Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp trong nước tăng tốc phục hồi sản xuất, kinh doanh

08:06, 24/06/2022

Trong gần 6 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước có tốc độ phục hồi sản xuất khá nhanh. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong gần 10 năm qua.

Trong gần 6 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước có tốc độ phục hồi sản xuất khá nhanh. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong gần 10 năm qua.

Chế biến nông sản để xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm GC ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom). Ảnh: Hương Giang
Chế biến nông sản để xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm GC ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom). Ảnh: Hương Giang

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, 6 tháng đầu năm 2022, các DN tư nhân có vốn đầu tư trong nước có tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 3 tỷ USD, tăng hơn 38% và chiếm gần 23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. DN có vốn nhà nước và DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm hơn 77%, nhưng mức tăng chỉ từ 7-9%.

* Thích nghi và phục hồi nhanh

Sau đại dịch Covid-19, các DN có vốn đầu tư trong nước trên địa bàn Đồng Nai có sự thích nghi và phục hồi kinh tế khá nhanh. Nhiều DN đã sớm ổn định lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế của địa phương và cả nước. Sự tăng tốc của DN có vốn đầu tư trong nước đã giúp cho thị phần của khối này tăng thêm khoảng 4% so với cuối năm 2020.

 Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Thực phẩm GC (ở Khu công nghiệp Hố Nai, H.Trảng Bom) Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết: “Từ đầu năm đến nay, GC xuất khẩu hơn 5 ngàn tấn nông sản chế biến sâu gồm: nha đam, thạch dừa, trái cây, nước ép cấp đông sang hơn 10 quốc gia, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường xuất khẩu chính của công ty là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Công ty vẫn tiếp tục mở rộng tiêu thụ sang các nước khác và đa dạng các dòng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên thế giới”.

Hiện GC là công ty cung cấp sản phẩm nha đam lớn nhất Việt Nam. Tại thị trường nội địa, đa số sản phẩm được bán cho Vinamilk, NutiFood và công ty đã hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu.

Hiện nay, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại do tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, xung đột giữa Nga - Ukraine làm căng thẳng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn cầu, nhất là ở các mặt hàng năng lượng và lương thực. Tuy nhiên, nhiều DN có vốn đầu tư trong nước vẫn trụ vững và phát triển là nhờ có sự linh hoạt, kịp thời thích ứng để nhận được những đơn hàng từ đối tác trong nước, nước ngoài.

Ông Lê Bạch Long, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) cho hay: “Thời gian qua, DN đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, giá vận chuyển hàng hóa tiếp tục leo thang, trong khi giá bán sản phẩm chưa tăng tương xứng. Theo đó, lợi nhuận của nhiều DN giảm nhưng các DN vẫn nỗ lực tìm thêm đơn hàng trong nước, nước ngoài nhằm mở rộng sản xuất và tiêu thụ, ổn định sản xuất. Riêng Nam Long, từ đầu năm 2022 đến nay vẫn tiếp tục nâng công suất các nhà máy để đáp ứng những đơn hàng lớn của khách hàng trong và ngoài nước”.

* Tình hình sẽ sáng sủa hơn

Theo dự báo của Bộ Công thương, tình trạng căng thẳng chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn cầu sẽ dần được giải quyết, giá hàng hóa sẽ giảm nhiệt và ổn định trở lại khi các nước tăng cường các biện pháp kiểm soát lạm phát. Đồng thời, các nước ưu tiên tín dụng cho khôi phục chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa khi dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát khá tốt ở nhiều nơi trên thế giới. Riêng giá các mặt hàng năng lượng và sản phẩm nông nghiệp như lúa, mì, ngũ cốc, giá sẽ tiếp tục neo ở mức cao do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng từ Nga, Ukraine.

Tại Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để ổn định thị trường, ngăn ngừa rủi ro cho nền kinh tế. Dự báo nền kinh tế trong nước tiếp tục ổn định, riêng lĩnh vực công nghiệp vẫn giữ mức tăng trưởng khá, giúp cho xuất khẩu tăng trưởng cao. Việt Nam là nơi sẽ đón nhận được nhiều đơn hàng lớn của các nhãn hàng quốc tế nhờ kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và có những chính sách phục hồi kinh tế kịp thời.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhận xét, từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn do nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt, giá tăng cao dẫn đến chi phí đầu vào cho sản xuất gia tăng. Tuy nhiên, DN Đồng Nai vẫn trụ vững và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh đặt mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN hoạt động hiệu quả.

Đồng Nai ban hành các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong nước về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối giao thương để mở rộng sản xuất. Tỉnh gấp rút đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp để DN Việt có thể di dời, đầu tư mới các nhà máy sản xuất đáp ứng những yêu cầu về môi trường, phòng chống cháy, nổ... Như vậy sẽ dễ dàng tiếp cận và trở thành đối tác cung ứng sản phẩm cho DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Theo Sở Công thương, các DN có vốn đầu tư trong nước tại Đồng Nai đa số đầu tư vào sản xuất công nghiệp và kinh doanh dịch vụ. Các DN tham gia vào sản xuất công nghiệp chủ yếu trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến thực phẩm.

Hương Giang

Tin xem nhiều