào hoạt động. Các dự án đều cần tuyển lao động nhưng trong thời gian ngắn rất khó tuyển đủ nhân lực.
Từ đầu năm đến nay, trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh có hàng chục dự án hoàn thành xây dựng văn phòng, nhà xưởng và đi vào hoạt động. Các dự án đều cần tuyển lao động nhưng trong thời gian ngắn rất khó tuyển đủ nhân lực.
![]() |
Công ty hữu hạn Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) nhập nhiều máy móc hiện đại về sản xuất nên một dây chuyền cần ít lao động. Ảnh: H.Giang |
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh có 32 KCN được thành lập, trong đó 31 khu đã đi vào hoạt động, 1 khu đang trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Hằng năm, những KCN còn đất cho thuê đều thu hút thêm dự án mới và dự án mở rộng đầu tư. Dự án đầu tư vào KCN đa số xây dựng nhà xưởng để sản xuất sản phẩm công nghiệp tiêu thụ trong nước, xuất khẩu.
* Áp lực thiếu lao động
Đồng Nai là trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam nên nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài muốn thuê đất trong các KCN để đặt nhà máy sản xuất. Bởi sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh bán trong nước hay xuất khẩu đều rất thuận tiện, giảm được chi phí, thời gian trong lưu thông hàng hóa. Sau khi thuê được đất trong các KCN, các DN đều rốt ráo triển khai xây dựng nhà máy sản xuất để sớm đi vào hoạt động. Mỗi năm trong các KCN của tỉnh sẽ có cả trăm nhà máy xây dựng xong và tiến hành sản xuất.
Dự kiến trong vài năm tới, khi 8 KCN của Đồng Nai hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tiến hành cho các DN thứ cấp thuê đất làm nhà xưởng sản xuất thì Đồng Nai sẽ cần thêm 450 ngàn lao động. Đây sẽ là cơ hội cho các trường cao đẳng, đại học và đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh. |
Ông Kim Byunggi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity cho biết: “Sau khi đầu tư dự án ở KCN Amata (TP.Biên Hòa) hoạt động tương đối hiệu quả, đầu năm 2021, công ty đã triển khai thêm một dự án mới tại KCN Hố Nai (H.Trảng Bom). Dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của công ty nhưng đầu năm 2022, dự án mới đã hoàn thành nhà xưởng và tuyển lao động để làm việc. Với dự án mới, công ty cần vài trăm lao động cho các khâu sản xuất, kinh doanh và không dễ tuyển đủ nhân lực trong thời gian ngắn”.
Từ cuối năm 2021, đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được khống chế, các DN trên đà phục hồi lại sản xuất, kinh doanh khá tốt. Đồng thời, Chính phủ kịp thời ban hành những chính sách mới để tạo thuận lợi cho DN hoạt động nên nhiều tập đoàn đa quốc gia, nhãn hàng quốc tế đã luân chuyển các đơn hàng lớn về Đồng Nai. Bên cạnh những thuận lợi thì DN mở rộng sản xuất cũng gặp áp lực lớn từ việc tuyển lao động có tay nghề, lao động phổ thông.
Ông Ngô Hoàng Hồ, Giám đốc Khối tổng vụ kinh doanh Công ty TNHH Việt Nam NOK ở KCN Amata chia sẻ: “NOK đang tiến hành mở rộng sản xuất để đáp ứng các đơn đặt hàng từ đối tác nước ngoài. Do đó, từ đầu năm đến nay, công ty liên tục tuyển thêm nhiều lao động có tay nghề, lao động phổ thông vào làm việc. Hiện nay, việc tuyển lao động có tay nghề rất khó khăn”.
* Giải pháp của các nhà máy
Hiện nay, trong các KCN của tỉnh có hơn 140 dự án đang xây dựng và khoảng 60 dự án sắp xây dựng. Theo lộ trình, từ 1-3 năm nữa, các dự án hoàn thành xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động. Như vậy, nguồn lao động cần cho các nhà máy lên đến hàng chục ngàn người. Để giảm gánh nặng thiếu nhân lực, nhiều DN cho biết họ sẽ nhập khẩu những máy móc hiện đại để tự động hóa các khâu trong sản xuất, thay thế bớt lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tiến ở KCN Amata, ngành may mặc thường phải sử dụng nhiều lao động cho sản xuất nên muốn mở rộng sản xuất phải thường xuyên tuyển thêm lao động. Thời gian qua, công ty đã nhập về nhiều loại máy móc mới, giảm lao động ở một số khâu nhưng năng suất chất lượng vẫn tăng.
Xu hướng của các DN đều sẽ ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất, kinh doanh để tăng hiệu quả. Do đó, ở Đồng Nai có những nhà máy sản xuất cần rất ít lao động, vì dây chuyền sản xuất đa số tự động, một lao động có thể theo dõi điều khiển 1-2 dây chuyền sản xuất, DN không còn nỗi lo thiếu lao động, không kịp sản xuất các đơn hàng lớn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh: “Trong những năm tới, Đồng Nai sẽ có thêm 8 KCN mới đi vào hoạt động và tỉnh tiếp tục ưu tiên mời gọi DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít lao động để từng bước thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất, hướng đến nền công nghiệp xanh. Về phần chính quyền địa phương, sẽ tiếp tục đồng hành tạo mọi điều kiện thuận lợi, giữ môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định nhất cho DN để dự án đầu tư đạt hiệu quả cao nhất”.
Trong 4 năm trở lại đây, DN trên địa bàn tỉnh chi trên 1 tỷ USD/năm để nhập các loại máy móc thiết bị hiện đại về để phục vụ cho sản xuất. Do đó, giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của Đồng Nai mỗi năm đều tăng khá cao. Trong bối cảnh công nghiệp phát triển, nhu cầu về lao động ngày càng tăng thì ứng dụng máy móc công nghệ tiến tiến là một trong giải pháp giảm áp lực về lao động.
Hương Giang