Báo Đồng Nai điện tử
En

Vừa du lịch, vừa bán nông sản tại vườn

07:06, 20/06/2022

Đồng Nai có thế mạnh là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn, nhiều loại cây trái đặc sản nổi tiếng như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... Những năm qua, một số mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi liên kết được hình thành đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản cho Đồng Nai.

Đồng Nai có thế mạnh là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn, nhiều loại cây trái đặc sản nổi tiếng như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... Những năm qua, một số mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi liên kết được hình thành đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản cho Đồng Nai.

Gian hàng giới thiệu nông sản và quảng bá sản phẩm du lịch sinh thái vườn tại Tuần lễ Tôn vinh trái cây và Chợ phiên nông nghiệp đô thị Tây Nam năm 2022 (TP.Long Khánh). Ảnh: Ngọc Liên
Gian hàng giới thiệu nông sản và quảng bá sản phẩm du lịch sinh thái vườn tại Tuần lễ Tôn vinh trái cây và Chợ phiên nông nghiệp đô thị Tây Nam năm 2022 (TP.Long Khánh). Ảnh: Ngọc Liên

Nông dân và các nhà quản lý rất quan tâm đến vấn đề tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Một trong những kênh đang được thực hiện mang lại hiệu quả tích cực thời gian gần đây là kết nối du lịch với nông nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch mới, tăng sự phong phú, đa dạng cho du lịch Đồng Nai và theo đúng xu hướng phát triển du lịch hiện nay.

* Uy tín thương hiệu phải “đi trước”

Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, nông sản Đồng Nai hiện chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc nên có sự lệ thuộc, bị động trong tiêu thụ. Nông sản thường xuyên gặp tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, nông dân phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm, chưa có sự liên kết bền chặt trong việc tiêu thụ sản phẩm, nên dù sản phẩm nông nghiệp của người dân ngày càng cải thiện chất lượng nhưng vẫn bị động trong tiêu thụ, phần lớn phụ thuộc vào thương lái.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm trái cây đặc sản của Đồng Nai có chất lượng tốt nhưng trên thực tế vẫn thiếu các chứng nhận cần thiết về chất lượng như: thông tin truy xuất nguồn gốc, kiểm duyệt hàm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mã số vùng trồng…

Bà Kim Mai, nông dân có hơn 14ha diện tích trồng chuyên canh xoài cát Hòa Lộc tại H.Xuân Lộc cho biết, bà luôn hướng đến sản xuất sạch để tạo đầu ra cho sản phẩm theo hướng xuất khẩu nhưng đến nay vẫn chưa có thành quả do còn thiếu các tiêu chuẩn.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, trái cây sạch vẫn chưa có chỗ đứng bền vững. Trái cây có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thường có giá rẻ hơn trái cây sạch, nhưng tâm lý người tiêu dùng vẫn ưa chuộng trái cây giá rẻ. Bà Mai rất mong các cơ quan chức năng hỗ trợ người nông dân có điều kiện duy trì sản xuất sạch, quảng bá sản phẩm địa phương mạnh hơn để tăng sự kết nối, tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước.

Cũng như bà Mai, một số nông dân tại các địa phương như: H.Tân Phú, H.Định Quán… chia sẻ mong muốn được hỗ trợ các quy trình sản xuất đạt chuẩn để xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương để người nông dân có thể chủ động hơn trong tiêu thụ sản phẩm.

* Gắn với phát triển du lịch

Trong chiến lược phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, Đồng Nai xác định, du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong 3 loại hình du lịch được chú trọng phát triển trong thời gian tới.

Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Đồng Nai có sự phát triển khá mạnh. Các sản phẩm du lịch đa dạng, nhiều quy mô khác nhau nhưng đều có sự đầu tư bài bản đang định hình trên thị trường. Một số mô hình du lịch đã và đang khai thác thành công như: du lịch sinh thái vườn tại TP.Long Khánh, các huyện: Vĩnh Cửu, Long Thành, Cẩm Mỹ, với các đặc sản chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, cam Hiếu Liêm, bưởi Tân Triều, ca cao Định Quán… Một số doanh nghiệp, hộ dân đã mạnh dạn đầu tư khai thác du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn điển hình, góp phần tăng đầu ra cho nông sản địa phương.

Chia sẻ về sự phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn thời gian qua, bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó giám đốc Sở VHTT-DL cho biết, du lịch nông thôn đã góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển của tỉnh. Hằng năm, mô hình du lịch này đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Qua hoạt động du lịch, ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương trong cộng đồng dân cư cũng được cải thiện và ngày càng nâng cao. Đây là những thành quả vừa góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của địa phương, vừa phát huy những giá trị sống đẹp trong cộng đồng từ việc thay đổi cách giao tiếp, sinh hoạt tại các vùng nông thôn. Đây cũng sẽ là kênh tiêu thụ mạnh các sản phẩm nông nghiệp cho người dân.

Để các sản phẩm nông nghiệp được biết đến rộng rãi, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ dân tham gia quảng bá nông sản tại các phiên chợ, hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành trong cả nước như: Góc phiên chợ xanh tử tế, Hội chợ triển lãm nông nghiệp - thương mại khu vực Tây Nam bộ, Festival lúa gạo Việt Nam… Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh được tham gia trưng bày như: bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… thu hút được sự quan tâm của khách tham quan.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều