Quốc hội đã ra nghị quyết và Chính phủ cũng đã ban hành kế hoạch hành động nhằm mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2025 sau quãng thời gian dài đất nước đối mặt với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Quốc hội đã ra nghị quyết và Chính phủ cũng đã ban hành kế hoạch hành động nhằm mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2025 sau quãng thời gian dài đất nước đối mặt với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Việc này cũng nhằm nhìn lại quá trình phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhìn nhận một cách khách quan, cơ cấu lại nền kinh tế mang tính cấp bách, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh, bền vững. Nếu trì hoãn hoặc chậm tái cơ cấu sẽ rất khó để thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới. Những thách thức để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế cũng thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch, tái cơ cấu kinh tế một cách tự nhiên.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc cơ cấu nền kinh tế, tạo đà phát triển bền vững chính là việc tập trung, hỗ trợ phát triển đội ngũ doanh nghiệp (DN) mạnh. Theo đó, phát triển lực lượng DN, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, khai thác hiệu quả hội nhập quốc tế; tăng cường kết nối khu vực tư nhân với DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Về lâu dài, đội ngũ DN tư nhân mới là cốt cán để nâng cao sức mạnh cạnh tranh của thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Chính vì vậy, phát triển lực lượng DN tư nhân lớn mạnh dựa trên ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu; nâng cấp chuỗi giá trị, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, gắn với liên kết và phát huy nội lực của nền kinh tế là đòi hỏi cấp thiết.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh và những khó khăn khác tác động nên mục tiêu phát triển 1 triệu DN vào năm 2020 đã không đạt được. Để thúc đẩy sự lớn mạnh của cộng đồng DN cả nước, Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn với 1,5 triệu DN vào năm 2025, trong đó có khoảng 60-70 ngàn DN quy mô vừa và lớn. Theo các chuyên gia, đặt mục tiêu cao là cần thiết để huy động thêm các nguồn lực bổ sung vào nền kinh tế nhưng chất lượng, cơ cấu DN trong nền kinh tế mới là điều quan trọng, chứ không phải số lượng. Khi Việt Nam chuyển sang giai đoạn tăng trưởng mới, DN cần được định vị ở vị trí trọng tâm hơn, là trung tâm của các chính sách kinh tế.
Cũng như cả nước, để phát triển kinh tế, Đồng Nai sẽ tiếp tục thu hút các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm năng về công nghệ, tài chính. Từ đó, tạo điều kiện và thị trường cho đội ngũ DN nội tỉnh phát triển. Các chính sách để thúc đẩy, hỗ trợ cộng đồng DN hình thành, phát triển đã có, yêu cầu hiện nay là việc triển khai các chính sách ấy vào thực tiễn một cách có hiệu quả.
Văn Gia