Báo Đồng Nai điện tử
En

'Chạy đua' ứng dụng công nghệ để giảm lao động

07:06, 29/06/2022

Theo số liệu thống kê của tỉnh, quy mô sử dụng lao động bình quân trên mỗi doanh nghiệp (DN) ngày càng ít đi. Các DN tại Đồng Nai ngày càng chú trọng đầu tư máy móc công nghệ hiện đại để giảm lao động nhưng sản lượng hàng hóa vẫn tăng.

Theo số liệu thống kê của tỉnh, quy mô sử dụng lao động bình quân trên mỗi doanh nghiệp (DN) ngày càng ít đi. Các DN tại Đồng Nai ngày càng chú trọng đầu tư máy móc công nghệ hiện đại để giảm lao động nhưng sản lượng hàng hóa vẫn tăng.

Ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong ảnh: Người lao động vận hành máy tại Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp An Phát (TP.Biên Hòa). Ảnh: Văn Gia
Ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong ảnh: Người lao động vận hành máy tại Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp An Phát (TP.Biên Hòa). Ảnh: Văn Gia

Tốc độ gia tăng số lượng DN lớn hơn tốc độ thu hút lao động chứng tỏ ngày càng có nhiều DN nhỏ và vừa, DN mới gia nhập thị trường, môi trường kinh doanh đã có sự năng động hơn. Bên cạnh đó, điều này cũng phù hợp chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh hiện nay là ưu tiên công nghệ cao, thân thiện môi trường và sử dụng ít lao động.

* Tốc độ gia tăng DN lớn hơn tốc độ gia tăng lao động

Theo số liệu thống kê của Cuộc điều tra kinh tế năm 2021 do Cục Thống kê Đồng Nai thực hiện, số lượng DN giai đoạn 2016-2020 tăng khá nhanh khoảng 10,5%/năm, nhưng tốc độ tăng trưởng thu hút lao động chậm lại, chỉ tăng 2%/năm. Điều đó cho thấy quy mô tuyển dụng lao động bình quân trên mỗi DN ngày càng giảm, số lượng DN mới, DN nhỏ và vừa gia nhập thị trường ngày càng nhiều, khoảng 5 ngàn DN/năm nhưng lao động bình quân trong một DN từ 62 người/DN vào năm 2016 xuống còn 44 người/DN vào năm 2020.

Thời gian qua, DN tư nhân gia nhập thị trường ngày càng nhiều khi môi trường kinh doanh được cải thiện và các chủ DN nhận thấy tiềm năng, cơ hội của mình.

Giám đốc Công ty TNHH Astek (DN khởi nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa ở TP.Biên Hòa) Lê Xuân Thời cho biết, công ty của ông ra đời trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Khi các DN khó tuyển dụng lao động hơn thì công nghệ, kỹ thuật giúp họ giải phóng sức lao động và những giải pháp, máy móc tự động hóa có thể giúp giải quyết vấn đề đó. “Chúng tôi là DN khởi nghiệp, ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại nên số lượng lao động không cần nhiều nhưng vẫn có thể chế tạo, phát triển máy móc đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng” - ông Thời chia sẻ.

Đó cũng là chia sẻ của ông Nguyễn Hòa An, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp An Phát
(TP.Biên Hòa). Theo ông An, vì nhiều lý do nên hiện nay mức độ cạnh tranh, việc thu hút lao động ngày càng khó khăn khi nguồn cung lao động sụt giảm. Điều đó buộc các DN phải đổi mới máy móc, công nghệ để giải phóng sức lao động, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm đưa ra thị trường.

* Phù hợp xu hướng thu hút đầu tư của tỉnh

Các DN mới thành lập hoặc DN đã có quá trình hoạt động lâu dài trên địa bàn tỉnh đều hướng đến bộ máy tinh gọn bằng cách ứng dụng khoa học công nghệ vào nhiều khâu từ sản xuất đến kinh doanh. Theo đó, hằng năm các DN tại Đồng Nai chi trên 1 tỷ USD để nhập khẩu các máy móc hiện đại về thay thế dây chuyền sản xuất cũ và mở thêm các dây chuyền sản xuất mới. Nhiều khâu trong sản xuất của DN đã được tự động hóa, chỉ cần 1-2 lao động thay vì 5-6 lao động. Bên cạnh đó, nguồn lao động cho các DN cũng đòi hỏi phải có tay nghề cao để làm chủ máy móc công nghệ. Điều này phù hợp với yêu cầu của tỉnh trong phát triển công nghiệp.

Trước đây, để phát triển công nghiệp và tạo việc làm cho người lao động, cũng như nhiều địa phương khác, Đồng Nai có sự thu hút đông các DN, nhất là nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực công nghiệp giản đơn, thu hút nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng mang lại không cao, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến môi trường. Những năm gần đây, Đồng Nai thực hiện chủ trương thu hút FDI có chọn lọc, kiên quyết từ chối những dự án gây ô nhiễm, sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu như thuộc da, dệt nhuộm, xi mạ… Mục tiêu giai đoạn tới là thu hút những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ và những dự án vốn nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; đồng thời, yêu cầu DN đưa ra lộ trình chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Những dự án, khu công nghiệp công nghệ cao đang được xúc tiến hình thành để đón các nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến, tiếp xúc và làm việc với địa phương để đề xuất xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao, nên tỉnh cũng đang gấp rút mở rộng và bổ sung nhiều khu công nghiệp mới nhằm đáp ứng xu hướng và nhu cầu nói trên.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, các nhà đầu tư phù hợp với chiến lược thu hút công nghệ cao, xanh hóa sản xuất, thân thiện môi trường sẽ được tỉnh xem xét và ưu tiên hỗ trợ.

Lao động trong từng DN giảm nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp của Đồng Nai vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng trên 7%/năm. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm sau cao hơn năm trước từ 8-12%/năm. Có được kết quả trên là do tỉnh có chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên cho những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và sử dụng ít lao động.

Văn Gia

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
White Screen Dịch vụ lưu trữ đám mây an toàn Phần mềm lương Mẫu khóa vân tay giá rẻCập nhập tin tuyển dụng nhanh chóng iphone 15 Két Sắt Đức Phương tổng đài wifi viettel tra cứu goi cuoc vinaphone chi tiết