Shipper (người giao hàng), xe ôm công nghệ là dịch vụ đáp ứng nhu cầu di chuyển, giao hàng, mua thức ăn... của người dân một cách nhanh chóng và tiện lợi. Đây cũng chính là mô hình công nghệ trở thành "cánh tay nối dài" để hỗ trợ cho nhiều ngành dịch vụ phát triển.
Shipper (người giao hàng), xe ôm công nghệ là dịch vụ đáp ứng nhu cầu di chuyển, giao hàng, mua thức ăn... của người dân một cách nhanh chóng và tiện lợi. Đây cũng chính là mô hình công nghệ trở thành “cánh tay nối dài” để hỗ trợ cho nhiều ngành dịch vụ phát triển.
Một shipper đến nhận đơn hàng đặt qua app (ứng dụng) trên thiết bị di động tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) để đi giao cho khách hàng. Ảnh: Lam Phương |
Tuy nhiên, giá xăng tăng 6 lần liên tiếp từ giữa tháng 4-2022 đến nay đã khiến thu nhập của shipper và tài xế xe công nghệ giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ.
* Áp lực gia tăng
Ông Trần Phương, nhân viên giao hàng của sàn thương mại điện tử S. ở khu vực P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) cho hay, tình trạng “bão giá” trong thời gian qua, đặc biệt là giá xăng tăng cao đã ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của ông. Vừa qua, sàn thương mại điện tử S. còn giảm cước đơn hàng từ 4,5 ngàn đồng xuống còn 4 ngàn đồng/đơn, trong khi đó shipper phải tự chi trả phí xăng xe, điện thoại, 4G nhập mã vận đơn, phí bảo dưỡng xe, cơm trưa... Tính trung bình mỗi ngày ông giao được 70-80 đơn thì thu nhập chỉ còn lại khoảng 150 ngàn đồng cho suốt cả ngày đi giao hàng.
Tương tự, ông Thành Quý, tài xế xe ôm công nghệ của một ứng dụng gọi xe ở khu vực Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho biết, để có thu nhập ổn định, ngày nào ông cũng phải chạy liên tục hết công suất mới được 15-20 cuốc xe. Mỗi cuốc xe chỉ từ 20-40 ngàn đồng, đa phần ở nội ô thành phố. Sau khi trừ chiết khấu app gần 30%, rồi tiền 4G, tiền điện thoại, khấu hao phương tiện..., thực chất lái xe chẳng còn lại được bao nhiêu, trong khi giá xăng tăng liên tục.
Theo ông Quý, vừa qua mọi người cho rằng các hãng xe ôm công nghệ thông báo tăng giá cước thì tài xế hưởng lợi nhưng thực tế thu nhập vẫn bị giảm sút, thậm chí nguy cơ lượng khách sẽ giảm theo nếu app tính phí quá cao.
“Công việc chính của tôi là di chuyển nên xăng lên giá thì chắc chắn thu nhập không được cao. Năm ngoái, tôi đổ 60 ngàn đồng xăng là đầy bình, bây giờ phải đổ 90 ngàn đồng. Hiện tại, tôi chỉ mong muốn giá xăng dầu sớm được điều chỉnh bình ổn trở lại để có thể tiếp tục bám trụ với nghề…” - ông Quý bộc bạch.
* Nhu cầu đặt hàng sụt giảm
Theo nhiều siêu thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong thời gian qua, mặt bằng giá cả liên tục tăng cao đã khiến cho sức mua bị giảm nhiều, trong đó các hình thức đặt mua trực tuyến cũng sụt giảm, số lượng đơn hàng không nhiều như trước. Điều này ít nhiều tác động đến hoạt động của các loại hình dịch vụ vận chuyển, giao hàng.
Giám đốc siêu thị MM Mega Market Biên Hòa Trần Đình Quyền cho biết, những tháng gần đây nhu cầu đặt hàng online đã bão hòa, số lượng đơn hàng trực tuyến không còn dồi dào như trước. Siêu thị vẫn đang kết nối với đơn vị chuyên về dịch vụ vận chuyển, giao hàng để giao các đơn hàng trực tuyến của siêu thị. Gần đây, do chi phí xăng dầu liên tục tăng cao nên siêu thị và đơn vị dịch vụ vận chuyển và giao hàng đã có thỏa thuận tăng giá cước vận chuyển phù hợp để hỗ trợ, đảm bảo hoạt động xuyên suốt.
Bà Ái Như, chủ cơ sở bán hàng online Diễm Clothing (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho hay, từ sau khi bùng phát dịch Covid-19, lượng đơn khách đặt hàng ngày càng nhiều nên bà phải kết nối thêm với một số shipper tự do để giao nhanh và thuận tiện. Lúc trước, giá xăng bình ổn, bà hỗ trợ freeship (miễn phí giao hàng) cho khách trong khu vực nội ô Biên Hòa, các tỉnh, thành khác cũng hỗ trợ một phần phụ ship để thu hút khách.
“Tuy nhiên, trong tình cảnh vật giá leo thang, dù rất muốn hỗ trợ khách nhưng tất cả các chi phí vận chuyển từ kho bãi, cửa khẩu về cửa hàng, từ cửa hàng đến khách đều tăng. Do đó, cửa hàng đã nỗ lực không tăng giá bán thì buộc phải giao cho shipper thu phí ship mới mong có lãi” - bà Như chia sẻ.
Ông Trần Phương cho biết thêm: “Phí vận chuyển, giao hàng là nguồn thu nhập chính nên tôi đành phải chấp nhận cố gắng, chỉ mong giá cả sớm ổn định hoặc các công ty giao hàng, vận chuyển sớm có phương án, chính sách hỗ trợ giảm bớt gánh nặng cho nhân viên như: hỗ trợ phí xăng xe, tăng cước đơn hàng... để đời sống bớt khó khăn hơn”.
Giá xăng, dầu “lập đỉnh” trong thời gian qua đã đẩy nhiều chi phí phát sinh đối với hoạt động vận chuyển, giao hàng như: bảo dưỡng xe, tiền cơm, tiền thuê nhà, phí sinh hoạt… Nhiều shipper cho biết, lúc trước ứng dụng “nổ” đơn ở đâu đều nhận dù ở xa vị trí đang đứng, nhưng hiện tại nhiều shipper đều cố gắng nhận 2-3 đơn, thậm chí 4-5 đơn cùng một tuyến đường để gộp giao cho đỡ tốn xăng xe, giảm bớt quãng đường di chuyển… |
Lam Phương