Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp lo thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất

07:06, 21/06/2022

Trung Quốc là thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp lớn nhất của Đồng Nai. Hiện nước này vẫn theo đuổi "Zero Covid" nên ảnh hưởng lớn đến xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhiều doanh nghiệp (DN) Đồng Nai đang lo thiếu nguyên liệu cho sản xuất.

Trung Quốc là thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp lớn nhất của Đồng Nai. Hiện nước này vẫn theo đuổi “Zero Covid” nên ảnh hưởng lớn đến xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhiều doanh nghiệp (DN) Đồng Nai đang lo thiếu nguyên liệu cho sản xuất.

Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) đang tìm nguồn cung nguyên liệu từ thị trường khác ngoài Trung Quốc
Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) đang tìm nguồn cung nguyên liệu từ thị trường khác ngoài Trung Quốc. Ảnh: K.Minh

Theo Sở Công thương, 5 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc gần 2 tỷ USD, chiếm 24% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc là thiết bị, dụng cụ phụ tùng; sắt thép; hóa chất; linh kiện điện tử; vải các loại; nguyên phụ liệu ngành giày dép...

* Xuất hiện tình trạng thiếu nguyên liệu

Các DN nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn vì nguồn cung bị hạn chế và hàng hóa giao chậm hơn so với kế hoạch. Vì thế, những DN còn nguyên liệu dự trữ sẽ bớt bị động, còn những DN sản xuất đến đâu nhập khẩu nguyên liệu về đến đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất, kinh doanh.

Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Thu cho biết: “Nguồn nguyên liệu cho sản xuất giày dép của công ty đa số phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đã dẫn đến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của công ty. Do đó, công ty buộc phải tính toán lại kế hoạch sản xuất và tìm nguồn nguyên liệu từ nơi khác để thay thế”.

Theo các DN, ngoài ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, chính quyền tỉnh Đồng Nai nên xúc tiến thương mại tại chỗ theo từng ngành. Như vậy, DN trên cùng lĩnh vực có thể gặp gỡ, trao đổi và liên kết cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau, giảm được nhập khẩu và tăng xuất siêu.

Ngành dệt may, giày dép, điện tử, xơ sợi dệt, cơ khí ở Đồng Nai đang phải nhập khẩu nguyên liệu từ
40-70%, trong đó Trung Quốc là nơi cung ứng sản phẩm đầu vào lớn nhất. Vì thế, khi thị trường này gặp trở ngại sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt DN tại Đồng Nai cũng như cả nước.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhận xét: “Hiện nay, các DN trong nước mới đáp ứng được gần 50% nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may, còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc và nhiều thị trường khác. Việc nhập khẩu nhiều nguyên liệu khiến cho các DN dệt may khó chủ động trong sản xuất. Hiện nhiều nhà máy may mặc tại Việt Nam đang gặp khó khăn vì các DN Trung Quốc không giao hàng đúng tiến độ”.

Nhiều sản phẩm đầu vào cho ngành công nghiệp của Đồng Nai phải nhập khẩu từ Trung Quốc, DN đang gấp rút tìm nguồn cung từ các nước khác thay thế để sản xuất không bị gián đoạn.

* Tìm nguồn cung nguyên liệu từ nhiều nơi

Gần đây, DN Đồng Nai cũng như cả nước đã chuyển qua nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN. Theo Bộ Công thương, trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc khoảng 28,5 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu từ Nhật Bản 14,2 tỷ USD, tăng gần 15% và từ ASEAN 20,9 tỷ USD, tăng hơn 18%. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 49,6 tỷ USD. Điều này cho thấy, dù đã có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đầu vào nhưng sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn còn lệ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc.

Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) Bùi Thế Kích cho biết: “Đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, nhiều DN ở Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề do nguồn cung nguyên liệu bị đứt đoạn. Các DN buộc phải tìm nguồn cung trong nước và nhiều nước khác để thay thế. Do đó, các DN trong nước sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nếu đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, số lượng và giá cả cạnh tranh sẽ dễ dàng nhận được những đơn hàng lớn”. Từ trong đại dịch Covid-19, nhiều DN của Đồng Nai đã chú trọng trong việc tìm nguyên liệu đầu vào trong nước để chủ động sản xuất và giảm thời gian, chi phí vận chuyển.

Theo ông Wu Ming Ying, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai, Tổng giám đốc Công ty Hữu hạn công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom), Việt Nam kiểm soát dịch bệnh khá tốt và có nhiều chính sách hỗ trợ DN kịp thời nên các DN đều muốn tìm được nhà cung sản phẩm đầu vào ở nội địa để giảm bớt những rủi ro. Thời gian qua, các DN Đài Loan liên tục tìm thêm những đối tác tại Việt Nam để liên kết sản xuất, giảm nhập khẩu nguyên liệu. Đây là cơ hội cho DN Việt, DN nước ngoài đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ cho các ngành tại Việt Nam.

Trong 5 năm qua, công nghiệp hỗ trợ của Đồng Nai có sự tăng tốc nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chung. Tỉnh có những chính sách ưu tiên cho những DN đầu tư vào lĩnh vực trên để nâng dần tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm và tăng giá trị gia tăng cho các ngành.

Khánh Minh

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích