Báo Đồng Nai điện tử
En

Sớm giúp dân giải quyết 'đá mồ côi'

08:07, 02/07/2022

Khu vực đất sản xuất nông nghiệp thuộc các xã: Sông Trầu, Sông Thao, Thanh Bình của H.Trảng Bom có nhiều đá đơn lẻ (đá mồ côi) trên bề mặt. Những năm qua, để hạn chế việc lợi dụng cải tạo đất nông nghiệp khai thác đá trái phép, Đồng Nai không cho phép cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi khoáng sản.

Khu vực đất sản xuất nông nghiệp thuộc các xã: Sông Trầu, Sông Thao, Thanh Bình của H.Trảng Bom có nhiều đá đơn lẻ (đá mồ côi) trên bề mặt. Những năm qua, để hạn chế việc lợi dụng cải tạo đất nông nghiệp khai thác đá trái phép, Đồng Nai không cho phép cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi khoáng sản.

Đá mồ côi nhỏ lẻ được tập kết tại vườn trồng chuối của hộ dân ở ấp 6, xã Sông Trầu (H.Trảng Bom). Ảnh: L.An
Đá mồ côi nhỏ lẻ được tập kết tại vườn trồng chuối của hộ dân ở ấp 6, xã Sông Trầu (H.Trảng Bom). Ảnh: L.An

Mới đây, H.Trảng Bom kiến nghị ngành chức năng của tỉnh xem xét quy định cho phép di dời đá đi nơi khác để người dân thuận lợi sản xuất nông nghiệp.

* Cải tạo, tập kết đá nhưng không di chuyển được

Gia đình ông Đinh Văn Trung (ngụ ấp 6, xã Sông Trầu) có gần 3ha đất nông nghiệp. Nhiều năm qua, gia đình ông phải dành khoảng 0,3ha đất để tập kết đá. “Tôi muốn bán chỗ đá này để lấy đất canh tác nhưng vướng quy định không được đưa khoáng sản ra ngoài tiêu thụ. Muốn đào hố sâu 2-3m để chôn đá rồi tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì sợ bị cho là đào bới khai thác đá tảng nên đành để vậy” - ông Trung chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Thái (ngụ ấp 6, xã Sông Trầu) cho biết, trước đây gia đình ông hợp tác với một người để cải tạo đất nông nghiệp. Hình thức là người ta mang xe cuốc đến đào các tảng đá lớn chở đi, sau đó san phẳng bề mặt trả lại vườn. Gia đình ông không mất tiền cải tạo đất mà còn được trả ít tiền bán đá. Hiện tại, vườn nhà ông chỉ còn ít đá nhỏ lẻ, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp, nhưng nếu được ông vẫn muốn cho người đến chở số đá này về xây dựng hoặc làm đường giao thông.

Chủ tịch UBND xã Sông Trầu Nguyễn Văn Dũng cho rằng, nhu cầu cải tạo đất và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của người dân là cần thiết và cấp thiết. Nhưng hễ đưa xe máy cày, máy múc đến vườn là bị nói là cày xới đất đào đá khiến người dân không dám làm.

“Phần lớn đất sản xuất nông nghiệp ở xã Sông Trầu có đá mồ côi. Những năm trước có hoạt động khai thác đá tảng để cưa xẻ, chế tác. Tuy nhiên, tình trạng này giảm đáng kể, lâu lâu phát hiện một trường hợp. Cả 6 điểm cưa xẻ đá trái phép đã ngưng hoạt động, tháo dỡ nhà xưởng. Lãnh đạo huyện và xã thường xuyên đi kiểm tra đột xuất để kịp thời ngăn chặn và xử phạt hành vi khai thác, vận chuyển đá trái phép” - ông Dũng thông tin.

Qua nắm bắt thông tin thực tế tại các xã Sông Trầu và Thanh Bình, hiện các đối tượng chỉ thu mua đá tảng loại lớn, kích thước trên 1 khối phục vụ mục đích cưa xẻ, chế tác. Đá nhỏ lẻ trong vườn nhà dân vì khối lượng ít, phải xin giấy phép nên không có người mua. Người dân kiến nghị cho phép di chuyển đá nhỏ lẻ này để thuận lợi sản xuất nông nghiệp.

* Sớm có phương án tháo gỡ cho người dân

Tại buổi làm việc mới đây với Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Lê Tuấn Anh cho rằng, hiện nay người dân gặp khó khăn trong cải tạo đất nông nghiệp. Đá mồ côi nhỏ lẻ xếp quanh vườn hoặc tập kết lại thành đống mà không di chuyển ra ngoài được ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Người dân kiến nghị lên huyện nhưng nội dung này không thuộc thẩm quyền của địa phương. Do đó, huyện kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh gỡ vướng để người dân thuận lợi cải tạo đất, thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Phó trưởng phòng TN-MT H.Trảng Bom Ngô Đức Vượng cho rằng, các xã Sông Trầu, Sông Thao, Cây Gáo… có đá mồ côi ở khu vực đất sản xuất nông nghiệp. Trước đây, tỉnh vận dụng quy định cải tạo đất nông nghiệp có thu hồi khoáng sản nhưng hiện nay đã ngưng áp dụng quy định này. Thời gian qua, Phòng TN-MT huyện tăng cường kiểm ra, giám sát, ngăn chặn và xử phạt hành vi khai thác khoáng sản. Phòng kiến nghị phương án cho phép người dân vận chuyển đá mồ côi dôi dư trong quá trình cải tạo đất nông nghiệp ra khỏi vườn nhưng có thu phí hoặc thuế. Như vậy vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, vừa hạn chế việc lợi dụng cải tạo đất nông nghiệp để khai thác khoáng sản.

Chia sẻ về câu chuyện đá mồ côi tại H.Trảng Bom, Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho biết, UBND tỉnh đã giao cho Sở TN-MT tham mưu ban hành quy định thu hồi khoáng sản từ khu vực có đá mồ côi. Vướng mắc hiện nay là khu vực này không nằm trong khu quy hoạch khai thác khoáng sản, đá mồ côi không nằm trong nhóm khoáng sản đặc thù để phục vụ dự án đường cao tốc nên chưa có cơ sở tham mưu ban hành quy định. Sở TN-MT rà soát các quy định đồng thời làm văn bản kiến nghị Bộ TN-MT hướng dẫn.

Lê An

Tin xem nhiều