Vào đầu năm 2020, khi xảy ra đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai đã chú trọng hơn đến việc tìm nguồn cung nguyên liệu nội địa. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2022, các DN đã giảm nhập khẩu nguyên liệu vì đã tìm được nguồn cung trong nước.
Vào đầu năm 2020, khi xảy ra đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai đã chú trọng hơn đến việc tìm nguồn cung nguyên liệu tại thị trường nội địa. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2022, các DN đã giảm nhập khẩu nguyên liệu vì đã tìm được nguồn cung trong nước.
Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất công nghiệp hỗ trợ cung ứng cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Ảnh: H.Giang |
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Đồng Nai đạt hơn 15 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu hơn 8,7 tỷ USD, tăng hơn 16,3% và nhập khẩu hơn 6,3 tỷ USD, tăng hơn 2%. Xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm sẽ làm cán cân thương mại nghiêng về phía Đồng Nai và xuất siêu sẽ tiếp tục tăng.
* Chú trọng tăng sử dụng nguyên liệu trong nước
Dịch bệnh Covid-19 dẫn đến việc mua nguyên liệu từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn do các nhà máy không cung ứng đủ, chi phí tăng, thời gian vận chuyển kéo dài. Nguồn nguyên liệu không nhập khẩu đúng hẹn sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của các nhà máy và chậm tiến độ giao hàng. Do đó, các DN đều chú ý tìm nhà cung ứng nguyên liệu đầu vào trong nước để giảm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa và chủ động sản xuất.
Đồng Nai là trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của Việt Nam, trên địa bàn tỉnh tập trung trên 50 ngành nghề sản xuất, công nghiệp hỗ trợ phát triển. DN trên các lĩnh vực có thể chủ động tìm hiểu để liên kết trở thành đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau. |
Ông Lê Xuân Tân, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Dịch bệnh, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng cao, nguồn cung lại khan hiếm. Do đó, công ty đã đàm phán với khách hàng sử dụng loại gỗ khác có sẵn trong nước nên đã bớt phải nhập khẩu. Tìm nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào trong nước DN sẽ chủ động hơn trong sản xuất”.
Nhiều DN có vốn đầu tư trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn Đồng Nai cho biết, họ rất muốn tìm được DN tại Việt Nam có đủ năng lực cung cấp sản phẩm đầu vào ổn định và lâu dài cho các nhà máy. Vì thế, các DN có hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cạnh tranh sẽ được nhiều DN đặt mua hàng với số lượng lớn.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Nam Kaneko (100% vốn Nhật Bản, ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2) cho hay: “Công ty sản xuất các loại van cho hệ thống lọc dầu, tàu thuyền, máy bay và máy công nghiệp... nên cần nguyên liệu sắt thép chất lượng cao để sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng. Công ty ưu tiên mua nguồn nguyên liệu trong nước, chỉ những nguyên liệu thị trường nội địa không đáp ứng được, công ty mới nhập khẩu”.
* Thêm cơ hội cho nhiều DN Việt
Việc các DN trong nước, DN FDI tại Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác đang mở rộng tìm kiếm đối tác ở thị trường nội địa để cung ứng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sẽ là cơ hội cho những DN trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Một số tập đoàn đa quốc gia tại Đồng Nai đã tăng cường tìm kiếm, mở rộng thêm nhà cung cấp trong nước và họ còn sẵn sàng hỗ trợ các DN nhỏ và vừa về kỹ thuật để hai bên hợp tác thuận lợi hơn.
Đơn cử, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) có hơn 400 DN tại Việt Nam chuyên cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất tại Đồng Nai và các tỉnh, thành trên cả nước. Công ty thường xuyên tổ chức hội nghị đưa ra kế hoạch, yêu cầu về chất lượng cho nhà cung ứng biết. Ngoài ra, một số DN sản xuất, chế biến còn liên kết trực tiếp với các vùng nguyên liệu để đặt hàng nhằm kiểm soát chặt từng khâu.
Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho biết, sản phẩm của Nestlé Việt Nam sản xuất tại những nhà máy ở Đồng Nai ngoài bán cho người tiêu dùng ở thị trường trong nước còn xuất khẩu sang 25 quốc gia khác. Nestlé Việt Nam gắn kết nhà máy với những vùng nguyên liệu lớn trong nước để có sản phẩm “Made in Vietnam” chất lượng cao, nhằm mở rộng xuất khẩu ra thế giới.
Những tập đoàn FDI khác tại Đồng Nai như: LG, Schaeffler, Meggitt, Hyosung, Kao, Samsung, Kolon, Chrysler, Cargill, VMEP, Hualon, Bosch… cũng sẵn sàng đưa các DN tại Việt Nam vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho mình để nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tăng giá trị gia tăng. Như vậy, hàng hóa xuất khẩu sang các nước Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do sẽ hưởng ưu đãi về thuế quan. Một số tập đoàn FDI sau khi vào tỉnh đầu tư còn mời gọi thêm những DN nước ngoài khác đặt nhà máy tại Đồng Nai để cung cấp thiết bị đầu vào cho mình, giảm nhập khẩu, thời gian vận chuyển.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, DN dệt may Việt Nam đều ưu tiên lựa chọn nguyên liệu trong nước để sản xuất, xuất khẩu nhằm kiểm soát tốt chuỗi sản phẩm, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của các nhãn hàng trên thế giới. Hơn 2 năm qua, dù xảy ra đại dịch nhưng ngành Dệt may Việt Nam vẫn có những bứt phá vươn lên là nhờ các DN liên kết chặt chẽ tạo thành chuỗi cung ứng đảm bảo từ khâu bông, sợi, vải, may mặc.
Hương Giang