Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản phẩm tốt cần thêm 'lớp áo' đẹp, tiện lợi

07:06, 29/06/2022

Ngày nay, thiết kế bao bì, nhãn mác không chỉ để trình bày, mô tả cho sản phẩm hay đơn thuần là bảo quản, chứa đựng sản phẩm mà còn đảm nhận vai trò như một "công cụ" để tiếp thị cho sản phẩm, thu hút người tiêu dùng chú ý nhiều hơn...

Ngày nay, thiết kế bao bì, nhãn mác không chỉ để trình bày, mô tả cho sản phẩm hay đơn thuần là bảo quản, chứa đựng sản phẩm mà còn đảm nhận vai trò như một “công cụ” để tiếp thị cho sản phẩm.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm sữa, sữa chua của Việt Nam tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm sữa, sữa chua của Việt Nam tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương

Những sản phẩm có thiết kế bao bì tinh tế sẽ được người tiêu dùng chú ý nhiều hơn, từ đó mang lại hiệu quả kinh doanh cao, tăng doanh số cho doanh nghiệp (DN), đồng thời góp phần giảm bớt chi phí cho các hoạt động quảng bá sản phẩm.

* Quan tâm cải tiến mẫu mã sản phẩm

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, để nâng cao sức cạnh tranh, giá trị của các sản phẩm hàng Việt không chỉ dừng ở “tốt gỗ” mà còn phải tốt cả “nước sơn”. Điều này góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng rằng chất lượng sản phẩm bên trong tương đồng với hình thức đẹp đẽ bên ngoài. 

Để chinh phục được điều này, bao bì phải thể hiện rõ nhãn hiệu, đặc tính, tạo cảm xúc nhiều nhất cho người tiêu dùng và truyền thông điệp về nhãn hiệu. Không khó để nhìn thấy biển hiệu quảng cáo sản phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng khi đến bất kỳ một đất nước, khu vực nào đều được cải biên, phối bằng những gam màu, họa tiết tổng thể phù hợp với nét văn hóa riêng biệt của đất nước, khu vực đó. Chính vì vậy, những sản phẩm của họ luôn làm hài lòng, thu hút người dùng lẫn du khách ở bất kỳ nơi nào họ dừng chân, vì họ chịu chi cho “lớp áo” theo phong cách “nhập gia tùy tục” vô cùng đặc sắc.

Hơn thế nữa, ngoài việc cải tiến hình thức, bộ nhận diện thương hiệu, nhiều DN trong nước đã điều chỉnh, thay đổi thiết kế đối với những chi tiết nhỏ trên bao bì để nâng cao tính tiện ích, dễ mở, dễ bảo quản sản phẩm bên trong. Từ đó có thêm nhiều lựa chọn về kiểu dáng, kích thước sản phẩm đáp ứng đa dạng hơn các đối tượng khách hàng.

Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) Liu Thị Yến cho biết, trong thời gian qua, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, công ty còn chú trọng cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm. Hơn 1 năm nay, bên cạnh các loại bao bì dạng túi, công ty còn triển khai thêm các loại bao bì hộp dạng quà tặng giúp khách hàng có thêm lựa chọn để mua biếu, tặng các sản phẩm trái cây sấy, nhất là vào dịp Tết. 

Nhiều DN, cơ sở sản xuất trong nước đã phát triển các ý tưởng, chương trình nhằm thúc đẩy tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường, trong đó có việc sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường thay cho việc sử dụng chai nhựa, bao bì ny-lông thông thường.

Theo đại diện một số siêu thị trong tỉnh, thời gian qua, các sản phẩm, mặt hàng Việt đã có nhiều cải tiến về mặt hình thức, tính tiện dụng của bao bì, mẫu mã, có nhiều sản phẩm đã chuyển sang sử dụng các loại bao bì thân thiện với người dùng, hướng tới yếu tố bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhìn chung phần lớn những cải tiến này đến từ những DN lớn trong nước, nhiều DN nhỏ vẫn còn gặp khó khăn trong việc cải tiến, nâng cao tính tiện dụng của bao bì sản phẩm; thiếu sự đầu tư, nguồn vốn để thiết kế bao bì; cách thể hiện, lựa chọn màu sắc một số loại bao bì vẫn còn lòe loẹt, rối mắt…

* Xu hướng, thẩm mỹ tiêu dùng ngày càng cao

Một mẫu mã, bao bì đẹp, ấn tượng sẽ đem lại giá trị truyền thông thương hiệu lớn trong khi một lớp vỏ đơn điệu hoặc quá lòe loẹt, thiếu thẩm mỹ tinh tế sẽ khiến cho việc quảng bá hình ảnh thấp đi. Ngoài ra, mẫu mã trên bao bì cũng phải phù hợp với văn hóa tiêu dùng, của thị trường xuất khẩu tiềm năng mà DN hướng tới.

Ông Nguyễn Văn Nhi (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, gia đình ông thường xuyên đi du lịch nhiều nơi, cả trong lẫn ngoài nước. Đối với ông, mua sắm không chỉ là việc tìm mua những gì cần thiết mà còn là sự trải nghiệm về cảm xúc, thẩm mỹ. Ngay cả ở những nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Malaysia, Singapore..., các sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm nội địa của họ đều được chú trọng đầu tư vào bao bì và chăm chút đến từng chi tiết, chỉ số ghi trên bao bì nên rất bắt mắt, hấp dẫn. Nhờ thế mà sản phẩm của họ trở nên đặc sắc đến mức không chỉ du khách muốn mua về làm quà mà đến cả người dân sở tại cũng mua về sử dụng.

“Bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, slogan “hàng Việt Nam chất lượng cao” là không phải bàn cãi nhưng thường khi du khách đến nước ta chỉ mua quà lưu niệm là nón lá, áo dài mà không phải là các đồ dùng, sản vật khác. Chính điều này cũng cho thấy bộ nhận diện thương hiệu, thông điệp được chuyển tải qua “ngoại hình” của các sản phẩm này không có gì ấn tượng khiến người tiêu dùng phải chú ý, yêu thích. Điều đó thật sự đáng tiếc bởi chất lượng hàng hóa của Việt Nam không hề kém cạnh so với nước ngoài, thậm chí một số mặt hàng còn vượt trội” - ông Nhi chia sẻ.

Bà Lệ Hằng (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay, đối với bà, bao bì tác động rất lớn đến hành vi mua sắm. Ngoài các hàng tiêu dùng nhanh cho gia đình như: gia vị, bột giặt, giấy vệ sinh... mặc định mua những loại gia đình quen dùng thì các sản phẩm từ quần áo, giày dép cho đến thực phẩm, bánh kẹo..., bà đều có thể thay đổi theo ý thích mà không cố định mua nhãn hàng nào.

“Theo sự phát triển của xã hội, nhu cầu “ăn no mặc ấm” đã dần chuyển sang “ăn ngon mặc đẹp”, do đó dù là “lướt” mua hàng trên mạng, sàn thương mại điện tử hay dạo các cửa hàng mua sắm, tôi đều để mắt tới những sản phẩm có thiết kế, bao bì đẹp, tinh tế. Với tôi, chất lượng tốt là điều bắt buộc nhưng hình thức bao bì, mẫu mã tốt, đẹp, bắt mắt, thân thiện với môi trường, cũng là điều quan trọng. Do vậy, thị hiếu người tiêu dùng ngày nay ở một sản phẩm không chỉ là “nước sơn” tốt mà “chất lượng gỗ” cũng phải tốt không kém” - bà Hằng nói.

Theo nhiều chuyên gia, trên thực tế hiện nay, các DN trong nước dường như tập trung nhiều hơn cho khâu chất lượng mà chưa thực sự chú ý đến phần mẫu mã và bao bì sản phẩm, cũng như xây dựng bộ nhận diện thương hiệu. Ngay cả những logo, biển hiệu quảng cáo còn đơn giản, thiếu sáng tạo, chưa thực sự phù hợp. Điều này cũng sẽ khiến cho các sản phẩm hàng Việt mất dần ưu thế so với các sản phẩm cùng loại ngoại nhập hoặc các sản phẩm của những công ty, tập đoàn đa quốc gia…

Lam Phương

Tin xem nhiều