2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hàng loạt mặt hàng trái cây tươi khó khăn về đầu ra, rớt giá, nông dân thua lỗ nặng. Nhưng riêng nông dân trồng sầu riêng vẫn đạt lợi nhuận tốt, cá biệt có nhà vườn vẫn thu về cả tỷ đồng/ha sầu riêng.
2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hàng loạt mặt hàng trái cây tươi khó khăn về đầu ra, rớt giá, nông dân thua lỗ nặng. Nhưng riêng nông dân trồng sầu riêng vẫn đạt lợi nhuận tốt, cá biệt có nhà vườn vẫn thu về cả tỷ đồng/ha sầu riêng.
Chế biến sầu riêng đông lạnh tại Công ty TNHH Chế biến nông sản Hạo Nguyên (xã Xuân Định, H.Xuân Lộc). Ảnh: Bình Nguyên |
Sầu riêng vẫn có những mùa trái “ngọt” kể cả khi thị trường tiêu thụ khó khăn do loại đặc sản này tiêu thụ tốt cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
* Thị trường tiêu thụ tốt
Sầu riêng là đặc sản được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Do đó, sầu riêng đầu vụ thường được bán với giá rất cao. Cụ thể, đầu mùa năm nay, giá bán sầu riêng tại vườn lên đến 100 ngàn đồng/kg. Hiện nhiều vườn bắt đầu cho thu hoạch rộ khiến mặt hàng này giảm giá mạnh, nhưng nông dân vẫn bán được với mức giá cho lợi nhuận tốt từ 30-35 ngàn đồng/kg.
Vụ thu hoạch sầu riêng năm nay, nhiều vùng sản xuất đạt năng suất tốt nên các nhà vườn kỳ vọng vụ thu hoạch sẽ trúng mùa, trúng giá.
Ông Bùi Văn Luyện, nông dân trồng sầu riêng tại xã Xuân Định (H.Xuân Lộc) cho biết, 2 vụ thu hoạch liên tiếp nông dân trồng sầu riêng cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tính chung lại, vườn sầu riêng vẫn cho lợi nhuận tốt. Dù năm nay dự báo thị trường tiêu thụ vẫn khó khăn, giá phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng đội lên cao nhưng nhà vườn vẫn đổ công chăm sóc kỹ lưỡng nên vườn sầu riêng đạt năng suất cao.
Ông Nguyễn Thanh Bình, người trồng sầu riêng tại xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) chia sẻ, gia đình ông chọn đầu tư trồng sầu riêng vì thấy cây trồng này thuộc tốp đầu về lợi nhuận. Thu hoạch cũng đỡ tốn nhân công hơn nhiều so với các loại trái cây khác như: măng cụt, chôm chôm… Hiện vườn cây của gia đình ông vẫn ở giai đoạn cho trái bói nên chưa đánh giá hết được giá trị kinh tế nhưng tiền bán trái đã đủ chi phí đầu tư chăm vườn và trang trải cuộc sống.
Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H.Xuân Lộc) nhận xét, sầu riêng đang đứng tốp đầu cho lợi nhuận cao so với các cây trồng khác. Thời điểm trúng mùa, trúng giá, 1 ha sầu riêng cho doanh thu gần 1 tỷ đồng. Do đó, nông dân ở vùng này đều chuyển sang trồng sầu riêng. HTX đã xây dựng được cánh đồng lớn chuyên canh cây sầu riêng theo chuẩn VietGAP, góp phần xây dựng thương hiệu trái sầu riêng sạch cho địa phương.
* Không lo ùn ứ nhờ phát triển chế biến
2 năm gần đây, trái cây tươi mang tính thời vụ thường bán ra với giá rẻ “như cho” nhưng vẫn rơi vào cảnh ùn ứ vì đầu ra, nhất là xuất khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Riêng nông dân trồng sầu riêng vẫn đạt lợi nhuận tốt. Nguyên nhân, loại cây này không phải nước nào cũng trồng được, thêm vào đó được cả thị trường nội địa và xuất khẩu ưa chuộng.
Ông Bùi Văn Luyện, nông dân trồng sầu riêng tại xã Xuân Định, H.Xuân Lộc vui mừng vì sầu riêng trúng mùa, trúng giá. Ảnh: Bình Nguyên |
Ông Đào Tuấn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Hạo Nguyên (xã Xuân Định, H.Xuân Lộc) cho hay, 2 năm nay, doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỷ đồng đầu tư dây chuyền làm sầu riêng đông lạnh xuất khẩu. Hiện doanh nghiệp đang chế biến từ 15-20 tấn sầu riêng/ngày và mạnh dạn đầu tư thêm vì xuất khẩu trái cây tươi hiện nay gặp rất nhiều rủi ro vì ảnh hưởng dịch Covid-19, nhất là khó ở thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc. Trong tình hình mới hiện nay, phát triển chế biến khiến doanh nghiệp chủ động hơn về hoạt động sản xuất, trái sầu riêng cũng không lo rơi vào cảnh ùn ứ hàng khi rộ vụ thu hoạch.
Cùng quan điểm, ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) chia sẻ, khi thị trường tiêu thụ trái cây tươi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ngành chế biến đã giải quyết được bài toán khó về khâu tiêu thụ. Doanh nghiệp có thể đưa vào chế biến được từ 30-50 tấn trái sầu riêng tươi/ngày và mua, trữ đông hàng trăm tấn sầu riêng tươi.
Theo đó, vụ thu hoạch sầu riêng năm ngoái rơi vào thời điểm giãn cánh xã hội, mọi hoạt động mua bán, xuất khẩu đều đình đốn nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất để tiêu thụ trái sầu riêng cho nông dân. Chỉ tính riêng thời điểm rộ vụ thu hoạch, trong vòng 20 ngày, doanh nghiệp đã mua cả ngàn tấn sầu riêng cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, nông dân trồng sầu riêng vẫn phấn khởi vì bán hết được sản phẩm với giá vẫn có lợi nhuận.
Theo các doanh nghiệp chế biến, đông lạnh sầu riêng, thị trường tiêu thụ mặt hàng sầu riêng đông lạnh còn rất giàu tiềm năng. Hiện thị trường xuất khẩu chính của sản phẩm sầu riêng đông lạnh là các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan… Một số doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng kênh xuất khẩu vào những thị trường khó tính hơn như: Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản... |
Bình Nguyên