Trong kết quả rà soát về đất đai của tỉnh thì xã Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu) có hàng trăm ha đất công chưa được quản lý chặt chẽ. Hiện xã Hiếu Liêm đang gấp rút kiểm tra lại toàn bộ đất công trên địa bàn để quản lý chặt, tránh bị lấn chiếm, tranh chấp.
Trong kết quả rà soát về đất đai của tỉnh thì xã Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu) có hàng trăm ha đất công chưa được quản lý chặt chẽ. Hiện xã Hiếu Liêm đang gấp rút kiểm tra lại toàn bộ đất công trên địa bàn để quản lý chặt, tránh bị lấn chiếm, tranh chấp.
Xã Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu) đang tiến hành cắm bảng các khu đất công để tránh bị tranh chấp, lấn chiếm. Ảnh: H.Giang |
Hiện nay, UBND xã Hiếu Liêm đang quản lý, sử dụng khoảng 346 thửa đất công có diện tích gần 426ha. Trong đó, 10 thửa đất do UBND xã đang trực tiếp sử dụng và 336 thửa đất nằm trong hành lang bảo vệ công trình thủy điện Trị An, UBND xã hợp đồng cho thuê và khu vực bãi cạn trên sông Đồng Nai.
* Rà lại từng thửa đất công
Trước đây, gần 2,1 ngàn ha đất trên địa bàn xã Hiếu Liêm do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quản lý, sử dụng. Cuối năm 2007, UBND tỉnh có Quyết định số 4682/QĐ-UBND giao về cho UBND xã Hiếu Liêm quản lý, lập quy hoạch sử dụng đất. Vị trí, ranh giới khu đất được xác định theo bản đồ hiện trạng.
Trong diện tích đất giao cho UBND xã Hiếu Liêm quản lý có gần 426ha đất công, xã sử dụng để làm các trụ sở của cơ quan nhà nước, công trình công cộng hơn 4ha. Diện tích gần 422ha đất công còn lại nằm trong hành lang an toàn công trình thủy điện, khu vực cạn của sông Đồng Nai và một số thửa đất được UBND xã Hiếu Liêm ký hợp đồng cho người dân thuê từ nhiều năm trước. Trong số đó có những thửa đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng ổn định nhiều năm nhưng không có hợp đồng giao khoán trước khi giao về cho UBND xã quản lý.
Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm Trần Văn Tâm cho biết: “Xã đã thành lập Tổ quản lý đất công để tiến hành kiểm kê, phân loại theo quy định của pháp luật. Trên địa bàn xã có 3 ấp và diện tích đất công nằm trải dài ở các ấp nên phải thực hiện kiểm kê theo hình thức cuốn chiếu, lần lượt từng ấp. Các khu đất công cho thuê đã hết thời hạn sẽ ưu tiên thu hồi trước để giao lại cho trung tâm phát triển quỹ đất huyện, tỉnh tiến hành đấu giá”.
Theo Sở TN-MT, kết quả kiểm tra đất công vào cuối năm 2021, toàn tỉnh có gần 600 trường hợp lấn chiếm, tranh chấp đất công, tập trung ở các huyện: Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Cẩm Mỹ. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý đất đai của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ và để việc lấn chiếm, tranh chấp diễn ra trong thời gian dài, chưa xử lý triệt để.
* Xử lý nhanh để giữ đất công
Hiện nay, giá đất tại Đồng Nai khá cao nên việc kiểm kê và xử lý nhanh những vi phạm, vướng mắc để quản lý chặt đất công là rất cần thiết, vì không cắm mốc, quản lý chặt sẽ dẫn đến lấn chiếm, tranh chấp và thất thoát. Từ giữa năm 2018, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2976/QĐ-UBND phê duyệt phương án quản lý và khai thác sử dụng quỹ đất công trên địa bàn Đồng Nai. Trong đó, phê duyệt kết quả rà soát, đánh giá hiện trạng quỹ đất do UBND cấp xã quản lý, sử dụng; đất giao cho trung tâm phát triển quỹ đất quản lý, khai thác và đất của các công ty nông, lâm trường, ban quản lý rừng.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh NGUYỄN HỒNG QUẾ cho hay: “Qua rà soát, toàn tỉnh có 29.068 thửa đất công với diện tích gần 13.144ha do UBND cấp xã quản lý, sử dụng. Trong đó, xã sử dụng trực tiếp hơn 3,8 ngàn ha; cho thuê, mượn hơn 1.060ha; các hộ gia đình, tổ chức sử dụng gần 7,4 ngàn ha; tranh chấp lấn chiếm hơn 870ha. Tỉnh đã yêu cầu các xã, phường quy hoạch và lập phương án sử dụng đất công để quản lý, sử dụng hiệu quả”. |
Tại xã Hiếu Liêm, công tác quản lý đất công đang gặp khó khăn trong việc kiểm kê, thu hồi hoặc tiếp tục cho thuê. Một số hộ dân đang sử dụng các khu đất công tại xã Hiếu Liêm cũng mong muốn có thể ký hợp đồng thuê lại đất để sản xuất.
Ông Phan Văn Thành (ngụ ấp 2, xã Hiếu Liêm) chia sẻ: “Năm 2001, gia đình tôi có khai hoang ven hồ Trị An được hơn 1ha đất để trồng trọt. Sau này, xã kiểm tra, thông báo đó là đất công và cũng chưa có phương án cụ thể là đất đó sẽ thu hồi hay cho gia đình tôi tiếp tục sản xuất. Tôi với nhiều bà con trong ấp rất mong xã, huyện sớm có phương án cụ thể. Nếu đất chưa sử dụng, có thể ký hợp đồng giao khoán với gia đình tôi và các hộ dân khác từ 10-15 năm để đầu tư trồng cam, quýt tăng thu nhập, về phía Nhà nước cũng có thêm nguồn thu”.
Đến nay, các trường hợp đất công UBND xã Hiếu Liêm ký hợp đồng cho thuê và một số trường hợp khác đã được kiểm tra rà soát hiện trạng theo từng thửa đất được 35 thửa đất của 30 hộ gia đình, cá nhân sử dụng. UBND xã đã mời làm việc 21/30 trường hợp, kết quả có 7/21 trường hợp đồng ý giao trả đất cho UBND xã quản lý và đề xuất nếu Nhà nước có chủ trương cho đấu giá thì ưu tiên cho họ được tham gia đấu giá thuê đất theo quy định. Các trường hợp còn lại có một số hộ không đồng ý giao đất với lý do là đất gia đình khai phá sử dụng từ năm 1997-1998 đến nay. Hiện UBND xã đang tiếp tục kiểm tra thực địa và mời những cá nhân, hộ gia đình các thửa đất công còn lại lên làm việc.
Hương Giang