Tuy phải chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, giá cả nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao nhưng 6 tháng đầu năm 2022, ngành dệt may Việt Nam vẫn bứt phá vươn lên với mức tăng trưởng 21,6%. Tại Đồng Nai, dệt may là một trong 4 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất.
Tuy phải chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, giá cả nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao nhưng 6 tháng đầu năm 2022, ngành dệt may Việt Nam vẫn bứt phá vươn lên với mức tăng trưởng 21,6%. Tại Đồng Nai, dệt may là một trong 4 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất.
May quần áo xuất khẩu tại Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai. Ảnh: K.Minh |
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh đạt trên 963 triệu USD, tăng gần 13% và xếp thứ 4 trong các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh. Trong đó, ngành dệt may chiếm 7,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
* Tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu
Từ nhiều năm nay, dệt may là một trong 6 ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Ngoài đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu còn giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động với mức thu nhập ổn định. Khoảng 3-4 năm nay, nhiều nhà máy dệt may đã ứng dụng những máy móc công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất để tăng công suất, chất lượng sản phẩm và giảm áp lực về lao động. Do đó, sản xuất may mặc ở Đồng Nai được khách hàng nước ngoài đánh giá cao về năng lực, vì có thể hoàn thành được những đơn hàng lớn trong thời gian ngắn.
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) Bùi Thế Kích cho biết: “Trong 6 tháng qua, sản xuất, xuất khẩu của công ty tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước. Công ty nhận được nhiều đơn hàng lớn của các đối tác nước ngoài đến cuối năm nên không phải lo đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh những thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, công ty tiếp tục mở rộng thêm các thị trường khác”.
Hiện nay, mặt hàng may mặc của doanh nghiệp (DN) Đồng Nai đã xuất sang 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các DN đa số sản xuất theo đơn đặt hàng của các nhãn hàng lớn trên thế giới. Trên 80% sản phẩm dệt may làm ra để xuất khẩu, gần 20% tiêu thụ ở thị trường trong nước. Một số quốc gia có nhập khẩu hàng dệt may lớn của Đồng Nai là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Indonesia, Campuchia. Trong đó, riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 6-2022 đạt 190 triệu USD, tăng 19,5% so với tháng trước, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2021. Một số thị trường xuất khẩu hàng dệt may có mức tăng trưởng cao trong tháng 6-2022 so với cùng kỳ gồm: Nhật Bản 19 triệu USD, tăng 27%; Pháp 13 triệu USD, tăng 30%; Campuchia 8 triệu USD, tăng 100% và Indonesia 7,5 triệu USD, tăng 83%...
* Tăng trưởng vẫn có nguy cơ chậm lại
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, tăng trưởng của ngành dệt may trong 6 tháng cuối năm 2022 có thể sẽ chậm lại so với 2 quý đầu năm. Nguyên nhân do số lượng hàng tồn kho còn lớn, lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng ở nhiều nước trên thế giới, nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics neo ở mức cao. Toàn bộ những vấn đề trên sẽ tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng hàng dệt may từ DN sản xuất đến nhà bán lẻ. Vì thế, lợi nhuận của các DN dệt may có vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ bị thu hẹp.
Trong những tháng cuối năm 2022, đơn hàng dệt may trên thế giới có thể bị thu hẹp do hàng loạt tác động xấu lên nền kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhưng Việt Nam vẫn có những lợi thế nếu khai thác tốt, ngành dệt may vẫn giữ mức tăng trưởng khá. Cụ thể, khai thác những thị trường Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do, nhiều tập đoàn quốc tế đang tiếp tục phân bổ lại chuỗi cung ứng để không quá lệ thuộc vào một vài thị trường lớn. Nếu DN dệt may Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của đối tác thì sẽ dễ dàng nhận được đơn hàng. |
Theo đó, các đơn hàng dệt may trong những tháng cuối năm có thể bị thu hẹp, cạnh tranh giữa các DN ngành dệt may trên thế giới sẽ gay gắt hơn. Nhiều DN dệt may Đồng Nai và các tỉnh, thành khác chú trọng đầu tư nhà máy sản xuất xanh để đáp ứng nhu cầu của nhãn hàng, cơ hội nhận được đơn hàng sẽ lớn hơn.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng ngành dệt may thế giới như chiếc bánh ít thay đổi, trong khi ngành dệt may Việt Nam và các nước khác đều đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh. Do đó, DN dệt may muốn phát triển bền vững, giữ chân khách hàng truyền thống và tìm thêm được khách hàng mới thì phải đầu tư sản xuất khép kín từ sợi - dệt - vải - may và có lộ trình “xanh hóa” ngành dệt may.
Năm 2021, ngành dệt may chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, trong quý III-2021, nhiều nhà máy sản xuất phía Nam phải tạm dừng hoạt động nhưng kim ngạch xuất khẩu của năm vẫn đạt 40 tỷ USD. Năm 2022, mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam là 40-41 tỷ USD (kịch bản trung bình) và 42-43,5 tỷ USD (kịch bản cao). Tại Đồng Nai, dự kiến ngành dệt may sẽ về đích với gần 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, để đạt được mục tiêu đề ra, các DN phải linh hoạt trong điều hành sản xuất, kinh doanh. Các DN liên kết theo chuỗi để hỗ trợ lẫn nhau và phát triển theo yêu cầu của nhãn hàng. Ngoài sản xuất theo đơn hàng của các nhãn hàng quốc tế, DN dệt may chú ý xây dựng thương hiệu riêng để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Khánh Minh