Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp ngóng các gói hỗ trợ

08:06, 18/06/2022

Khá nhiều gói hỗ trợ trong các chính sách hỗ trợ đã được đưa ra và triển khai từ đầu năm để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân và nền kinh tế nhưng theo đánh giá, tốc độ triển khai các hỗ trợ vẫn rất chậm, dù đã bước vào 6 tháng cuối năm.

Khá nhiều gói hỗ trợ trong các chính sách hỗ trợ đã được đưa ra và triển khai từ đầu năm để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân và nền kinh tế nhưng theo đánh giá, tốc độ triển khai các hỗ trợ vẫn rất chậm, dù đã bước vào 6 tháng cuối năm.

Tăng tốc sản xuất những tháng cuối năm, doanh nghiệp rất cần nguồn vốn vay ưu đãi. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành). Ảnh: V.Gia
Tăng tốc sản xuất những tháng cuối năm, doanh nghiệp rất cần nguồn vốn vay ưu đãi. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành). Ảnh: V.Gia

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang hồi phục và sự thiếu hụt nguồn cung ứng trên thế giới thì đây là cơ hội cho các DN đẩy mạnh sản xuất, cung ứng ra thị trường. Vấn đề là sau giai đoạn khó khăn, nguồn lực hạn chế nên các DN mong sớm tiếp cận được các chính sách hỗ trợ một cách nhanh hơn.

* Giải ngân chậm

Để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ đã quyết định công bố các gói hỗ trợ về chính sách với hơn 300 ngàn tỷ đồng từ ngân sách. Ngay từ đầu năm, các gói hỗ trợ này bắt đầu được triển khai đến người dân, DN, nhưng đến nay tốc độ diễn ra chậm.

Tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vào ngày 9-6 vừa qua, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh có báo cáo về tiến độ thực hiện gói phục hồi kinh tế - xã hội, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

“Chúng tôi có nhu cầu vay vốn để phục hồi cũng như tái mở rộng sản xuất nhưng khó đáp ứng các tiêu chí. Do vậy, các chính sách cần xem xét nhiều đến các DN vừa và nhỏ để có những cơ chế phù hợp, đơn giản, linh động và có thể tiếp cận trực tiếp được đến các đối tượng nói trên, nhất là trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch…” - ông Đặng Trần Hoàng Thụy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thiên Triều An bày tỏ mong muốn.

Theo Phó thủ tướng, đến nay Chính phủ đã ban hành 6 nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất; 3 quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.

Tính đến hết tháng 5, Chính phủ đã giải ngân khoảng 33 ngàn tỷ đồng trong gói phục hồi kinh tế - xã hội. Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội và cộng đồng DN, tiến độ giải ngân như vậy mới chỉ đạt khoảng 10% so với quy mô mà gói hỗ trợ đã đặt ra. Khi thảo luận thông qua nghị quyết này một cách nhanh nhất, khẩn trương nhất nhưng có vẻ chưa qua được vòng thủ tục, tiến độ rất chậm. Mặc dù có cơ chế đặc thù nhưng giải ngân vốn chậm và không đạt kế hoạch.

Đối với cộng đồng DN, theo ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa), giai đoạn này các DN đang nỗ lực sản xuất để phục hồi tăng trưởng và đáp ứng nhu cầu của các đối tác. Hiện đã bước vào thời điểm 6 tháng cuối năm nhưng các kế hoạch sản xuất sẽ bị tác động rất lớn nếu DN thiếu kinh phí để đáp ứng các đơn hàng. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ cần kịp thời, nhanh chóng hơn; nếu không, việc DN tận dụng cơ hội sau dịch sẽ thêm phần khó khăn.

* Cần xem xét nới lỏng điều kiện vay vốn ưu đãi

Đối với các DN, ngoài những chính sách hỗ trợ chung thì vấn đề vay vốn giai đoạn này là rất quan trọng. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho các DN vay trong khoảng thời gian từ đầu năm nay đến hết năm 2023 với kinh phí 40 ngàn tỷ đồng được kỳ vọng sẽ là nguồn hỗ trợ giúp DN, HTX, hộ kinh doanh sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, nhưng việc tiếp cận chính sách này không dễ.

Thiếu vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh là chuyện muôn thuở của DN, hộ kinh doanh, nhất là sau đại dịch Covid-19. Hiện tại, cộng đồng DN đang mong được tiếp cận sớm gói hỗ trợ này với những ưu đãi như tiết giảm điều kiện và được giải ngân sớm để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, sớm thoát khỏi khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Đại diện một DN ngành sản xuất cơ khí, chế tạo cho hay, sau đại dịch, DN của ông muốn mở rộng sản xuất để phục vụ nhu cầu đang phục hồi và cần vay vốn nhưng đa số tài sản đảm bảo đã thế chấp cho ngân hàng. Khi nghe nói gói vay ưu đãi hỗ trợ lãi suất 2%, ông có tìm hiểu nhưng khó đáp ứng điều kiện về tài sản thế chấp, phương án kinh doanh, dòng tiền. “Là DN nhỏ, đang trong giai đoạn tích lũy nguồn lực và lớn dần lên, chúng tôi mong muốn chính sách hỗ trợ nới lỏng điều kiện để có thể dễ tiếp cận hơn với nguồn vốn hỗ trợ” - đại diện DN trên nói.

Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thiên Triều An (TP.Biên Hòa) Đặng Trần Hoàng Thụy cho hay, ông theo dõi rất sát sao kỳ họp Quốc hội vừa qua nhưng phần trả lời chất vấn của Bộ Tài chính và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chưa thực sự thỏa mãn. Các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân không được cụ thể hóa và không đưa ra thời gian cụ thể. Về những gói hỗ trợ khoanh vùng nợ xấu, giãn nợ và hỗ trợ lãi suất cho DN thực sự vẫn chưa phát huy được hiệu quả với các DN vừa và nhỏ vì còn rất nhiều bất cập về thủ tục giấy tờ, điều kiện và ràng buộc mới được tiếp cận.

Văn Gia

Tin xem nhiều